Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Hải Vân trình bày sau đây.
1/ KÊU GỌI VN TRẢ TỰ DO CHO BÀ NGUYỄN THÚY HẠNH
Hơn 200 nhân sĩ và trí thức trong nước đã cùng ký tên vào
lá thư kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Nguyễn Thúy Hạnh, nhà đấu tranh
cho nhân quyền tại VN đang bị ung thư cổ tử cung.
Bà Hạnh, người sáng lập Quỹ 50K chuyên hỗ trợ cho những
người hoạt động bị hiểm nguy, đã bị bắt giam vào ngày 7/4 năm 2021 với cáo buộc
“tuyên truyền chống nhà nước”. Một năm
sau đó, bà bị đưa đến bệnh viện tâm thần trung ương để ép buộc chữa bệnh trầm
cảm. Vào đầu tháng này, bà bị phát giác mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
Vào ngày 27/1 vừa qua, cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Huệ
đăng tải kiến nghị thư gửi đến các cấp kiểm sát và công an thành phố Hà Nội,
đồng thời thu thập chữ ký trực tuyến. Đến chiều ngày 29/1, kiến nghị nói trên
đã có hơn 200 người trong và ngoài nước ký tên.
Bà Huệ cho biết là việc thu thập chữ ký trực tuyến sẽ kéo dài đến ngày 2/2 và
sau đó sẽ gửi kiến nghị qua đường bưu điện, kèm theo các chữ ký đến giới hữu
trách. Chồng của bà Hạnh là ông Huỳnh Ngọc Chênh cho hay là vào hôm 25/1, bà đã
được xạ trị lần đầu tiên và sẽ kéo dài trong ba tháng.
Một kiến nghị khác của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tập hợp
những nhân sĩ trí thức tên tuổi, đã đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam với tinh
thần tôn trọng nhân quyền và chính sách nhân đạo, hãy giao trả bà Nguyễn Thúy
Hạnh về gia đình để có điều kiện chăm sóc và điều trị tốt hơn.
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Kim Chi thay mặt câu lạc bộ này
khẳng định nếu nhà cầm quyền làm như vậy sẽ được đông đảo dư luận trong nước và
quốc tế ủng hộ, hoan nghênh.
Cần biết bà Nguyễn Thúy Hạnh là một trong những người hoạt
động nổi tiếng ở Việt Nam. Quỹ 50K của bà được nhiều người trong và ngoài nước
ủng hộ, trợ giúp cho hàng trăm nhà đấu tranh.
Bà từng tham gia ứng cử đại biểu quốc hội trong kỳ bầu cử
năm 2021 với lời hứa sẽ vận động cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền
của người phụ nữ, nhưng cuối cùng bị bạo quyền Hà Nội bác bỏ tư cách ứng cử.
2/ NGA TẬP TRẬN CHỐNG TÀU NGẦM Ở BIỂN ĐÔNG
Trong
khi đang căng thẳng với cuộc chiến ở Ukraine, Nga vẫn điều chiến hạm tới Biển
Đông để tập trận.
Khinh hạm Nguyên soái Shaposhnikov thuộc hạm
đội Thái Bình Dương của Nga vừa tiến hành diễn tập chống tàu ngầm ở Biển Đông, theo
thông báo của hạm đội vào ngày 25/1. Theo đó thì sau khi phát giác tàu ngầm giả
định của đối phương và nhận thông tin tọa độ từ trực thăng, chiến hạm này đã
phóng ngư lôi và bom chìm, những loại vũ khí chống tàu ngầm.
Một đơn vị thuộc hạm đội Thái Bình Dương
của Nga, gồm tuần dương hạm Varyag và khinh hạm Nguyên soái Shaposhnikov, đang
thực hiện hải trình dài ngày tới khu vực Á châu - Thái Bình Dương. Các chiến
hạm này đã rời cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông vào ngày 22/1.
Trước đây từ ngày 21 đến ngày 27/12 năm
2022, Nguyên soái hạm Shaposhnikov và tuần dương hạm Varyag đã cùng hai hộ tống
hạm từng tham gia tập trận chung với hải quân Trung Cộng tại Biển Đông.
Nguyên soái hạm Shaposhnikov là một tàu
khu trục Udaloy hiện đại được phân loại lại thành khinh hạm của hải quân Nga,
được đưa vào hoạt động từ năm 1985. Đây là một tàu chiến đa năng của hạm đội
Thái Bình Dương. Nó có khả năng chiến đấu chống chiến hạm, phòng không và chống
ngầm mạnh mẽ.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz4de8l2j09o
3/ TRUNG CỘNG CHO PHÉP
PHILIPPINES TIẾP TẾ Ở BÃI CỎ MÂY
Giới
chức hải cảnh Trung Cộng cho biết họ đã thực hiện "những sự sắp xếp đặc
biệt tạm thời", cho phép Philippines tiếp tế cho quân đội đang đồn trú
trên một con tàu từ thời Thế chiến II bị mắc cạn tại một rạn san hô đang tranh
chấp chủ quyền.
