Kính thưa quý thính giả,
Đầu thế kỷ 20, Việt Nam có một nhà thơ, nhà văn và là người
soạn kịch nổi tiếng. Với lối viết phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lãnh vực, ông
đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại và được đánh giá là ngôi sao sáng
trong làng văn học.
Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin
gửi đến quý thính giả bài “Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh
Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối
hôm nay.
Say sưa, nghĩ cũng hư đời!
Hư thời hư vậy, say thời cứ say!
Đất say, đất cũng lăn quay,
Trời say, mặt cũng đỏ gay, ai cười.
Say chẳng biết phen nầy là
mấy!
Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say,
Quái say, sao say mãi thế nầy?
Say xuốt cả đêm ngày, như bất tỉnh,
Thê ngôn túy tửu, chân vô ích.
Ngã dục tiêu sầu, thả tự do,
Việc trần ai, ai tỉnh ai lo.
Say túy lý bất lo, mà bất kể,
Trời đất nhỉ, cái say là sướng thế!
Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay,
Muốn say, lại cứ mà say!
Đó là bài thơ Lại Say nổi tiếng của Tản Đà Nguyễn Khắc
Hiếu.
Nguyễn Khắc Hiếu sinh ngày 19/5/1889 tại làng Khê Thượng,
huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội). Ông thuộc dòng dõi quý
tộc, có truyền thống khoa bảng. Tổ tiên ông nhiều đời làm quan dưới triều Lê.
Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, dòng họ ông thề không thi cử và quyết không làm quan với
tân triều.
Do hoàn cảnh cực khổ, lại phải nuôi mẹ già nên cha ông
là Nguyễn Danh Kế đành phải lỗi ước, đi thi và đỗ cử nhân, nhận chức Ngự Sử.
Nguyễn Danh Kế nổi tiếng là người có tài văn án trong
triều. Khi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định) ông lấy bà Lưu Thị Hiền, một đào
hát vẹn toàn tài sắc tại đây. Nguyễn Khắc Hiếu là con trai út trong cuộc lương
duyên này.
Nguyễn Khắc Hiếu hấp thụ nền Nho giáo từ nhỏ, 6 tuổi học
luận ngữ, kinh, truyện và chữ quốc ngữ, 10 tuổi biết ra câu đối, 11 tuổi đã làm
thơ văn, 14 tuổi thông thạo chương thi, phú. Lúc học ở trường Quy Thức của Pháp
tại Hà Nội, Nguyễn Khắc Hiếu đã viết bài “Âu Á nhị châu hiện thế” bằng chữ Hán,
được báo chí Hồng Kông đăng trong mục xã thuyết. Năm 15 tuổi, ông nổi tiếng là
thần đồng của tỉnh Sơn Tây.
Năm 1913, ông về Vĩnh Yên cộng tác với tờ báo “Đông
Dương tạp chí” của Nguyễn Văn Vĩnh, phụ trách mục “một lối văn nôm”, sau đó viết
nhiều tiết mục khác được tiếng vang trên văn đàn.
Năm 1916, ông lấy bút danh Tản Đà, tên ghép của quê
hương ông giữa núi Tản và sông Đà, bắt đầu viết văn và làm báo chuyên nghiệp.
Năm 1921, ông làm chủ bút báo “Hữu Thanh” bị thất bại, lập tiếp “Tản Đà thư cục”, “An Nam tạp chí”, lại bị đình bản. Ông vào miền Nam, viết cho báo “Thần Chung” và “Đông Pháp thời báo” được một thời gian, ông trở ra miền Bắc tái lập “An Nam thời báo” cũng thất bại. Ông phải dịch thơ Đường cho báo “Ngày Nay” và dịch “Liêu trai chí dị”, chú thích truyện Kiều
cho nhà xuất bản Tân Dân. Ông là người yêu nước nồng nàn, thể hiện qua bài “Vịnh
bức dư đồ rách”.
Trong suốt 25 năm làm báo và làm thơ, ông để lại 285 bài thơ.
-Về Tiểu thuyết có: Thề non nước. Giấc mộng lớn. Giấc mộng
con...
-Về Luận thuyết có: Tản Đà tùng văn, Tản Đà Xuân sắc...
-Về Dịch thuật có: Liêu trai chí dị, Đại học, Đường
thi...
Ông là một ngòi bút phóng khoáng, phong phú về mọi lãnh vực. Văn thơ ông
lãng mạn và ngông nghênh, hun đúc và thai nghén cho sự ra đời thơ mới bằng cách kết hợp
giữa văn học cổ điển với văn học hiện đại.
Ông mất
tại Hà Nội ngày 7/6/1939. Lăng mộ và nhà tưởng niệm ông được xây trên một khu đất rộng ở
làng Khê Thượng - Sơn Đà.
*****
Tin Tản Đà qua đời gây xôn xao trong làng văn, một loạt các bài báo tưởng niệm ông được
ra mắt ngay sau đó như:
*Khái Hưng có “Cái duyên của Tản Đà”.
*Xuân Diệu có “Công của thi sĩ Tản
Đà”.
*Lâm Tuyền Khách có “Đời làm báo
của Tản Đà”.
*Lưu Trọng Lư có “Bây giờ, khi nắp
quan tài đã đậy lại”.
*Phan Khôi có “Tôi với Tản Đà thi
sĩ”.
*Nguyễn Tuân có “Tản Đà, một kiếm
khách”.
Trong lĩnh vực thi ca, dòng thơ của Tản Đà mượt mà, có màu sắc riêng vượt
thời gian và không gian. Thơ của ông đặc sắc, dịch thuật của ông sát nghĩa, uyển chuyển nhẹ nhàng.
Thơ dịch của ông, thường là các bài thơ lục bát dịch từ thơ Đường hay hơn các bản
dịch khác, có bài còn hay hơn cả nguyên
tác nhờ sáng sủa, không bị gò bó, đưa tâm hồn rung cảm thật sự
vào thơ, đến nỗi nhà thơ Bùi Giáng trong cuốn “Đi vào cõi thơ”, đã thẳng thắn nói rằng,
thơ dịch của Tản Đà là “vô tiền khoáng hậu”.
Từ thập niên 1920 cho đến nửa đầu thập niên 1940, văn đàn VN không có một nhà thơ nào nổi tiếng và được giới thơ văn yêu mến như Tản Đà. Trong cuốn “Thi Nhân Việt Nam”, Hoài
Thanh và Hoài Chân đặt bài tưởng niệm Tản Đà lên những trang đầu,
với lời lẽ tôn kính.
Chắc chắn Tản Đà sẽ ấm
lòng về những điều mà hậu thế dành cho ông, vì ông
đã để lại dấu ấn đặc sắc của mình trong
các sáng tác gửi lại cho các thế hệ mai sau.
Nước non, nặng một
lời thề,
Nước đi, đi mãi, không về cùng non.
No comments:
Post a Comment