Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.
1.VỤ TIẾP VIÊN VIETNAM AIRLINES MANG MA TÚY VỀ NƯỚC: KHỞI TỐ 331 BỊ CAN
Tính đến thời điểm này, đã có 331 bị can bị khởi tố
liên quan đến vụ 4 nữ tiếp viên hàng không hãng Vietnam Airlines xách hơn 11 kg
ma túy về nước.
Thông tin trên được đại diện công an thành Hồ thông
báo trong cuộc gặp mặt báo chí ngày 3/1. Cũng liên quan đến vụ án, Cơ quan cảnh
sát điều tra Công an thành Hồ cho biết đã khởi tố 130 vụ án, 331 bị can, thu giữ
hơn 70kg ma túy các loại, bốn khẩu súng và nhiều công cụ phương tiện phạm tội,
giá trị ma túy các đối tượng mua bán trên 22.000 tỷ đồng.
Xin nhắc lại, vào ngày 16/3/2023, Chi cục Hải quan cửa
khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan thành Hồ phát hiện 4 nữ tiếp
viên hàng không của hãng Vietnam Airlines mang khoảng 11kg ma túy tổng hợp đựng
trong 327 tuýp kem đánh răng từ Pháp về Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ 6 ngày sau, tức
ngày 22/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành Hồ đã ra quyết định trả
tự do cho bốn tiếp viên hàng không này với lý do “không có đủ căn cứ để xử lý
hình sự”.
2.ĐẠI
ÁN VIỆT Á: CỰU CHỦ TỊCH HÀ NỘI CHU NGỌC ANH KHAI LÀM MẤT VA -LI ĐỰNG 200 NGÀN
ĐÔ NHẬN TỪ PHAN QUỐC VIỆT
Phiên tòa xét xử Đại án Việt Á đã bước sang ngày thứ 3
với phần thẩm vấn các bị cáo của Viện Kiểm sát. Trong 38 bị cáo hầu tòa, có ba
cựu ủy viên Trung ương Đảng gồm: cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bộ
trưởng Bộ Hoa học – Công nghệ, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Trong phần xét hỏi của Viện Kiểm sát
hôm 3/1, cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh khai rằng định trả lại chiếc vali chứa
200.000 Mỹ kim do Phan Quốc Việt tặng nhưng người nhà... tìm không thấy. Ông
này cũng khai rằng, khi nhận va-li của Phan Quốc Việt không biết bên trong có
tiền, mãi một tháng sau mở ra mới biết.
Theo cáo trạng, ông Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc
biết rõ đề tài nghiên cứu kit test chống dịch thuộc quyền sở hữu Nhà nước,
nhưng sau khi được cấp dưới tham mưu vẫn ký các quyết định giao Công ty Việt Á
phối hợp nghiên cứu đề tài với Học viện Quân y. Hành vi này được nói đã gây thất
thoát 19 tỷ đồng ngân sách nhà nước. Cả hai bị truy tố tội danh “Vi phạm quy định
về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trong khi đó, Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long xin
được khoan hồng và phủ nhận đòi tiền hối lộ trong phiên tòa xét xử các cá nhân
dính líu đến vụ bê bối Việt Á trong đại dịch COVID-19.
Vài hôm trước đó, ông trùm Việt Á là Phan Quốc Việt bị
Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tuyên 25 năm tù vì hai tội danh "Lợi dụng chức
vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Vi phạm quy định về đấu
thầu gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án liên quan bốn cựu sĩ quan Học
viện Quân y.
3.CỰU
THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG HOÀNG QUỐC VƯỢNG BỊ BẮT.
Chỉ ba ngày sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông
Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương đã bị khởi tố, bị bắt tạm giam
vì liên quan đến Tập đoàn Điện lực EVN. Ông Vượng bị bắt hôm 4/1 với cáo buộc “Lợi
dụng chức vụ, quyền hạn” trong thời gian làm việc tại Bộ Công thương.
Liên quan đến vụ án, cách đây 2 tháng, công an đã bắt
6 người thuộc Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó,
đáng chú ý nhất là ông Nguyễn Danh Sơn, 57 tuổi, giám đốc Công ty Mua bán điện
thuộc EVN.
Năm 2020, trong thời gian đại dịch Covid-19, ông Vượng
với cương vị là thứ trưởng, Bộ Công Thương báo cáo rằng EVN lỗ hơn 1,3 nghìn tỷ
đồng trong sản xuất, kinh doanh điện nhưng lãi hơn 4,7 nghìn tỷ đồng trong các
hoạt động khác. Các năm tiếp theo, EVN đều báo lỗ hàng ngàn tỷ đồng.
Ông Vượng giữ chức Thứ trưởng Công Thương từ 2015 đến
2020, chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực điện lực, năng lượng tái tạo, môi trường
và phát triển bền vững, an toàn, công nghệ thông tin, và phát triển thị trường.
4.TRIỀU
TIÊN BẮN ĐẠN PHÁO RA BIỂN ĐE DỌA NAM HÀN
Triều Tiên hôm thứ Sáu 5/1 đã bắn hơn 200 phát đạn
pháo gần đường biên giới trên biển thuộc vùng tranh chấp với Nam Hàn trong bối
cảnh leo thang căng thẳng giữa hai nước đối địch khiến Nam Hàn phải có hành động
"tương ứng" là tập trận bắn đạn thật.
Triều Tiên nói rằng họ thực hiện các cuộc diễn tập với
hỏa lực như một "phản ứng đương nhiên" trước các hành động quân sự của
quân đội Nam Hàn mà họ gọi là “côn đồ” trong những ngày gần đây. Bình Nhưỡng
cũng đe dọa sẽ "phản ứng mạnh mẽ chưa từng có" nếu Seoul tiếp tục có
những động thái khiêu khích.
Cuộc bắn đạn pháo của Triều Tiên không gây thiệt hại
dân sự hoặc quân sự ở Nam Hàn nhưng khiến cư dân trên hai hòn đảo xa xôi của ở
biên giới biển phía tây phải sơ tán xuống các hầm tránh bom.
Vùng biển gần Đường Giới Hạn Phía Bắc trong vòng tranh
chấp là nơi từng xảy ra những cuộc đụng độ giữa Bắc và Nam Hàn. Trong những vụ
việc nghiêm trọng phải kể đến trận đánh giữa các tàu chiến và vụ một hộ tống hạm
của Nam Hàn bị đánh chìm vào năm 2010 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng, có nghi ngờ
là ngư lôi của Triều Tiên gây ra vụ này.
Chủ tịch Triều Tiên cho rằng việc thống nhất với miền
nam là bất khả thi và Bình Nhưỡng đang thay đổi căn bản chính sách đối “quốc
gia thù địch” Nam Hàn.
No comments:
Post a Comment