Tương tự với cuộc chiến quốc cộng tại Việt Nam, cuộc chiến giữa dân chủ và độc tài, giữa Nga và Ukraine đòi hỏi sự chịu đưng và kiên trì của các quốc gia dân chủ trên thế giới.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Vann Phan với tựa đề: “Cuộc chiến Ukraine là thử thách sức chịu đựng của thế giới” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Hôm 8 Tháng Bảy, Ngũ Giác Đài loan báo gởi thêm một số đạn pháo vô tuyến điều khiển và các giàn hỏa tiễn đa năng có độ chính xác cao cho Ukraine. Đây là những món võ khí mới nhất mà Hoa Kỳ đưa vào chiến trường Đông Âu. Tuy nhiên, phải chăng sẽ có ngày nỗ lực tiếp sức của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương dành cho Ukraine bị khựng lại?
Hơn bốn tháng đã trôi qua sau ngày Nga đem quân xâm lược Ukraine, một trận chiến mà nhà lãnh đạo Nga, ông Vladimir Putin, những tưởng sẽ là một cuộc chiến tranh chớp nhoáng. Ấy thế mà nó lại trở thành một nước cờ sai, khiến cho Moscow bây giờ đang lâm vào một cuộc chiến tranh trường kỳ và buộc phải tranh giành từng tấc đất với Ukraine mà không biết đến bao giờ mới kết thúc được.
Thượng Nghị Sĩ Chris Coons (Dân Chủ-Delaware), thành viên Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ, nói: “Tôi lo lắng về tình trạng mệt mỏi của dân chúng khắp nơi [trong nỗ lực yểm trợ cho Ukraine] vì chi phí gia tăng và cũng vì đang có những mối quan ngại dồn dập xảy tới… Nhưng chúng ta cũng ý thức rằng nếu không tiếp tục ủng hộ Ukraine thì hậu quả đối với Hoa Kỳ sẽ rất tệ hại.”
Vị thượng nghị sĩ là một đồng minh thân cận của Tổng Thống Biden và từng tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO với thổng thống tại Madrid, Tây Ban Nha, hôm 30 Tháng Sáu.
Mặc dù chiến cuộc hiện nay chủ yếu tập trung vào một đường vành trăng lưỡi liềm từ miền Đông chạy xuống tới miền Nam Ukraine, Tòa Bạch Ốc vẫn lo ngại giao tranh có thể sẽ lan rộng ra ngoài vòng kiểm soát của các bên lâm chiến.
Một cuộc oanh kích bằng hỏa tiễn đánh xuống một thương xá ở trung bộ Ukraine cho thấy Moscow đang cạn dần các võ khí có độ chính xác cao và ngày càng quay sang sử dụng các võ khí kém tinh vi, khiến các mục tiêu không nằm trong kế hoạch tấn công cũng bị đánh phá, kể cả các mục tiêu vượt ra ngoài biên giới Ukraine, trúng vào lãnh thổ các nước thành viên NATO, như Ba Lan hay Romania chẳng hạn.
Các giới chức Mỹ còn lo ngại rằng, rất có thể, ông Putin còn sử dụng cả võ khí nguyên tử chiến thuật để phá vỡ bế tắc trên chiến trường hiện nay. Sự thật thì chính quyền Biden đã đi đến kết luận rằng nhà lãnh đạo Nga vẫn còn muốn mở rộng cuộc chiến và, một lần nữa, cố gắng chiếm lấy thủ đô Kiev của Ukraine, một mục tiêu đáng giá mà họ không giành được trong đợt tấn công ban đầu.
Tuần trước, Tổng Thống Putin hầu như xác nhận rằng ông có kế hoạch mở rộng cuộc chiến tại Ukraine. Ông tuyên bố với các lãnh tụ Quốc Hội Nga rằng: “Mọi người phải biết rằng, nhìn chung, chúng ta vẫn chưa thực sự khởi sự cuộc chiến tranh này, và chúng ta nghe nói họ [các nước Tây Phương] muốn đánh bại chúng ta trên chiến trường. Vậy thì cứ để họ thử đánh đi.”
