Friday, January 26, 2024

Tin Tức: Thứ Sáu 26.01.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Bá Cơ trình bày sau đây.

1/ VN CHỈ TRÍCH BÁO CÁO NĂM 2023 CỦA TỔ CHỨC GIÁM SÁT NHÂN QUYỀN

Việt Nam vào hôm qua đã cực lực chỉ trích báo cáo thường niên của Tổ chức Giám sát Nhân quyền về thành tích tồi tệ trong lãnh vực nhân quyền của Hà Nội.

Trong cuộc họp báo vào hôm qua 25/1, bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn nhân bộ ngoại giao Việt Nam, đã trả lời câu hỏi về báo cáo nói trên về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2023. Theo ngụy biện của bà Hằng, đây là báo cáo có ý đồ xấu nhằm vào VN, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế của VN và chia rẽ nước này với cộng đồng quốc tế. Bà Hằng nhấn mạnh là VN luôn nỗ lực nâng cao nhân quyền nhằm bảo đảm các quyền căn bản của người dân.

Cần biết là vào tối ngày 11/1, tổ chức Giám sát Nhân quyền đã công bố báo cáo thường niên về lãnh vực nhân quyền tại hơn 100 quốc gia trong năm 2023. Báo cáo cho biết là tại VN, tình hình nhân quyền tiếp tục thêm tồi tệ mà nguyên nhân chính không chỉ do bạo quyền Hà Nội gia tăng đàn áp mà còn là hậu quả của sự tiếp tay của các nước phát triển.

Khi được hỏi về sự kỳ thị sắc tộc trong vụ tấn công ở tỉnh Đắc Lắc vào ngày 11/6 năm ngoái, bà Phạm Thu Hằng thẳng thắn bác bỏ có vụ này, với các sắc tộc sống trên lãnh thổ VN đều bình đẳng như nhau.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-rejects-hrw-report-01252024080041.html

2/ HAI NƯỚC VIỆT – PHILIPPINES ĐỒNG Ý HỢP TÁC VỀ TUẦN DUYÊN

Việt Nam và Philippines đã đồng ý tăng cường hợp tác tuần duyên qua một thỏa thuận sẽ được ký kết vào tuần tới.

Thông báo chính thức của Lực lượng Tuần duyên Philippines vào ngày 25/1 về thỏa thuận hợp tác tuần duyên giữa hai phía sẽ được ký kết, nhân chuyến công du Việt Nam hai ngày của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. bắt đầu vào tuần tới.

Cần biết cả hai nước Việt Nam và Philippines đều có tranh chấp lãnh hải với Trung Cộng tại Biển Đông, mà Manila gọi là biển Tây Philippines.

Chưa rõ thỏa thuận hợp tác tuần duyên giữa Hà Nội và Manila có những điều khoản cụ thể gì,  tuy nhiên sự hợp tác này được cho là thiết yếu để giảm nguy cơ đụng độ giữa các tàu cá bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải.

Vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Philippines cho biết đã tiếp cận Việt Nam và những nước láng giềng khác để bàn thảo về một bộ quy tắc ứng xử riêng tại Biển Đông. Hành động này cũng làm Trung Cộng tức giận khi nước này lâu nay cổ xúy cho một bộ quy tắc nhưng chưa đạt kết quả gì.

Trung Cộng đơn phương tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông qua đường đứt khúc mà Bắc Kinh tự vạch ra. Đường chủ quyền này bị Philippines kiện ra tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye. Vào tháng 7/2016, tòa án tuyên bố đường đứt khúc đó của Trung Cộng không có giá trị cả về mặt lịch sử và pháp lý.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-philippines-to-sign-coastguard-deal-risking-china-s-ire-01252024075258.html

3/ VN GÁNH CHỊU PHẦN LỚN RÁC NHỰA TỪ ÂU CHÂU

Bất chấp những quy định ngặt nghèo của khối Âu châu về tái chế bao nhựa, phần lớn các rác thải loại này từ khối Âu châu cuối cùng vẫn đến Việt Nam và đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc đại học Utrecht của Hòa Lan và Việt Nam mới đây đã tiến hành một khảo sát về tình trạng này và công bố báo cáo như  trên.

