Wednesday, January 24, 2024

Nguyễn Phú Trọng ‘giả chết bắt quạ?

Bình Luận

Chỉ có ở những quốc độc tài, lãnh tụ không biết nhục, mới có trò hề lãnh đạo giả chết để lừa gạt nhân dân và tiêu diệt đối thủ chính trị.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân, trích từ báo Người Việt với tựa đề: “Nguyễn Phú Trọng ‘giả chết bắt quạ? sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân/Người Việt 

Sau khi bị đồn đoán sôi nổi rằng đang thập tử nhất sinh, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, bất ngờ xuất hiện tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc Hội khóa 15 vào sáng hôm 15 Tháng Giêng. Sự tái xuất hiện của ông Trọng được báo chí quốc doanh của đảng đồng loạt ca tụng, coi đây là cơ hội để nhà cầm quyền “dẹp loạn” báo chí hải ngoại, mạng xã hội loan tin sai sự thật, là “cái tát cho những cái miệng độc của bọn cơ hội chính trị, bọn thoái hóa biến chất, bọn ưng khuyển chống phá cách mạng,” như lời mắng nhiếc của một trang mạng của Ban Tuyên Giáo đảng CSVN.

Thực ra, chỉ trừ một số người dùng Facebook phấn khởi quá đà mà đưa tin theo cảm tính, các báo hải ngoại đều làm việc với sự dè dặt cố hữu, dẫn các nguồn tin nội bộ, bản tin của các hãng thông tấn quốc tế có phóng viên thường trú tại Hà Nội. Tin đồn, đúng và sai, là chuyện thường có trong một xã hội mà sự thật bị bưng bít, truyền thông chính thống chỉ là cái loa phát ngôn của nhà cầm quyền, quay lưng với các mối quan tâm thực sự của người dân. Sự thực ở đây là ông Nguyễn Phú Trọng đã vào bệnh viện cấp cứu ngày 27 Tháng Mười Hai, 2023, đã không xuất hiện trước công chúng, không tiếp quốc khách trong suốt hai tuần mà người dân không được báo chí của nhà nước thông báo.

Do ông Trọng là người nắm quyền lực cao nhất, không chỉ đối với đảng của ông, mà cả với đất nước, nên ông còn sống hay đã chết là mối quan tâm chung của mọi người. Đặt vấn đề, cái chết của ông Trọng có ảnh hưởng gì đến chính trường Việt Nam, ai sẽ là người ngồi vào chiếc ghế quyền lực mà ông để lại… cũng là chuyện bình thường của những ai không cam chịu thủ khẩu như bình trước những biến cố quan trọng của đất nước. Trong một xã hội quyền của dân được tôn trọng, có tự do ngôn luận thì những bình luận như vậy sẽ hết sức sôi nổi từ nhiều phía, phản ánh quan điểm đa chiều của công chúng trước những sự kiện quan trọng của cộng đồng. 

Lên án những người đưa tin và bình luận về cái chết có thể có của ông Trọng là “chống phá,” là một thứ luận điệu nguy hiểm chỉ có trong các chế độ độc tài, độc quyền chân lý, coi những ý kiến khác là kẻ “cơ hội chính trị, thoái hóa biến chất.”

Trở lại với sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện, truyền thông ghi nhận ông yếu đi rất nhiều, phải bám chặt vào cạnh bàn để đứng dậy, đi loạng choạng từ cửa vào ghế ngồi phải có ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội, nắm tay đỡ đi bên cạnh, khi đứng dậy phải có ông Võ Văn Thưởng, chủ tịch nước, nâng. Ông thoát chết sau vụ đau ốm vừa rồi quả là vận may của chính ông và nhờ nỗ lực của bác sĩ điều trị.

