Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.
1) TOÀ ÁN HUYỆN ĐỨC HOÀ HOÃN PHIÊN XỬ 6 THÀNH VIÊN CỦA TỊNH THẤT BỒNG LAI
Sáng ngày 30 tháng 6, Toà án Nhân dân huyện Đức Hoà, tỉnh Long An mở phiên xét xử vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đối với 6 thành viên của Tịnh thất Bồng Lai. Tuy nhiên sau khi tham vấn ý kiến của luật sư hai bên, chủ toạ phiên toà đã quyết định hoãn phiên xét xử, và rời lịch xét xử tới ngày 20 tháng 7 tới.
Trước đó một tuần, nhóm luật sư bào chữa cũng đã gửi đơn khiếu nại và yêu cầu hoãn phiên xét xử, vì không đủ thời gian để chuẩn bị.
Bị cáo buộc vi phạm khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự, 6 thành viên của Tịnh thất Bồng Lai phải đối mặt với án phạt lên tới bảy năm tù giam nếu bị toà tuyên có tội. Cáo trạng cho rằng họ đã làm và phát tán năm video clip và một bài viết có nội dung bị cho là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, và cá nhân Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Hôm 21/6, sau khi nghiên cứu cáo trạng và quan sát các cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc, nhóm luật sư bào chữa của Tịnh thất Bồng Lai đã xét thấy có nhiều sai phạm, do đó đã gửi đơn lên Trung ương để đề nghị can thiệp.
2) THIÊN TAI TRONG NỬA ĐẦU NĂM NAY Ở VIỆT NAM KHIẾN 64 NGƯỜI CHẾT, THIỆT HẠI 3.900 TỶ ĐỒNG
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai được công bố hôm 1/7, thiên tai từ đầu năm đến nay ở Việt Nam đã khiến ít nhất 64 người chết, gây thiệt hại về kinh tế lên đến 3.900 tỷ đồng.
Trong sáu tháng đầu năm nay, trên cả nước đã xảy ra 77 trận dông lốc, sét, 26 vụ sạt lở bờ sông, 113 trận động đất (chủ yếu ở các tỉnh miền Trung), và hai đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng.
Hồi giữa tháng này, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã cảnh báo nhiều tỉnh, thành của Việt Nam sẽ phải đối mặt với các đợt mưa bão dồn dập, thiên tai khó lường từ nay đến cuối năm do tác động của hiện tượng thời tiết La Nina.
3) TRUNG CỘNG KHẲNG ĐỊNH VẤN ÁP DỤNG “MỘT QUỐC GIA-HAI CHẾ ĐỘ” ĐỐI VỚI HONG KONG
Phát biểu trong buổi tuyên thệ nhậm chức của đặc khu trưởng John Lee ngày 01/7, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình nói rằng không có lý do gì để thay đổi công thức “một đất nước, hai chế độ” của Hong Kong.
Anh quốc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào ngày 1/7 năm 1997, khi đó Bắc Kinh hứa hẹn trao quyền tự trị rộng rãi, các quyền cá nhân không bị cản trở và tư pháp độc lập ít nhất là cho đến năm 2047. Nhiều người chỉ trích Trung Cộng, cáo buộc nhà cầm quyền chà đạp những quyền tự do này, vốn không có ở đại lục, với luật an ninh quốc gia sâu rộng do Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong vào năm 2020 sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ rầm rộ năm trước đó.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 30/6 cho rằng Trung Cộng đã không thực hiện các cam kết khi được chuyển giao. Bắc Kinh và Hong Kong bác bỏ cáo buộc này và nói đạo luật này “đã khôi phục trật tự từ hỗn loạn” để thành phố có thể thịnh vượng.
Không có cuộc biểu tình phản đối nào diễn ra lần này, khi các chính trị gia đối lập và các nhà hoạt động dân chủ dung cảm nhất đều đang ở tù hoặc tự lưu vong.
4) NATO ĐƯA CẢ NGA LẪN TRUNG CỘNG VÀO TẦM NGẮM
Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh thu hút nhiều sự chú ý diễn ra giữa tuần qua ở Madrid, Khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) công bố bản “Khái niệm chiến lược” mới, trong đó Nga bị NATO xác định là “mối đe dọa trực tiếp và rõ rệt nhất đối với an ninh của Khối đồng minh” còn Trung Cộng, nước nằm cách Đại Tây Dương tới gần 6.000 km, là nguồn cơn của “những thách thức mang tính hệ thống.”
Những dấu ấn khác của hội nghị là các nước NATO cũng đồng ý tăng mạnh khả năng phòng thủ, với việc mở rộng lực lượng phản ứng nhanh từ 40.000 quân lên thành 300.000 quân; và xem xét kết nạp thêm 2 thành viên là Phần Lan và Thụy Điển.
Bên cạnh việc bàn thảo cách chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine, NATO tiếp tục nhắm đến Trung Cộng nhiều hơn. Hội nghị này có sự hiện diện của Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và Tân Tây Lan với tư cách là quan sát viên là bằng chứng củng cố về việc khối liên minh ngày càng cảnh giác với Bắc Kinh. Động thái của Trung Cộng ủng hộ Nga mặc nhiên làm cho khối liên minh tăng cường sự chú ý của họ đến quốc gia khổng lồ ở châu Á.
No comments:
Post a Comment