Tiến trình dân chủ hóa toàn cầu không ngưng nghỉ, từ Myanmar cho đến Việt Nam, dù các thế lực độc tài quân phiệt hoặc cộng sản có ngoan cố bao nhiêu.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Yến Vương/ Thông Luận với tựa đề: “Một thoáng suy tư về hành trình dân chủ ở Myanmar” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Yến Vương
Trong khi tôi viết những dòng này thì các
nhóm phiến quân cát cứ ở Myanmar, cùng với quân của Chính quyền Đoàn kết Quốc
gia (National Unity Government of Myanmar), đang tiến công như vũ bão dọc các
vùng biên giới Myanmar - Trung Quốc. Chính quyền quân phiệt ở trung ương đã phải
kêu gọi các công chức ở thủ đô sẵn sàng chiến đấu. Nhưng tình hình ngày càng tệ
hơn với các tướng lĩnh.
Khoảng một tháng trước, chế độ quân phiệt
còn tập trận chung với Trung Quốc. Tháng này họ xin Trung Quốc gây áp lực lên
các nhóm phiến quân ở bang Shan, một bang tiếp giáp tỉnh Vân Nam và cũng nằm
trên con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc qua Myanmar ra Ấn Độ
Dương.
Kết quả nhận được là lời tuyên bố không can thiệp nội bộ của chính quyền Bắc Kinh. Sự hỗ trợ của đế chế Trung Hoa trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng này chỉ có thể là làm trung gian giúp hai bên đàm phán. Nhưng không có gì là chắc chắn vì trước đó Trung Quốc đã từng tổ chức hội nghị bàn tròn cố thuyết phục các nhóm phiến quân này tạm ngừng chiến, để chỉ nhận được một câu huề vốn rằng họ hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc, và sau đó chiến tranh còn ác liệt hơn. 120 xe hàng của Trung Quốc tập trung ở kho bãi đã bị thiêu rụi và người ta nghi là do phiến quân làm.
Hình như hành trình tìm về dân chủ của Myanmar đang đi đến hồi kết. Liệu lần này họ có đạt được dân chủ không ?..
Myanmar nhắc nhở chúng ta rằng dân chủ khó
đạt được và khó giữ vững như thế nào. Myanmar đã từng có một lãnh đạo sáng suốt
muốn dân chủ hóa đất nước là ông Aung San cha của bà Aung Sang Suu Kyi, nhưng
cho tới nay họ vẫn chưa có dân chủ. Họ đã trải qua một giai đoạn cộng sản, rồi
một chế độ quân phiệt ngoan cố chỉ biết áp dụng bạo lực chứ không còn lý tưởng
gì nữa. Họ đã từng có được tự do để rồi lại làm mất nó, với hậu quả là một xã hội
rất hỗn loạn... Và, theo tôi, bà Aung Sang Suu Kyi có trách nhiệm lớn trong việc
đánh mất tự do.
Dù sao thì nếu như năm nay hay năm tới mà Myanmar có dân chủ thì cũng là nhanh rồi. Quá trình dân chủ hóa của Myanmar đã bắt đầu vào cuối thế kỷ 19, khi triều đại quân chủ cuối cùng sụp đổ. Khác với người Pháp cho phép triều đình Việt Nam tồn tại, người Anh tới đô hộ Myanmar đã xóa sổ luôn chế độ quân chủ. Theo cái nhìn của các nhà tư tưởng thì quá trình dân chủ hóa, hay nói đúng hơn là quá trình mò mẫm tìm dân chủ, của một nước thực tế bắt đầu khi chế độ quân chủ chấm dứt. Từ đó tới nay quá trình tìm dân chủ của Myanmar đã kéo dài gần 140 năm.
Nhìn sang các nước Châu Âu và Châu Mỹ
Latin, quá trình tìm kiếm dân chủ nhìn chung cũng kéo dài trong khoảng thời
gian như vậy. Tuy nhiên Myanmar khó khăn hơn bởi vì quá trình tìm kiếm dân chủ
của họ bắt đầu hoàn toàn là do nước ngoài áp đặt chứ không phải do các nhà tư
tưởng bản địa dẫn dắt.