Hải cảnh Trung Cộng trước đó đã điều tàu
ngăn cản Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho số quân đang đóng trên chiếc
tàu vận tải vốn biến thành một tiền đồn quân sự tại Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo
Trường Sa, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 190 cây số.
Trong một tuyên bố trên mạng vào cuối
ngày thứ Bảy 27/1, hải cảnh Trung Cộng cho biết họ đã cho phép tiếp tế nhu yếu
phẩm, nhưng vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Trung Cộng tại bãi
cạn này và các vùng biển lân cận.
Tuyên bố cho biết là vào ngày 21/1 vừa
qua, một máy bay nhỏ từ Philippines đã thả hàng tiếp tế cho tiền đồn này. Theo
đó thì giới hải cảnh Trung Cộng tiếp tục theo dõi và giám sát theo quy định,
đồng thời có những thỏa thuận tạm thời để Philippines tiếp tế nhu yếu phẩm hằng
ngày.
Cần biết là Trung Cộng đã nhiều lần kêu
gọi Philippines kéo con tàu mắc cạn này ra khỏi khu vực hưng Tổng thống
Philippines Ferdinand Marcos Jr đã bác bỏ.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw4qw8811j4o
4/ TÒA TỐI CAO HỒNG KÔNG RA LỆNH
GIẢI THỂ TẬP ĐOÀN EVERGRANDE
Cổ phiếu của Evergrande đã mất đến 20%
vào sáng hôm qua 29/1 ngay sau khi tòa Tối cao Hồng Kông ra lệnh thanh lý tập
đoàn xây dựng khổng lồ của Trung Cộng, hiện bị nợ hơn 300 tỷ Mỹ kim. Tuy nhiên,
Evergrande, có trụ sở chính tại Hoa Lục, khẳng định là vẫn tiếp tục hoạt động.
Cần
biết là vào sáng hôm qua, khi khai mạc phiên tòa mới, thẩm phán Linda Chan
tuyên bố là phiên tòa đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi và tập đoàn Evergrande
vẫn không thể đệ trình một đề nghị cụ thể. Bà Chan nói thêm là đã đến lúc tòa án
phải có quyết định, bằng cách ra lệnh thanh lý tập đoàn có bất động sản khổng
lồ, hoạt động ở 230 thành phố Trung Cộng với hơn 1200 dự án bất động sản đang
thi công. Trước đó tập đoàn này được gia hạn đến ngày 29/1 để trình bày kế
hoạch tái cấu trúc.
Evergrande
có trụ sở ở Thẩm Quyến và niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Nhà
sáng lập Hứa Gia Ấn, từng là người giàu thứ nhì Trung Cộng, đã bị bắt giam vào
tháng 9 năm ngoái.
Quyết
định thanh lý Evergrande có nguy cơ gây ra nhiều rắc rối lớn, không chỉ đối với
các ngân hàng Trung Cộng mà còn tác động đến vài triệu nhà đầu tư nhỏ đã chi
cho những dự án chưa được xây dựng hoặc chưa hoàn thiện.
Ban giám đốc Evergrande khẳng định quyết định của tòa án tối
cao Hồng Kông sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của họ tại Hoa Lục. Tuy nhiên
giới phân tích cho rằng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Cộng
sẽ bị xói mòn. Từng là niềm tự hào của nền kinh tế Trung Cộng, Evergrande bắt
đầu lao dốc từ năm 2021 khi lần đầu tiên thông báo mất khả năng thanh toán,
tiếp theo là tuyên bố phá sản ở Mỹ.
5/ NƯỚC ÁO NGƯNG TÀI TRỢ CHO CƠ
QUAN CỨU TRỢ PALESTINE
Nước Áo vào hôm qua 29/1 đã trở thành quốc gia mới nhất
ngưng tài trợ bổ sung cho cơ quan cứu trợ Palestine của Liên Hiệp Quốc, một
ngày sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước nối lại tài trợ
để giúp đỡ những người di tản ở Gaza.
Trong tuyên bố đưa ra, bộ ngoại giao Áo kêu gọi cơ quan
Palestine UNRWA và LHQ phải tiến hành điều tra toàn diện, nhanh chóng và đầy đủ
về các cáo buộc là hơn 10 nhân viên cứu trợ đã góp phần vào cuộc tấn công Do
Thái của Hamas vào tháng 10 năm ngoái.
Ít nhất 10 nước khác, vốn chiếm khoảng 60% tài trợ của
UNRWA, cũng ngưng tài trợ. Các nước này bao gồm Mỹ, Úc, Anh, Canada, Phần Lan,
Đức, Ý, Nhật Bản, Hòa Lan và Thụy Sĩ. Na Uy vào hôm 28/1 cho biết mặc dù họ
chia xẻ những lo ngại về cáo buộc này, nhưng vẫn tiếp tục tài trợ cho cơ quan nói
trên.
Cần biết là 9 trong số các nhân viên cứu trợ có liên quan đến
vụ này đã bị sa thải ngay lập tức, một người được xác nhận đã chết và giới chức
đang làm rõ danh tính hai người khác.
No comments:
Post a Comment