Các giới chức Mỹ đang thúc giục phía Ukraine chuyển
trọng tâm vào các mặt trận đang sôi động. Nhưng các nhà lãnh đạo Ukraine lại
muốn đi xa hơn, và họ đang cố huy động lực lượng để mở một cuộc phản công lớn
nhằm chiếm lại các phần lãnh thổ bị lọt vào tay quân Nga, một mục tiêu tuy phía
Hoa Kỳ vẫn nghi ngờ rằng các lực lượng Ukraine không đủ sức thực hiện nhưng
cũng đành phải ủng hộ họ, ít ra cũng là về mặt lý thuyết.
Cũng vào tuần trước, khi Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine nói với các lãnh tụ của nhóm G-7 rằng ông muốn kết thúc cuộc chiến vào cuối năm nay, Washington vẫn nghi ngại rằng, căn cứ vào tình hình quân sự hiện nay, điều này thật khó thực hiện.
Có ít nhất bốn mục tiêu mà chình quyền Mỹ nói
là họ đã đạt được hoặc sẽ cố gắng hoàn thành trong nay mai:
-Thứ nhất là một nước Ukraine sinh động, độc lập và
dân chủ tồn tại trong tương lai, nhưng các nước đồng minh Tây Phương tin rằng
Ukraine phải làm sao tìm ra cách xuất cảng được ngũ cốc và các sản phẩm nông
nghiệp, còn không thì tương lai kinh tế của họ sẽ lâm nguy.
-Thứ nhì là phải làm sao cho cuộc xâm lược của Nga trở thành một “thất bại chiến lược” mới được. Tuy nhiên, các giới chức Mỹ vẫn lo ngại rằng ông Putin có thể lại tập trung binh lực và mở những cuộc tấn công mới nhằm rỉa bớt đi các phần lãnh thổ khác của Ukraine.
-Thứ ba là bằng mọi cách giữ cho cuộc chiến tại Ukraine không leo thang tới mức trở thành cuộc đụng độ trực tiếp giữa các siêu cường quân sự. Phía Mỹ tin rằng, dẫu sao, ông Putin vẫn cẩn thận tránh né một cuộc đối đầu quân sự với NATO.
-Thứ tư, và cũng là mục tiêu khó thực hiện nhất, là củng cố hệ thống trật tự quốc tế dựa trên các giá trị của Tây Phương. Thực tế cho thấy, nhờ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, NATO đang gia tăng sức mạnh, một phần nhờ các nước thành viên đoàn kết hơn và phần kia là nhờ khối này sẽ có thêm hai thành viên mới, Thụy Điển và Phần Lan, vừa nộp đơn xin gia nhập. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các nước Âu Châu, cho đến nay, vẫn chưa ấn định rõ một trật tự thế giới dựa trên các giá trị của Tây Phương sẽ ra làm sao.
Cho dù Tổng Thống Biden có thành công giữ cho liên minh Tây Phương đoàn kết hơn, lãnh đạo cuộc trừng phạt Moscow mạnh mẽ hơn, và cung cấp thêm nhiều võ khí hữu ích hơn cho Ukraine, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn còn bị áp lực từ nhiều phía buộc ông phải hành động quyết liệt hơn.
Bà Evelyn Farkas, giám đốc điều hành Viện Lãnh Đạo Quốc Tế McCain, có trụ sở tại thủ đô Washington DC, nói rằng mọi sự mà chính quyền Biden làm để yểm trợ cho Ukraine đều tốt đẹp, nhưng bà nói thêm rằng “điều tôi thấy cần là sự yểm trợ đó phải được cung cấp nhanh hơn.”
Thượng Nghị Sĩ Coons thì cho rằng Tây Phương cần
phải kiên nhẫn giống như nhà lãnh đạo Nga vậy.
“Chừng nào mà Hoa Kỳ cứ tiếp tục hướng đi này thì
các đồng minh Âu Châu của chúng ta sẽ cùng đi theo hướng đó,” vị thượng nghị sĩ
đại diện Delaware nói./.
No comments:
Post a Comment