Saturday, February 3, 2024

Tin Tức: Thứ Bảy 03.02.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.

1.BLOGGER ĐƯỜNG VĂN THÁI ĐƯỢC GẶP MẸ SAU HƠN 9 THÁNG BỊ BẮT CÓC

Chiều 30/1/2024, bà Dương Thị Lư, mẹ của Blogger Đường Văn Thái bất ngờ nhận được cuộc gọi của công an cho biết bà sẽ được gặp con trai vào ngày hôm sau ở Trại tạm giam B14 thuộc Bộ Công an, huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Bà Lư được tiếp xúc với con trai qua tấm kính chắn và nói chuyện bằng điện thoại dưới sự giám sát của cai tù trại giam. Trước đó, công an đã đe dọa và cảnh báo bà không được nói về công việc mà chỉ được nói chuyện về gia đình, thăm hỏi sức khỏe. Cuộc gặp được diễn ra trong khoảng nửa giờ đồng hồ.

Ông Đường Văn Thái (còn được gọi là Thái Văn Đường) bị mật vụ cộng sản VN bắt cóc ngày 13/4/2023 ở gần thủ đô Bangkok của Thái Lan, sau khi ông được phỏng vấn để đi định cư ở một nước thứ ba. Thái Văn Đường (42 tuổi), là một blogger thường xuyên đưa tin và bình luận về các đấu đá nội bộ trong giới cầm quyền cộng sản. Ông sang Thái tị nạn và đã xin được quy chế tị nạn chính trị từ cuối năm 2018. Việc ông Thái được gặp mẹ trong giai đoạn tạm giam để điều tra là một điều bất ngờ. Theo quy định của luật Tố tụng hình sự, đối với tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia” như “hoạt động lật đổ chính quyền”, hay “tuyên truyền chống nhà nước” thì bị can chỉ được tiếp xúc với luật sư hoặc thân nhân sau khi đã kết thúc giai đoạn điều tra.

Bà Lư cho biết sức khỏe con trai bà bình thường theo sự quan sát của bà. Ngoài thông báo về việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam của Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) ký ngày 05/7, đến nay, bà chưa nhận được thông báo gia hạn tạm giam con trai mình.

 

2.KỶ LUẬT MỘT SỐ LÃNH ĐẠO ĐỊA PHƯƠNG VÌ LIÊN QUAN SAI PHẠM ĐẤT ĐAI

Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Phú Yên hôm 2/2 vừa ra quyết định kỷ luật một số lãnh đạo địa phương bao gồm các phó bí thứ, bí thư Đảng uỷ về những sai phạm trong quản lý đất đai. Ông Lê Văn Thành, Nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên nhiệm kỳ 2015-2020, và ông Nguyễn Hữu Từ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân đều nhận hình thức kỷ luật là “cảnh cáo”. Truyền thông lề đảng đưa tin chung chung rằng các quan chức này “đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, giải quyết phản ánh, kiến nghị của địa phương chưa kịp thời.

Cùng thời điểm, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng - ông Dương Đức Đại, bị Đảng kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo” vì vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai. Ông này được xác định là “vi phạm quy định của pháp luật trong việc cho thuê đất, thuê hồ thủy lợi, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, gây dư luận xấu…”

 

3.MỨC ĐỘ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ HÀ Ở NỘI ĐỨNG ĐẦU THẾ GIỚI

Theo trang quan trắc ô nhiễm không khí IQAir, sáng 2/2 (tức 23 tháng Chạp âm lịch), chất lượng không khí tại thủ đô Hà Nội ở ngưỡng “rất không tốt”, có thời điểm xếp thứ 1 thế giới về mức độ ô nhiễm. Vào thời điểm giữa buổi sáng, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong thành phố ở mức 148µg/m³, cao gấp 29,6 lần mức khuyến nghị của WHO.

Tổ chức WHO Việt Nam khuyến cáo người dân có các biện pháp phòng tránh như ở trong nhà nhiều nhất có thể, đeo khẩu trang, sử dụng khăn ướt để lau dọn nhà.

