Đảng csTQ đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nới rộng kiểm soát thì sợ mất quyền lực chính trị. Xiết chặc kiểm soát thì kinh tế suy thoái, nhân dân bất mãn và kết quả cũng không khác. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng, trích tứ VOA Blog với tựa đề: “Mối lo của Tập Cận Bình năm 2024” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Ngô Nhân Dụng/ VOA Blog
Sang năm (2024), tổng thống Mỹ, thủ tướng
Anh, thủ tướng Ấn Độ sẽ lo phải tranh cử lại. Ai cũng có thể bị dân chúng cho về
hưu sớm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không bận tâm đến mối lo lắng tầm thường
đó. Từ năm ngoái ông đã biết sẽ giữ chức vụ của mình suốt đời.
Mối lo của Tập Cận Bình trong năm mới là
không vực lại được nền kinh tế.
Một tín hiệu kinh tế mạnh hay yếu là thị
trường chứng khoán. Trong tháng 12, chỉ số S&P 500 của Thị trường New York
tăng 4.7%, chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ tăng hơn 14%, cả hai báo hiệu kinh tế hai
nước này vẫn vững chắc trong năm tới. Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán
Trung Quốc tụt giảm hơn 3%.
Tín hiệu quan trọng nhất là số tiền người
ngoại quốc mua cổ phiếu các công ty Trung Quốc đã giảm bớt gần 90%. Trong một
năm họ đã rút ra $29 tỷ đô la. Nhật báo Financial Times cho biết kể từ tháng
Tám, tiền đầu tư quốc tế đã tụt xuống từ 235 tỷ nguyên xuống chỉ còn dưới 31 tỷ;
bắt đầu vào lúc công ty địa ốc Bích Nhai sắp phá sản.
Chính sách đóng cửa toàn diện để chống
COVID 19 đã khiến kinh tế ngưng đọng. Nhưng khi bệnh dịch đi qua, nền kinh tế vẫn
tiếp tục xuống vì mô hình phát triển lỗi thời và chính sách sai lầm.
Trung Quốc đang trải qua ba nỗi khó khăn: dân chúng mất lòng tin nên giảm bớt tiêu thụ; cuộc khủng hoảng địa ốc nặng nề hơn; và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên cao đến độ chính phủ phải ngừng công bố các số thống kê để dư luận đỡ bi quan.
Tháng 11, Quỹ Tiền Tệ Thế giới (IMF) ước
tính trong năm 2023 kinh tế Trung Quốc chỉ tăng được 5.4% và sẽ xuống, năm 2028
chỉ còn 3.5%. IMF báo động: Khi hơn một tỷ người Trung Hoa bớt chi tiêu, kinh tế
thế giới sẽ bị kéo xuống theo.
Năm 2009, Mỹ và các nước Âu châu bị khủng
hoảng tín dụng vì ngành địa ốc phá sản, các ngân hàng không đòi được nợ đã
ngưng cho vay. Bắc Kinh làm ngược lại, thả lỏng cho các đồng ty địa ốc vay tiền
để xây cất, tạo thêm công việc làm. Vì các ngân hàng đều nằm trong tay nhà nước
nên họ muốn làm gì cũng được. Một hậu quả là số tiền nợ trên toàn quốc cứ thế
gia tăng, không ngừng lại được.
Mô hình kinh tế này tiếp tục đến mức số
nhà cửa xây thêm không có người vào ở. Hàng chục triệu căn hộ bỏ trống dù trong
số đó nhiều căn đã có người mua; họ mua để đầu tư chứ không phải để ở vì tin tưởng
giá nhà cửa còn tăng lên mãi mãi.
Trong cùng thời gian đó, chính quyền các địa
phương cũng khuyến khích công nghiệp xây dựng. Họ bán đất công, hoặc chuyển quyền
sử dụng đất cho các nhà địa ốc, vì đó là nguồn tài chánh dễ vận dụng nhất trong
quyền hạn của họ, nếu không tăng thuế. Phong trào vay nợ để đầu tư vào việc xây
dựng lên cao trên toàn quốc, đẩy các con số thống kê lên cao. Đến năm 2023, cả
mô hình phát triển dựa trên các công trường xây cất bị “chết đứng.” Vì nhà cửa
xây lên rồi không có người mua như trước nữa! Các địa phương không còn đất công
để bán, mà các công ty xây dựng cũng không muốn mua đất khi không bán được nhà.
Không đủ tiền trả nợ, chính quyền nhiều nơi đã phải ngưng các dịch vụ săn sóc
người già cả, như tiền khám bệnh và mua thuốc.
