Friday, January 5, 2024

Ngọn đuốc UKRAINE vẫn luôn rực sáng

Quan Điểm

Công cuộc đấu tranh kiên cường chống quân Nga xâm lăng của dân chúng Ukraine dù kết quả như thế nào thì đây vẫn là một biểu tượng rực sáng để những dân tộc bị áp bức noi theo.

Mời quý thính giả theo dõi bài Quan Điểm của Lực Lượng Cứu Quốc về sự kiện này với tựa đề “Ngọn đuốc UKRAINE vẫn luôn rực sáng” do Hải Nguyên trinh bày sau đây.

Thưa quý thính giả,

Thứ Sáu, ngày 29 tháng 12 năm 2023 vừa qua, Nga mở cuộc tấn công Ukraine bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái lớn nhất kể từ khi Nga xua quân xâm lăng Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến nay. Cuộc oanh kích kéo dài nhiều tiếng đồng hồ và nhắm vào nhiều địa điểm trải rộng trên toàn lãnh thổ Ukraine. Hậu quả là 7 thành phố, kể cả thủ đô Kiev của Ukraine, bị hư hại nặng nề. Gần 50 kiến trúc bị hủy diệt toàn bộ, trong đó có giáo đường, bịnh viện, trường học, cơ sở chính phủ và cao ốc nhà dân. Về nhân mạng, hơn 40 người dân Ukraine tử thương, gần 200 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em.

Mặc dù Ukraine đã bắn hạ hơn 150 hỏa tiễn và drones của Nga trong cuộc oanh kích này, nhưng tất cả 14 hỏa tiễn địa-không loại S-300 của Nga đều đã vượt qua hệ thống hỏa lực phòng thủ của Ukraine để hủy diệt mục tiêu. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng loại hỏa tiễn địa-không tối tân hàng đầu này trong cuộc chiến xâm lăng Ukraine. 

Dư luận chung cho rằng việc Nga sử dụng loại hỏa tiễn S-300 là để trả đũa Ukraine đã tấn công chiến hạm đổ bộ tối tân Novocherkassk của Nga tại căn cứ hải quân Nga ở bán đảo Cremia một tuần trước. Tuy nhiên, giới phân tích chính trị nhận xét đây là phép thử của Nga để đo lường phản ứng của các nước Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong việc yểm trợ Ukraine đối đầu với Nga.

Nhưng dù với mục tiêu gì thì việc Nga sử dụng loại vũ khí tối tân hàng đầu để tấn công Ukraine cũng là một chuyển biến đầy bất lợi cho Ukraine.

Thật vậy, dù Nga không sử dụng hỏa tiễn S-300 để tấn công, về mặt vũ khí, Ukraine cũng đang ở thế yếu. Mức độ viện trợ quân sự của khối Tây phương cho Ukraine đã giảm thiểu nghiêm trọng trong thời gian qua. Nguồn vũ khí mà Ukraine nhận được quan trọng nhất là Hoa Kỳ hiện đang ở mức thấp nhất kể từ ngày cuộc chiến khai diễn. Mặc dù với tất cả nỗ lực, kể cả việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski cấp tốc bay qua Hoa Thịnh Đốn ngày 12 tháng 12 vừa qua để trực tiếp vận động, Hoa Kỳ cũng chỉ viện trợ 250 triệu mỹ kim, tức chỉ bằng 1 phần 5 mức viện trợ trong thời gian qua. Khuynh hướng bảo thủ trong chính giới Hoa Kỳ ngày càng tăng, với chủ trương phải ưu tiên dành ngân sách cho các chi tiêu trong nước, đã tạo ra hậu quả vô cùng bất lợi cho Ukraine. Tương tự, việc ủng hộ Ukraine của Liên Hiệp Châu Âu cũng bị khó khăn vì ngăn cản của Hung Gia Lợi. Tổng thống Viktor Orban của Hung, với chủ trương “dân túy”, đã nghiêng hẳn về phía Putin.

Thêm vào đó, cuộc chiến Do Thái-Hamas diễn ra từ đầu tháng 10 vừa qua cũng là một biến cố bất lợi cho Ukraine. Ngoài việc hình ảnh cuộc chiến Ukraine chống Nga xâm lăng ngày càng lu mờ trong dư luận công chúng thế giới, biến cố này cũng đã ảnh hưởng bất lợi đến nguồn viện trợ cho Ukraine. Hoa Kỳ ưu tiên dành ngân sách ngoại viện, vốn ngày càng hạn hẹp, cho Do Thái, thay vì cho Ukraine như trước đây.

Có lẽ vì nhìn rõ được các chuyển biến này, Vladimir Putin, trong bài nói chuyện đầu năm với dân Nga, đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ và các nước Tây phương gây ra cuộc chiến Ukraine với mục tiêu tối hậu là tiêu diệt nước Nga. Putin hứa hẹn với dân chúng rằng quân đội Nga sẽ chiến đấu đến chiến thắng cuối cùng ở Ukraine để, theo ngôn từ của Putin là, “bảo vệ sự tồn tại của nước Nga trước đe dọa của đế quốc Mỹ”.

Với những diễn biến này, nhiều người cho rằng Ukraine không sớm thì muộn cũng phải chấp nhận thương thảo với Nga để chấm dứt cuộc chiến dù không thể buộc Nga trả lại những vùng đất quân Nga đang chiếm đóng. Cần biết là trước đây, Tổng thống Zelenski đã nhiều lần tuyên bố sẽ chỉ chấp thuận đàm phán khi Nga không những phải rút quân khỏi những vùng chiếm đóng sau ngày 24/2/2022, mà còn phải trả cho Ukraine cả bán đảo Cremia mà Nga đã chiếm năm 2014.

Nhưng, như trên đã trình bày, tình thế nay đã thay đổi. Nguồn viện trợ vũ khí và quân dụng cho Ukraine ngày càng giảm sút. Dư luận quần chúng các nước Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ đã không còn chú ý đến cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine nữa. Đồng thời, Ukraine không những phải đối đầu với quân lính Nga, mà còn phải lo sản xuất kinh tế để tự nuôi sống.

Thực tế này là một mối bất hạnh đối với TT Zelnski nói riêng và dân chúng Ukraine nói chung. Họ không tránh khỏi tâm trạng của những người đang bị đồng minh bỏ rơi.

Tuy nhiên chúng ta có thể vững tin rằng, dù dân tộc Ukraine có phải bước lùi một bước, thì đây chỉ là sự nhượng bộ nhất thời vì hoàn cảnh không thể nào làm khác được. Với ý chí kiên cường và quyết tâm hy sinh chống giặc ngoại xâm, thể hiện một cách vô cùng ngoạn mục và rõ ràng trong 2 năm qua, nhân dân Ukraine sớm muộn gì cũng sẽ khôi phục lại những vùng đất mà quân Nga chiếm đóng.

Cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài Quan Điểm của chúng tôi./.

No comments:

Post a Comment