Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Nguyên Khải
1) TÍN ĐỒ CAO ĐÀI BỊ CÂU LƯU KHI VỀ VIỆT NAM TỪ HỘI NGHỊ TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ
Bà Nguyễn Xuân Mai, một tín đồ Cao Đài Chơn Truyền 1926 vừa bị công an Việt Nam câu lưu, tra hỏi hơn sáu giờ đồng hồ ở phi trường Tân Sơn Nhất, sau khi vừa trở về từ Hoa Kỳ vào tối thứ Sáu ngày 22/7.
Bà Mai đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn để tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế 2022, diễn ra từ ngày 28 đến 30/6, cũng như gặp nhiều tổ chức quốc tế để vận động cho tự do tôn giáo của Việt Nam.
Khi nhập cảnh vào Việt Nam, bà bị an ninh mời vào phòng làm việc với chín sỹ quan an ninh của tỉnh Vĩnh Long và Bộ Công an về các hoạt động của bà trong thời gian ở Hoa Kỳ.
Ở khu vực cửa ra ga quốc tế của phi trường, con gái bà Mai là cô Nguyễn Mai Trâm cho biết có hai chiếc xe cảnh sát cơ động được điều tới đậu bên ngoài. Ngoài ra, còn có gần chục người mặc thường phục đi theo quay phim, chụp hình đoàn người đi đón bà Mai.
Khi đến Hoa Kỳ, ngoài việc phát biểu ở Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế 2022, bà Mai còn gặp một số quan chức về tôn giáo của Hoa Kỳ để nêu lên tình trạng tín đồ Cao Đài Chơn Truyền đã bị đánh đập, đàn áp suốt nhiều năm qua. Bà đã gặp Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ Rashad Hussain, Ts. Katrina Lantos-Swett - đồng Chủ tịch Uỷ Ban Chỉ Đạo Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế…
Tên gọi Cao đài Chơn Truyền 1926 lấy theo năm thành lập đạo và là đạo gốc, không theo chỉ đạo của Nhà nước, và không thuộc chi phái đạo Cao Đài 1997 Chính phủ Việt Nam lập nên.
2) CỘNG SẢN VIỆT NAM PHẢN ĐỐI VIỆC BỊ HOA KỲ ĐƯA VÀO DANH SÁCH ĐEN BUÔN NGƯỜI
Vào thứ Năm ngày 21/7, cộng sản Việt Nam lên tiếng phản bác Báo cáo Buôn bán người mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa đưa ra, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị cáo buộc có ít nỗ lực trong việc ngăn chặn hoạt động mại dâm hay hỗ trợ lao động nhập cư.
Báo cáo Buôn người 2022, được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 19/7, đặc biệt lưu ý về vụ bê bối cưỡng bức lao động Việt ở Ả Rập Xê Út. Theo báo cáo, chính phủ Việt Nam “không quy trách nhiệm hình sự hay hành chính đối với hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cho là đồng lõa trong việc buôn bán công dân ra nước ngoài” cũng như “không thực hiện đủ nỗ lực để bảo vệ nạn nhân trong những trường hợp này.” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn cáo buộc các cơ quan chức năng của Việt Nam “quấy rối và gây áp lực đối với những người sống sót và gia đình của họ.”
Báo cáo thường niên mới nhất của Hoa Kỳ nói rằng chính phủ Việt Nam được cho là đã điều tra và phạt hành chính 10 trong số 20 công ty tuyển dụng và đưa người sang Ả Rập Xê Út, nhưng các quan chức lại không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các công ty này trong việc tiếp tay cho các tội phạm buôn người.
Tuy nhiên, cộng sản Việt Nam cho rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – trong đó đánh giá 188 nước và vùng lãnh thổ trong việc phòng chống buôn người, bảo vệ nạn nhân và xét xử những kẻ buôn người – là “không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.”
Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng “thời gian qua Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các bộ, ngành và địa phương.”
3) BA QUỐC GIA CỦA EU CẢNH BÁO MỲ ĂN LIỀN VIỆT NAM CHỨA HOÁ CHẤT CẤM
Ba nước châu Âu là Đức, Ba Lan và Malta vừa gửi cảnh báo cho Việt Nam về các sản phẩm mì ăn liền của nước này có chứa hóa chất vượt quy định của EU và thông báo thu hồi các lô hàng mì ăn liền và bánh phở đã nhập khẩu.
Theo đó, Đức cảnh báo mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (Asia Foods) có ethylene oxide, vốn là hóa chất cấm, có hàm lượng vượt mức cho phép của EU; Ba Lan cảnh báo mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon); Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia được làm từ gạo biến đổi gene trái phép.