Mô hình kinh tế đến lúc hết hiệu lực,
chính quyền Trung Quốc lại tạo thêm những khó khăn vì chính sách bạc đãi tư
doanh và bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước. Giới doanh nhân tư vốn là động lực mạnh
nhất thúc đẩy kinh tế phát triển, khi họ bị chèn ép thì sức đẩy cũng giảm. Dân
chúng mất tin tưởng đã giảm bớt chi tiêu, các nhả sản xuất phải giảm giá bán.
Trung Quốc đang bị nạn “giảm phát” đe dọa, như Nhật Bản thời 1990. Điều khác biệt
giữa hai trường hợp là nước Nhật lâm nạn giảm phát sau khi đã phát triển, dân
chúng giàu có hơn; còn dân Trung Hoa phải mất hàng chục năm nữa mới giàu bằng
dân Nhật.
Giới đầu tư ngoại quốc đã nhìn thấy viễn
tượng đó, đã ngưng không bỏ thêm tiền vào. Ba chục năm trước, kinh tế Trung Quốc
lên được nhờ đầu tư từ nước ngoài, bắt đầu từ nhà tư bản Đài Loan, rồi đến các
các công ty ở Nhật, Mỹ, Nam Hàn. Tình trạng bây giờ đảo ngược. Trong quý thứ ba
năm 2023, số đầu tư trực tiếp (FDI) vào Trung Quốc không những ngưng lại mà còn
giảm bớt, tức là người ta bán bớt các cơ xưởng để rút tiền ra. Đây là chuyện bất
ngờ, xảy ra lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Bên trên nỗi khó khăn trước mắt này, kinh
tế Trung Quốc còn phải đương đầu với một vấn đề lâu dài, là lực lượng lao động,
sản xuất cũng giảm dần khi dân số đi xuống. Năm 2022, sinh suất của một phụ nữ
Trung Quốc trung bình là sanh 1.18 đứa con, thấp hơn cả phụ nữ Nhật và rất thấp
so với sinh suất tối thiểu 2.1 đứa con để số dân giữ cân bằng.
Theo tiên đoán của Liên Hiệp Quốc số dân
Trung Quốc sẽ giảm từ 1.426 tỷ năm 2022 xuống 1.313 tỷ người vào năm 2050 và đến
cuối thế kỷ 21 sẽ chỉ còn dưới 800 triệu. Các cuộc kiểm tra mới cho thấy năm
ngoái là lần đầu tiên dân số giảm bớt, xuống 1.411 tỷ người. Có thể so sánh với
dân số Mỹ, đang tăng từ 337 triệu vào năm 2021 sẽ lên tới 394 triệu vào năm
2100. Trong mười năm tới, số người trong lớp tuổi làm việc ở Trung Quốc sẽ giảm
bớt trong khi số người về hưu tăng lên.
Ông Tập Cận Bình có thể vượt qua các chướng
ngại trên để đạt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn 5.4% hay không? Trong năm 2024,
ông vẫn còn hy vọng, vì có thể cho các công ty vay thêm nợ và tiếp tục hoạt động.
Nhưng về lâu dài sẽ càng ngày càng khó. Vì tình trạng kinh tế tụt giảm không phải
do các chính sách ngắn hạn mà nằm trong cơ cấu. Thứ nhất là giới tiêu thụ mất
niềm tin, các nhà sản xuất không bán được hàng sẽ phải bớt hoạt động và giảm
giá khiến tình trạng giảm phát trầm trọng hơn. Thứ hai là lợi tức cá nhân không
tăng lên vì từ trước đến nay nhà nước chỉ chú trọng thúc đẩy ngành sản xuất. Đứng
trước tình trạng kinh tế trì trệ vì Covid-19 cũng như sau khi hết bệnh dịch, Cộng
sản Trung Quốc không bao giờ nói tới việc trợ cấp tiền cho tất cả dân chúng để
thúc đẩy họ chi tiêu, như Mỹ và các nước Âu châu đã làm.
Trong năm 2024, ông Tập Cận Bình có thể lại “kích thích” kinh tế bằng cách bắt các ngân hàng cho vay nợ nhiều hơn. Đó chỉ là một phương thuốc giảm đau, có thể gây hiệu quả một thời gian ngắn, nhưng không thể chữa được gốc của căn bệnh. Căn bệnh gốc là do đảng Cộng sản nhất định kiểm soát cả nền kinh tế, để củng cố quyền hành.
No comments:
Post a Comment