Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra giữa các chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Trung Cộng vào sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974 là một biến cố lịch sử đau buồn của Dân Tộc Việt.
Mời quý thính giả theo dõi bài Quan Điểm của Lực Lượng Cứu Quốc về biến cố này với tựa đề “Ý nghiã trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974” do Hải Nguyên trinh bày sau đây.
Thưa quý thính giả,
Ngày này, 50 năm trước, các chiến sĩ Hải Quân quân lực
Việt Nam Cộng Hoà đã khai chiến chống quân Trung Cộng để bảo vệ Hoàng Sa. Trận
hải chiến Hoàng Sa diễn ra lúc 10 giờ 25 sáng và kết thúc không lâu sau đó. Hai
bên đều chịu những tổn thất nặng về chiến cụ và nhân mạng.
Trước lực lượng tiếp viện đông đảo của Trung Cộng, kể
cả phi cơ chiến đấu cất cánh từ đảo Hải Nam, các chiến hạm Việt Nam phải rút
lui. 74 chiến sĩ Hải Quân VN đã hy sinh, trong đó có Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tuẫn
tiết theo Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10.
Đây là một trận chiến bất cân xứng. Hải quân Việt Nam
Cộng Hòa, vốn đã rất khiêm nhường về số lượng so với Hải quân Trung Cộng, lại còn
bị hạn chế tiếp liệu vì Hoa Kỳ đã giải kết tại Việt Nam. Thêm vào đó, Hải quân
Việt Nam Cộng Hoà phải dồn phần lớn lực lượng để ngăn chận quân Cộng Sản Bắc Việt
đang đẩy mạnh công cuộc chiếm đọat Miền Nam bằng vũ lực.
Về phía Trung Cộng, lợi dụng cơ hội Việt Nam suy yếu, và
nhất là sự nhắm mắt làm ngơ của Hoa Kỳ, đã tiến hành việc chiếm đoạt Hoàng Sa.
Kế hoạch này đã được nghiên cứu, chuẩn bị quy mô từ tháng 9 năm 1973, do chính
Mao Trạch Đông chỉ thị Đặng Tiểu Bình trực tiếp hoạch định.
Dù biết thế yếu, hoàn cảnh hung hiểm, nhưng các chiến
hạm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa vẫn anh dũng khai chiến với lực lượng Trung Cộng.
Các chiến sĩ Hải Quân chấp nhận hy sinh vì Hoàng Sa là gia sản mà tiền nhân
trao truyền lại cho hậu thế. Dù biết đi vào cửa tử, các chiến sĩ Hải Quân Việt
Nam Cộng Hòa vẫn hiên ngang chấp nhận. Sự chiến đấu kiên cường của các chiến hạm
Việt Nam đã được chính các sĩ quan Trung Cộng tham chiến kể lại sau này.
Trong khi đó, nhà cầm quyền Cộng Sản Bắc Việt đã hoàn
toàn câm nín trước việc Trung cộng chiếm đoạt Hoàng Sa. Trong nội bộ, để trấn
an cán bộ, đảng viên, Bộ Chính Trị đảng CSVN giải thích “Hoàng Sa nằm trong tay nước xã hội chủ nghĩa anh em còn tốt hơn là thuộc
chính quyền ngụy”!
Thật ra, Đảng CSVN “há miệng mắc quai” vì chính thủ tướng
Cộng sản Bắc Việt lúc bấy giờ là Phạm
Văn Đồng đã ký công hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958, tuyên bố công nhận và tôn trọng
chủ quyền của Trung cộng trên vùng biển Đông, gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Chấp
nhận hiến dâng các hải đảo này cho Bắc Kinh là quyết định của Hồ Chí Minh và Bộ
Chính Trị Đảng CSVN từ những năm 1955, 1956 để được Trung Cộng cung cấp vũ khí,
quân dụng đánh chiếm Miền Nam khi con đường hiệp thương thống nhất đất nước
không thành.