“Giả chết bắt quạ” là một thủ đoạn chính trị chẳng mới mẻ gì mà những kẻ nắm giữ quyền lực thường sử dụng để thăm dò thái độ của các cận thần và buộc các đối thủ phải lộ diện. Nếu người đứng đầu chế độ chẳng may lâm trọng bệnh hoặc chết thì cuộc tranh giành quyền thừa kế sẽ hết sức sôi động, các đối thủ chính trị sẽ tung hết các đòn phép để triệt hạ đối phương, giành chiếc ghế quyền lực mà ông bỏ lại. Trong cuộc tranh đua đó, bản chất và tâm địa của từng người, từng phe phái sẽ có dịp được bộc lộ, ông Trọng sẽ biết được ai là kẻ trung thành với mình, ai sẽ kế thừa công cuộc “đốt lò” còn ai là kẻ đâm sau lưng.

Một mối lo tận xương tủy của các nhà độc tài là sau khi chết, thân thế và gia tộc có thể sẽ bị những đàn em kế vị đem ra hạch tội. Ông Đoàn Duy Thành, cựu bí thư Thành Ủy Hải Phòng, cựu phó thủ tướng, kể lại trong hồi ký “Làm người là khó” rằng trong đám tang cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn, con cái ông Duẩn hết sức lo sợ, đã hỏi ông: “Sau khi cha cháu chết họ có giết chúng cháu không?” Ông Trọng với sự nghiệp đốt lò đã gây biết bao thù oán với các phe cánh quyền lực trong đảng, không thể không lo. Và trong quá trình cầm quyền, ông Trọng cũng đã nhiều lần sử dụng thủ đoạn “lộng giả thành chân,” hư hư thực thực để loại trừ những nhân vật mà ông không thích như cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

Lần này, không rõ chủ ý của ông Trọng hay các trợ lý của ông đã tung tin đồn nửa thật nửa giả ra bên ngoài về bệnh tình trầm trọng của ông tổng bí thư và chưa rõ ông đã bắt được con quạ nào chưa. Trong các nhân vật ngắm nghía cái ghế của ông Trọng nổi bật có ông Vương Đình Huệ, Thủ Tướng Phạm Minh Chính, và Bộ Trưởng Công An Tô Lâm. Ông Huệ được đích thân ông Trọng “bồi dưỡng” để làm người kế vị sau khi ông thất bại trong việc tiến cử đệ tử ruột Trần Quốc Vượng, nhưng thế lực và uy tín của ông Huệ chưa vững chắc trong đảng và trong chính phủ. Ông Chính thì có quá nhiều tai tiếng. Chỉ còn ông Tô Lâm với quyền lực nghiêng trời lệch đất, là trợ thủ đắc lực nhất của ông Trọng trong công cuộc đốt lò và đàn áp các “thế lực thù địch.” Nhưng ông Tô Lâm lại quá thần phục Bắc Kinh và gây bất mãn sâu sắc vì đàn áp dã man những tiếng nói phản biện và muốn kiểm soát toàn diện cuộc sống của người dân bằng công nghệ giám sát như Trung Quốc đang làm.

Kết quả “bắt quạ” đó có đúng với ý đồ của ông Trọng hay không thì chỉ có ông mới biết được, nhưng “tác dụng phụ” của thủ đoạn thăm dò đó là ông Trọng, cùng đảng của ông phải nhận ra rằng, đại đa số dân chúng đã chán ngán với chế độ toàn trị của đảng CSVN đến mức người dân sôi nổi gọi nhau “ăn mừng quốc tang” khi nghe tin nhà lãnh đạo quyền lực nhất nước sắp từ giã cõi đời. Việt Nam không có cơ chế thăm dò dư luận khách quan và trung thực như kiểu Viện Gallup, tổ chức Pew Research Center bên Mỹ, báo chí do đảng kiểm soát cũng không thăm dò ý kiến độc giả về những vấn đề trọng đại của đất nước như kiểu các tổ chức truyền thông các nước dân chủ nên các mạng xã hội thật sự là diễn đàn bộc lộ chính kiến của người dân. 

“Mình phải thế nào người ta mới như vậy,” ông Trọng từng nói như thế. Có lẽ qua vụ giả chết vừa rồi, nhìn thấy phản ứng của người dân, ông Trọng và đảng của ông nên biết tự sửa mình trước khi quá muộn, thay vì trâng tráo lên án những kẻ “cơ hội chính trị, thoái hóa biến chất” như tuyên giáo của đảng đang làm

No comments:

Post a Comment