Trước đó, vào ngày 13/6, EU đã thông báo tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và giữ tần suất kiểm tra 20% đối với các sản phẩm mì ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam.
Ngoài thị trường châu Âu, các sản phẩm mì, bún, bánh phở của Việt Nam cũng có mặt trên thị trường Hoa Kỳ, trong đó có sản phẩm của Vifon và Nguyễn Gia.
Hồi năm 2021, một sản phẩm mì ăn liền rất được ưa chuộng ở Việt Nam là mì tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo của hãng Acecook cũng bị đã EU cảnh báo có hàm lượng ethylene oxide quá cao đến mức phải thu hồi và tiêu hủy.
https://www.voatiengviet.com/a/6669747.html
4) TỔNG THỐNG UKRAINE TUYÊN BỐ KHÔNG HƯU CHIẾN CHỪNG NÀO CHƯA LẤY LẠI ĐƯỢC LÃNH THỔ BỊ NGA CHIẾM
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói một thỏa thuận ngừng bắn với Nga mà không giành lại các vùng lãnh thổ đã mất sẽ chỉ kéo dài chiến tranh.
Ông cảnh báo rằng một sự hưu chiến cho phép Nga giữ các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 sẽ chỉ khuyến khích một cuộc xung đột thậm chí còn rộng hơn, tạo cơ hội cho Moscow bổ sung nguồn lực và tái vũ trang cho đợt tiếp theo.
Ông Zelenskyy cũng nói về hệ thống tên lửa pháo cơ động cao (HIMARS) do Hoa Kỳ cung cấp, nói rằng “nguồn cung Himars của phương Tây, dù đang tạo nên khác biệt quan trọng, nhưng thấp hơn nhiều so với những gì Ukraine cần để lật ngược tình thế.”
5)HOA KỲ CẤP THÊM PHÁP PHẢN LỰC HIMARS CHO UKRAINE, CÂN NHẮC KHẢ NĂNG VIỆN TRỢ CHIẾN ĐẤU CƠ
Vào thứ Sáu ngày 22/7, Hoa Kỳ loan báo một khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraina trị giá 270 triệu Mỹ kim, trong đó có 4 hệ thống pháo phản lực HIMARS. Bên cạnh đó, Hoa Thịnh Đốn cũng cho biết đang xem xét khả năng chi viện cho Kiev loại chiến đấu cơ do Hoa Kỳ chế tạo.
Theo ông John Kirby, phát ngôn viên của Nhà Trắng về các vấn đề chiến lược, với 4 hệ thống sắp được chuyển giao, Kiev như vậy sẽ có 20 bệ phóng pháo phản lực HIMARS được gắn trên xe thiết giáp hạng nhẹ để sử dụng.
Đây là hệ thống bắn pháo phản lực hàng loạt, có tính cơ động cao, hoả tiễn được dẫn đường bằng GPS với tầm bắn 80 km, cho phép Ukraina tấn công các mục tiêu Nga nằm ngoài tầm bắn trước đây.
Ngoài ra, gói viện trợ quân sự 270 triệu đô la lần này
còn có thêm 36.000 quả đạn pháo, khoảng 580 phi cơ không người lái Phoenix
Ghost và 4 đài chỉ huy bọc thép.
6)TRUNG CỘNG LÀ ƯU TIÊN SỐ 1 CỦA TÌNH BÁO ANH
Vào thứ Sáu ngày 22/7, tại một diễn đàn về an ninh tổ chức tại Aspen, bang Colorado, Hoa Kỳ, Giám đốc cơ quan tình báo Anh Quốc (M16) Richard Moore nói cơ quan của ông sẽ “huy động nhiều phương tiện hơn về Trung Cộng, hơn tất cả bất kỳ một hồ sơ nào khác.”
Phát biểu của ông cho thấy Anh Quốc thực sự coi Trung Cộng
là mối đe dọa nghiêm trọng nhất.
Kế hoạch Made in China 2025 cho thấy tham vọng của ông Tập Cận Bình “thống lĩnh thế giới trong những lĩnh vực công nghệ then chốt” nhưng làm thế nào để Bắc Kinh đạt được những mục tiêu đó hoàn toàn là “một chiếc hộp đen.”
MI6 có nhiệm vụ hỗ trợ các chính khách Anh, ở các cấp, hiểu được điều đó trong quan hệ “phức tạp” với Trung Cộng. Lãnh đạo tình báo Anh nhấn mạnh rằng xung đột quân sự giữa Trung Cộng và phương Tây vì Đài Loan là điều hoàn toàn có thể tránh được nếu như Bắc Kinh ý thức được rằng trong trường hợp xâm chiếm hòn đảo quốc, Hoa Lục sẽ lãnh lấy hậu quả tai hại.
No comments:
Post a Comment