Hôm nay, 50 năm sau
ngày diễn ra trận hải chiến Hoàng Sa, cuộc diện đã thay đổi mọi mặt. Đảng CSVN
đã thôn tính được cả nước nhưng với chế độ độc tài đảng trị, tham nhũng, thối
nát, đang đẩy đất nước đến chỗ suy vong.
Trung Cộng, từ một nước
chậm tiến, đã trở thành một cường quốc, và tham vọng bành trướng ngày càng lộ
liễu trắng trợn. Liên hệ Hà Nội – Bắc Kinh ngày nay vừa mang tính cách “môi hở
răng lạnh” vì CSVN cần dựa lưng vào Trung Cộng để duy trì ngôi vị lãnh đạo độc
tôn, nhưng thái độ quy phục đàn anh phương Bắc đã khiến CSVN ngày càng bị dân
chúng lên án.
Chính sách của Hoa Kỳ
đối với vùng Châu Á Thái Bình Dương cũng đã thay đổi sâu xa. Nếu trong các thập
niên 1970-1980, để cô lập Liên Xô, Hoa Kỳ ve vãn Trung Cộng, nên bất động trước
việc Trung Cộng chiếm đoạt Hoàng Sa, thì nay, trước sự lớn mạnh đày đe doạ của
Trung Cộng, Hoa Kỳ đã nỗ lực kết thân với các nước ĐNÁ, đặc biệt là ve vãn Vịệt
Nam để kềm hãm Trung Cộng. Việc Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội vừa nâng cấp quan hệ lên
“đối tác chiến lược toàn diện” là một ví dụ điển hình.
Với những biến chuyển
trên, sự hy sinh của 74 chiến sĩ HQVNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa đã có một
ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng.
Sự kiện này là một bằng
chứng để minh xác với thế giới rằng “Hoàng
Sa là của Việt Nam” và chủ quyền này được xác định không phải chỉ bằng những
chứng tích lịch sử, những văn kiện pháp lý, mà bằng cả máu xương thật sự của con
dân nước Việt.
Và biến cố Hoàng Sa cũng
nhắc nhở, muốn bảo vệ đất nước, biển đảo, dân Việt phải dựa vào chính nội lực của
mình. Sự yểm trợ từ bên ngoài, dù từ đâu, cũng chỉ để ưu tiên phục vụ cho quyền
lợi của ngoại bang.
Đồng thời, diễn biến
trong thời gian qua cũng cho thấy, chừng nào Việt Nam còn bị tập đoàn Cộng sản cai
trị thì chừng đó Việt Nam không những không thể đòi lại biển, đảo đã mất, mà
còn có thể mất thêm đất biển, như đã chứng minh qua bao sự kiện đã và đang diễn
ra.
Việc lấy lại Hoàng Sa
là trách nhiệm của Dân tộc Việt. Đây là công cuộc đòi hỏi thời gian và quyết
tâm của cả dân tộc.
Hiển nhiên trong giai
đoạn hiện tại, điều kiện chưa thuận lợi cho nỗ lực này. Một mặt, bá quyền
phương Bắc đang ở thời hưng thịnh. Mặt khác, quan trọng hơn, dân tộc Việt đang
trong giai đoạn suy vi vì bị thành phần “hèn với giặc, ác vớii dân” thống trị, nên
không thể huy động được sức mạnh của đại khối Dân Tộc.
Nhưng lịch sử không
chỉ tính một vài năm, một vài thập niên, thậm chí đôi ba trăm năm! Sẽ đến giai
đoạn đất nước hưng thịnh. Miễn là dân tộc Việt phải luôn ghi nhớ quần đảo Hoàng
Sa là một phần của Việt Nam.
Trận hải chiến Hoàng
Sa với cái chết anh dũng của 74 chiến sĩ ngày 19 tháng Giêng 50 năm trước chính
là một trang sử viết bằng máu để nhắc nhở con dân nước Việt luôn ghi nhớ: Hoàng
Sa là của Việt Nam./.
No comments:
Post a Comment