Một bài báo về cuộc nghiên cứu do Đại học Utrecht công bố vào hôm 24/1 cho biết các chuyên gia đã đến thăm làng nghề tái chế nhựa Minh Khai ở tỉnh Hưng Yên và chứng kiến người dân ở đây ăn uống, sinh hoạt giữa những cơ sở tái chế nhựa bị bao phủ bởi mùi của nhựa bị đốt cháy, trẻ em chơi trong môi trường được miêu tả là nghẹt thở vì khói nhựa.

Theo nghiên cứu này, khoảng bảy triệu lít nước thải bị xả ra nguồn nước của làng nghề này mỗi ngày. Cũng theo nghiên cứu, khoảng một nửa rác thải nhựa từ khối Âu châu được xuất sang một số nước ở nam bán cầu và phần lớn trong số này là tới Việt Nam.

Trước đây, báo chí lề đảng ở Việt Nam cũng đã có những bài phóng sự tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm ở làng nghề Minh Khai thuộc thị trấn Như Quỳnh. Một bài phóng sự của tờ báo Hưng Yên năm 2022 cho biết là làng nghề có “những bãi rác nhựa chất đống, mùi ô nhiễm đặc trưng của phế thải nhựa và mùi hôi của nước thải xả bừa bãi”.

Theo bài báo thì các điểm tồn đọng rác thải của làng nghề ước tính khoảng 150 ngàn tấn chất thải nhựa tại các bãi rác tự phát khu vực xung quanh làng. Người dân cho biết là khói đen từ đốt nhựa khiến bầu không khí ngột ngạt, khó thở, với nhiều người bị đau đầu và tức ngực.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/a-large-percentage-of-european-plastic-sent-to-vietnam-ends-up-in-nature-01252024072535.html

4/ NÔNG DÂN PHÁP SẼ GIA TĂNG ÁP LỰC ĐỐI VỚI CHÍNH PHỦ

Phong trào nông dân phản đối chính phủ đang gia tăng tại Pháp với hôm qua 25/1, các cuộc biểu tình và phong tỏa diễn ra khắp nơi.

Thủ tướng Gabriel Attal hứa hẹn sẽ đưa ra nhiều giải pháp ngay trong ngày hôm nay 26/1. Giới lãnh đạo nghiệp đoàn lớn nhất của nông dân không loại trừ khả năng nông dân sẽ dồn về biểu tình tại Paris.

Vào sáng hôm qua, những người trồng nho đã phá cửa hai nhà kho của một siêu thị thuộc tỉnh Hérault, sau khi đốt cháy nhiều khay chở hàng của một cơ sở buôn rượu vang nổi tiếng.

Trên quốc lộ tỉnh Drôme, người biểu tình đã chặn nhiều xe tải nước ngoài, đa số là từ Tây Ban Nha, Maroc hay Bulgari, dỡ bỏ hàng hóa thực phẩm, như cà chua và trái bơ, đổ lên mặt đường. Trên đường cao tốc, các nông dân đã đổ 8 xe tải lớn chứa đất đá, gạch vụn và cành cây kéo dài hàng chục thước khiến giao thông tắc nghẽn.

Trên trục đường cao tốc thành phố Lille ở miền bắc, hàng chục tài xế máy kéo nối đuôi nhau giương khẩu hiệu "Đủ rồi Macron, nền nông nghiệp đang sụp đổ". Theo chủ tịch nghiệp đoàn,  phong trào phản kháng sẽ lan ra khắp 85 tỉnh của nước Pháp.

Yêu sách hàng đầu của giới nông dân là các trợ giúp khẩn cấp hàng trăm triệu Âu kim cho những người cần được hỗ trợ ngay lập tức, bên cạnh hàng loạt yêu cầu cấp bách khác như các quy định bị xem là ngày càng nặng nề, giá cả xăng dầu tăng vọt và các tiêu chuẩn về môi trường bị chỉ trích là phi lý.

Chính phủ Pháp nhóm họp vào sáng nay để bàn biện pháp đối phó, với sự tham dự của Bộ trưởng nông Nghiệp Marc Fesneau và Bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire. Phiên họp khẳng định là sự hỗ trợ khẩn cấp từ chính phủ là cần thiết và việc cắt giảm thủ tục về dài hạn là các đòi hỏi hợp lý.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20240125-n%C3%B4ng-d%C3%A2n-ph%C3%A1p-gia-t%C4%83ng-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-h%E1%BB%A9a-nhi%E1%BB%81u-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-trong-ng%C3%A0y-mai

No comments:

Post a Comment