Nếu nhìn rộng hơn thì cả thế giới này đều
gặp khó khăn trong hành trình về dân chủ, Myanmar không phải là ngoại lệ. Ở
Châu Âu, tính từ lúc các trường phái tư tưởng phóng khoáng bắt đầu xuất hiện
thì thời gian còn lâu hơn nữa. Vì thời gian quá dài nên một số nhà tư tưởng đã
trở nên tuyệt vọng, như Voltaire, về cuối đời ông này trở nên căm hận chế độ
quân chủ Pháp tới mức mất lý trí bởi vì nó kéo dài quá lâu.
Nước Mỹ cũng đã phải trải qua nhiều lộn xộn thời lập quốc và một cuộc nội chiến tương đối ngắn mới tạm có được một hình thức dân chủ ổn vững, nhưng từ thế kỷ 20 trở đi thì người ta ngày càng khám phá ra nền dân chủ Mỹ có nhiều bệnh tật. … Đó là một thực tế sau khi nó đã được thiết lập 247 năm.
Từ độc tài tới dân chủ là một quãng đường rất rất chông gai, nó là quãng đường từ bóng tối đi tới ánh sáng. Để đạt tới một nền dân chủ ổn vững, trong lịch sử thế giới chưa bao giờ có một chính quyền nào thành công mà không tốn một vài thê hệ, thậm chí vài thế kỷ.
Myanmar đã vuột mất cơ hội dân chủ 4 lần rồi.
Lần đầu tiên là khi tướng Aung San bị ám sát. Ông này không chỉ là cha của bà Suu Kyi mà còn có thể được coi như người cha của phong trào đấu tranh và người cha của quân đội Myanmar.
Đúng vậy, Aung San chính là người sáng lập ra quân đội và phong trào đấu tranh giành độc lập. Nhiều người còn gọi Aung San là người cha của Myanmar cũng rất đúng. Khi liên minh của Aung San đắc cử với đa số áp đảo sau thế chiến, họ đáng lý ra đã thiết lập một chế độ dân chủ cho Myanmar. Nhưng Aung San và 4 bộ trưởng nữa bị ám sát. Cho tới nay vẫn chưa biết thế lực nào đứng đằng sau, dù người ta đã kết án và treo cổ ông cựu thủ hiến.
Sau vụ ám sát bất ngờ đó, chính trường Myanmar bắt đầu rơi vào hỗn loạn : cát cứ, nổi dậy, tiếp tục ám sát, chính phủ chia rẽ đến sụp đổ, chế độ quân quản lâm thời.
Lần thứ hai, dân chủ tưởng chừng được tái lập sau cuộc bầu cử 1960 nhưng tới năm 1962 thì quân đội làm cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân cử.
Lần thứ ba (2011) và thứ tư (2020) khi
Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy) đắc cử 2 lần,
nhưng cả 2 lần đều không thể đưa tới một nền dân chủ trọn vẹn và cuối cùng đều
bị quân đội lật đổ. Aung San hẳn sẽ buồn lắm khi thấy những đứa con của mình
ngày hôm nay.
Aung San cũng là nhân vật chủ chốt trong
việc xây dựng và phát triển Liên đoàn Sinh viên toàn Miến Điện. Từ khi Liên
đoàn Sinh viên toàn Miến Điện bắt đầu tiếp nhận đầy đủ lập trường dân chủ vào
năm 1945 thì cho tới nay họ đã đấu tranh 78 năm rồi. Chính Liên đoàn Sinh viên
toàn Miến Điện đã góp phần quan trọng quy tụ các trí thức lại để thành lập Liên
minh Quốc gia vì Dân chủ và mời bà Aung Sang Suu Kyi từ An quốc về nước lãnh đạo.
Chúng ta có thể thấy cả Liên đoàn Sinh viên toàn Miến Điện và Liên minh Quốc
gia vì Dân chủ đều có lá cờ màu đỏ thêu hình con công chiến đấu vàng.
Nếu tính cả tiền thân của họ, lúc họ còn
là hội sinh viên Rangoon năm 1931 với lập trường vì tự do ngôn luận và tự do tư
tưởng, thì cuộc đấu tranh này đã hơn 90 năm rồi. Cầu chúc cho họ một cái kết có
hậu.
No comments:
Post a Comment