Hình ảnh bầu không khí mịt mù tại Hà Nội được lan truyền trên mạng xã hội với những ví von, đả kích như “Hà Nội mờ mờ nhân ảnh”, “Đà Lạt mù sương”.

Ô nhiễm không khí nặng khiến ít nhất 37 máy bay đã phải chuyển hướng hạ cánh vào sáng 2/2, theo thông báo của Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Tại thời điểm này, Hà Nội trời nhiều mây, độ ẩm không khí cao, người dân tổ chức đốt vàng mã nhân ngày Táo Quân theo truyền thống cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng như nêu trên.

Ô nhiễm không khí là vấn đề nan giải của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc bỏ tù những người dân lên tiếng bảo vệ môi trường, đóng cửa các tổ chức tranh đấu về môi trường đã phản ánh rõ quan điểm của nhà cầm quyền CSVN là coi nhẹ vấn đề môi trường, tương lai của đất nước và sự sinh tồn của người dân.

4/ ÂU CHÂU ĐỒNG Ý KHOẢN VIỆN TRỢ 50 TỶ ÂU KIM CHO UKRAINE

Trong phiên họp thượng đỉnh tại Bruxelles vào ngày 1/2, giới lãnh đạo Liên hiệp Âu châu  đã đạt được thỏa thuận về khoản viện trợ 50 tỷ Âu kim dành cho Ukraine, sau khi Hungary không còn phủ quyết khoản viện trợ này.

Theo thông báo của chủ tịch Hội đồng Âu châu Charles Michel thì nguồn tài trợ này sẽ nhằm ổn định cho Ukraine trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga. Ngay lập tức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố đây là một lần nữa chứng tỏ sự đoàn kết mạnh mẽ của Liên hiệp Âu châu và là một đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống quân Nga.

Khoản viện trợ 50 tỷ Âu kim dành cho Ukraine nằm trong khuôn khổ ngân sách bổ sung của Liên hiệp Âu châu cho đến năm 2027. Ukraine đang rất cần khoản viện trợ này để duy trì hoạt động của nền kinh tế Ukraine, vào lúc mà viện trợ của Hoa Kỳ vẫn bị chặn lại ở quốc hội Mỹ.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240201-li%C3%AAn-%C3%A2u-h%E1%BB%8Dp-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-v%E1%BB%81-g%C3%B3i-vi%E1%BB%87n-tr%E1%BB%A3-50-t%E1%BB%B7-euro-cho-ukraina

5/ MỸ TĂNG CƯỜNG TRỪNG PHẠT MIẾN ĐIỆN

Đúng kỷ niệm 3 năm quân đội Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự, vào ngày 1/2 Hoa Kỳ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Miến Điện trong khi tập đoàn quân phiệt triển hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp.

Bộ tài chính Mỹ vào hôm 31/1 đã siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt tập đoàn quân phiệt tại Miến Điện. Các biện pháp mới nhắm vào những “thực thể thân cận với chế độ”, trong đó có tập đoàn dầu khí Shwe Byain Phyu trong tay nhà tài phiệt Thein win Zaw, một nhân vật thân cận với giới tướng lĩnh cầm quyền. Tập đoàn vận tải đường biển Five Star cũng có tên trong danh sách trừng phạt mà Washington vừa ban hành.

Chính quyền Hoa Kỳ giải thích mục tiêu đề ra là nhằm cắt đứt các nguồn tài trợ của một chế độ đang đàn áp chính dân tộc của họ.

Cần biết là từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2 năm 2021, Miến Điện liên tục sống trong tình trạng khẩn cấp. Tập đoàn quân phiệt thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp này thêm 6 tháng và một lần nữa hoãn ngày tổ chức bầu cử như đã hứa hẹn cách đây ba năm. Từ sau cuộc đảo chính đã có hơn 4 ngàn người dân Miến Điện đã thiệt mạng trong các đợt đàn áp.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240201-m%E1%BB%B9-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%C3%A1c-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n-ba-n%C4%83m-sau-%C4%91%E1%BA%A3o-ch%C3%ADnh-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1

 

No comments:

Post a Comment