Thursday, January 18, 2024

Đại biểu quốc hội thành khẩn nhận tội bảo kê: Mặt mũi nào cho Quốc Hội

Bình Luận

Cái gọi là quốc hội csVN, cơ quan quyền lực tối cao của toàn dân, trên thực tế chỉ là cánh tay nối dài của đảng. Đảng thối tha và tham nhũng bao nhiêu thì quốc hội thối tha và tham nhũng bấy nhiêu. Lưu Bình Nhưỡng chỉ là đỉnh của một tảng băng sơn khổng lồ và tiêu biểu cho chế độ phản nước hại dân này.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Cảnh Chân, trích từ Việt Nam Thời Báo với tựa đề: “Đại biểu quốc hội thành khẩn nhận tội bảo kê: Mặt mũi nào cho quốc hội sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Cảnh Chân 

Là đại biểu dân cử, dân bầu, đại diện nhân dân nhưng cuối cùng lại “thành khẩn” nhận tội bảo kê, cưỡng đoạt hàng tỷ đồng tài sản của người dân.  Ông Lưu Bình Nhưỡng là đại diện cho một nhóm lãnh đạo dối trá, mị dân với bức bình phong là đại biểu quốc hội đại diện nhân dân.

 

Theo cáo buộc từ phía công an, ông Nhưỡng từng nhận Phạm Minh Cường (Cường “quắt”, có 3 tiền án) là cháu. Còn Cường khai rằng đã nhận Lưu Bình Nhưỡng là “bố nuôi”. Nhờ vậy, Cường lợi dụng mối quan hệ này để nhờ đại biểu quốc hội can thiệp, “tác động” với cơ quan chức năng tại tỉnh Thái Bình để các nhóm giang hồ tại địa phương không “gây sự” với băng của Cường. Từ đó giúp Cường có thể độc quyền “bảo kê” việc khai thác cát ở Thái Bình.

 

Với sự tiếp tay của đại biểu quốc hội, kiêm phó trưởng Ban Dân Nguyện Lưu Bình Nhưỡng, Cường quắt và đồng bọn đã chiếm giữ một địa bàn rộng lớn, lên tới 180 hecta đất tại các bãi triều ven biển. Nhằm thu tiền bảo kê các doanh nghiệp khai thác cát tại tỉnh Thái Bình.

 

Ngoài ra công an tỉnh Thái Bình còn khởi tố phó trưởng Ban Dân Nguyện Lưu Bình Nhưỡng thêm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo khoản 4, điều 358 Bộ Luật Hình Sự.

 

Đáng chú ý là ông Nhưỡng đã thừa nhận hành vi và nộp lại 7 tỷ đồng khắc phục hậu quả nhằm được công nhận là “thành khẩn khai nhận” để được khoan hồng. Nước đi này có thể giúp ông Nhưỡng được giảm án khi ra toà, cùng với các điều kiện thường thấy của một cán bộ cộng sản như “gia đình có công với cách mạng”, “phạm tội lần đầu”, “thành khẩn khai báo”…

Nhưng đây lại là một nỗi ô uế của cái gọi là “đại biểu nhân dân”.

 

Cần phải nhớ là cộng sản Việt Nam tuyên truyền rằng Quốc Hội và Hội Đồng Nhân Dân là hai cơ quan do người dân bầu ra. Đây là hai đại diện của nhân dân, hai bức bình phong để che giấu việc mua quan bán chức trong nội bộ đảng. Thế nhưng trên thực tế, cái ghế nào đảng cũng bán hết, hoàn toàn không có chuyện dân bầu.

 

Minh chứng cụ thể nhất là lời khai của bà Châu Thị Thu Nga hồi năm 2017. Bà này khai năm 2011 đã bỏ ra số tiền 30 tỷ để mua ghế đại biểu Quốc Hội. Đối với các quan chức cộng sản Việt Nam, cái gì không mua được bằng tiền, thì vẫn có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Cho nên không thể không nghi ngờ cái ghế đại biểu của Lưu Bình Nhưỡng.

 

Ngoài ra, ông Nhưỡng còn là phó trưởng Ban Dân Nguyện, một cơ quan có nhiệm vụ tiếp dân. Là đầu mối tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân… từ đó tham mưu lên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội. Đây là một kênh quan trọng để cử tri cả nước gửi gắm nguyện vọng đến cơ quan đại diện cao nhất của người dân.

 

Với những vai trò đó, với những niềm tin nhỏ nhoi còn sót lại của người dân, đúng ra ông Nhưỡng phải kháng cáo tới cùng để bảo vệ hình ảnh của mình, của cái gọi là Quốc Hội. Thế nhưng, viên cộng sản họ Lưu này đã dễ dàng thừa nhận hành vi “bảo kê” của mình để được giảm tội.

 

Với hình tượng là một Đại Biểu Nhân Dân, thường xuyên đưa ra những phản biện dân túy, lời khai “thành khẩn” của Lưu Bình Nhưỡng không chỉ là cái tát vào mặt những người còn đặt niềm tin vào ông Nhưỡng, mà còn là cái tát vào mặt Quốc Hội. Nó vạch trần toàn bộ những thứ dơ bẩn, lưu manh nhất mà Quốc Hội và lãnh đạo cộng sản Việt Nam che giấu bấy lâu nay. Rồi ai còn tin vào cái gọi là Ban Dân Nguyện, cái gọi là Đại Biểu Quốc Hội nữa không? Hai chữ Quốc Hội có còn đáng để viết hoa cho một danh từ Đại Diện Nhân Dân không?

No comments:

Post a Comment