Saturday, July 9, 2022

Tin Tức, thứ Bảy, ngày 9 tháng 7 năm 2022

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.

1) CỰU THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN SHINZO ABE BỊ ÁM SÁT 

Cựu thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã bị ám sát lúc 11:30 giờ địa phương, khi đang phát biểu vận động cho một ứng cử viên thuộc đảng NDP ở Nara. Ông bị trúng hai phát đạn vào tim và cổ từ một khẩu súng tự chế. Ông Shinzo Abe được đưa tới bệnh viện trong tình trạng tim và phổi ngừng hoạt động và cái chết của ông được chính thức xác nhận vào buổi chiều cùng ngày. Thủ phạm là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, cựu thành viên thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, đã bị bắt ngay sau đó. Tên này khai với cảnh sát rằng “không hài lòng với ông Abe nên giết ông”.

Vụ ám sát không chỉ gây kinh hoàng cho Nhật Bản mà khiến thế giới rúng động. Nhật là quốc gia cấm súng và bạo lực súng đạn rất hiếm khi xảy ra.

Ông Abe, người giữ chức thủ tướng lần đầu từ năm từ 2006-2007, lần hai từ 2012 cho đến khi ông từ chức vì lý do sức khỏe vào năm 2020. Ông là người tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản và là một trong những nguyên thủ quốc tế nổi tiếng có quan điểm cứng rắn với Trung cộng.

Ông Abe sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm chính trị với ông ngoại là Kishi Nobusuke - Thủ tướng Nhật giai đoạn 1957-1960 và cha là Abe Shintaro từng giữ chức Ngoại trưởng.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới lần lượt bày tỏ sự thương tiếc đối với cựu thủ tướng Shinzo Abe. 

2) BỘ TÀI NGUYÊN-MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM ĐỀ NGHỊ DỪNG CƠ CHẾ GIÁM SÁT ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI FORMOSA HÀ TĨNH 

Bộ Tài nguyên- Môi trường Việt Nam kiến nghị cho dừng cơ chế giám sát đặc biệt đối với Formosa Hà Tĩnh, chuyển sang cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát bình thường với lập luận rằng sau hơn năm năm giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt Formosa Hà Tĩnh). Bộ này ngụy biện rằng biến cố môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung do công ty này gây nên hồi năm 2016 đã được khắc phục. 

Để khống chế nạn nhận, Bộ này còn đề nghị chính quyền địa phương không để người dân bị kích động, lôi kéo bởi những thành phần mà theo bộ này là phản động trong vấn đề liên quan thảm họa môi trường biển ở địa phương. 

Formosa Hà Tĩnh bị xác định là thủ phạm xả thải gây ra thảm hoạ môi trường nặng nề. Công ty đã đứng ra xin lỗi và đền bù 500 triệu Mỹ kim, nhưng không trao cho nạn nhân là những người dân trực tiếp chịu thiệt hại, mà lại trao cho Chính phủ Việt Nam. 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/no-more-special-monitoring-mechanism-to-formosa-mininstry-of-natural-resources-and-environment-suggests-07082022092738.html 

3) CHUYỂN DẦU LẬU CHO IRAN, CÔNG TY TRƯỜNG PHÁT LỘC CỦA VIỆT NAM BỊ HOA KỲ ÁP CHẾ TÀI 

Giữa tuần qua, Bộ Tài chính Hoa Kỳ quyết định áp dụng chế tài đối với Công ty Cổ phần Thương mại Vận tải biển Trường Phát Lộc của Việt Nam vì doanh nghiệp này tham gia vào việc vận chuyển dầu cho Iran, quốc gia đang bị Hoa Kỳ cấm vận trong việc bán dầu và các sản phẩm hoá dầu. 

Thông cáo báo chí của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 6/7 cho biết Trường Phát Lộc nằm trong số 15 cá nhân và công ty bị áp dụng chế tài. Công ty này hoạt động như một công ty quản lý về kỹ thuật và thương mại đối với một tàu chở các sản phẩm dầu của Iran. Ngoài Trường Phát Lộc, các cá nhân và công ty khác trong danh sách hiện đóng tại Singapore, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và Hong Kong. 

Trường Phát Lộc được thành lập từ tháng 12 năm 2009 và có trụ sở tại Sài Gòn, chuyên vận tải dầu hoá chất ở khu vực nộ địa Việt Nam và Đông Nam Á. Sau đó, công ty chuyển sang tập trung vào vận chuyển hoá chất và vùng hoạt động được mở rộng từ Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Cộng, Đài Loan sang đến Ấn Độ và Trung Đông. 

Khi bị Hoa Kỳ áp dụng chế tài, tất cả các tài sản và lợi tức từ các tài sản này của công ty hay cá nhân bị chế tài hiện ở Mỹ sẽ bị phong toả và báo cáo cho Văn phòng Quản lý Tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. OFAC cấm mọi hoạt động giao dịch giữa các cá nhân và công ty ở Hoa Kỳ liên quan đến các tài sản và lợi tức bị phong toả. 

Hai năm trước, Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam cũng bị Hoa Kỳ áp dụng chế tài vì tham gia giao dịch để vận chuyển dầu của Iran. 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-shipping-company-sanctioned-by-the-us-for-its-involvement-in-iranian-oil-sale-and-shipment-07082022094000.html 

4) INDONESIA KÊU GỌI CHẤM DỨT CHIẾN TRANH UKRAINA TẠI HỘI NGHỊ CẤP NGOẠI TRƯỞNG G20 

Phát biểu sáng thứ Sáu ngày 08/07 khi tiếp các đồng nhiệm của nhóm G20 tại Bali, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi tuyên bố Chấm dứt chiến tranh thuộc về trách nhiệm của khối 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Indonesia trong cương vị chủ nhà cố gắng giữ thế trung lập, mời cả Nga và Ukraina cùng tham dự G20. Trước mặt đồng cấp Nga, Ngoại trưởng Retno Marsudi nhấn mạnh khối này có trách nhiệm chấm dứt chiến tranh và các bên nên giải quyết các xung khắc xung quanh một bàn đàm phán hơn là trên trận địa.” Bà cho rằng chiến tranh Ukraina ảnh hưởng cả đến các nền kinh tế kém phát triển. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm về các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng toàn cầu. Hoa Thịnh Đốn một lần nữa đòi Moscow giải tỏa Hắc Hải, khai thông cửa ngõ xuất khẩu nông phẩm cho thế giới. Lãnh đạo ngoại giao Đức thống nhất với các đối tác trong nhóm G7 chủ trương loại Nga ra khỏi các diễn đàn quốc tế. 

Ngoại trưởng Nga, Sergueï Lavrov khi bước vào phòng hội nghị đã bị một số phóng viên chất vấn với hai câu hỏi Khi nào chấm dứt chiến tranh và tại sao Nga không ngừng lại cỗ máy chiến tranh?” 

Trong cuộc họp báo, ông Lavrov lên án phương Tây lợi dụng diễn đàn ở Bali lần này để chỉ trích xung đột Ukraina mà bỏ lỡ cơ hội để bàn về những hồ sơ lớn về kinh tế liên quan đến toàn thế giới. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220708-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-c%E1%BA%A5p-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-g20-indonesia-ukraina

No comments:

Post a Comment