Tuesday, July 19, 2022

Tin Tức, Thứ Ba 19.07.2022

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Minh Nguyệt & Thiên An trình bày sau đây.

1/ DÂN TỐ CÁO BỊ CÔNG AN NGHỆ AN ĐÁNH ĐẬP

Hai người dân vừa được trả tự do đã lên tiếng tố cáo vụ công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, đã đánh đập và ép cung sau khi bị bắt giam về việc phản đối đường dân sinh.

Hai người này nằm trong số 10 người dân bị tạm giữ khi tham gia việc phản đối hàng ngàn công an phá bỏ con đường dân sinh của xã Nghi Thuận vào ngày 13/7 vừa qua. Vào sáng hôm đó, bạo quyền tỉnh Nghệ An đã huy động hàng ngàn công an dựng hàng rào kẽm gai ở đầu đường dân sinh dẫn vào giáo xứ Bình Thuận nhằm dở bỏ con đường này và giao nó cho khu công nghiệp.

Hậu quả là theo báo chí lề đảng có 5 công an bị thương và 10 người dân bị bắt. Đến trưa 15/7, hai người dân được trả tự do về nhà, đó là chị Trần Thị Miên và Nguyễn Thị Hiền bị tạm giam tại đồn Nghi Lộc. Một người khác là bà Bạch Thị Hòa 72 tuổi bị đưa vào bệnh viện huyện để chữa trị.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/detainees-in-the-local-road-clash-denounced-to-be-beaten-and-forced-for-confession-07182022083403.html

2)  TỌA ĐÀM VỀ VĂN HÓA UKRAINE BỊ PHÁ RỐI Ở HÀ NỘI

Vào ngày 16/7 vừa qua, một buổi tọa đàm về văn hóa Ukraine được tổ chức tại viện Nghiên cứu và Phát triển Sena ở Hà Nội, nhưng đã bị phá rối nửa chừng trong khi một số người bị công an ngăn chận ở ngoài cửa.

Đây là cuộc tọa đàm được một nhóm nhân sĩ và trí thức từng sinh sống tại Ukraine tổ chức, có sự tham dự của bà Natalya Zhynkina, tùy viên chính trị tại tòa đại sứ Ukraine, cùng một số sinh viên người Ukraine.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, giám đốc trung tâm nghiên cứu Minh Triết, cho biết là những người tham dự có các Giáo sư Chu Hảo, Trần Đình Sử, Trần Thị Băng Thanh và Nguyễn Ngọc Chu. Buổi tọa đàm nhằm bày tỏ tình cảm của mình đối với đất nước và người dân Ukraine. Đặc biệt là theo Giáo sư Mai, buổi tọa đàm nhằm mục đích giải thích câu nói của Thủ tướng CSVN Nguyễn Minh Chính là “VN không chọn bên mà chỉ chọn chính nghĩa”.

Tuy nhiên buổi tọa đàm đã bị ngừng dang dở nửa chừng vì điện bị tắt, và một số người bị công an ngăn chận không cho vào hội trường. Nhưng bất chấp việc phá rối nói trên, nhà hoạt động Đặng Bích Phượng cho biết là buổi tọa đàm vẫn diễn ra theo kế hoạch.

Đây không phải là lần đầu tiên một sự kiện liên quan đến Ukraine ở Hà Nội bị bạo quyền ngăn cản kể từ khi Nga mở cuộc xâm lược vào tháng 2. Vào ngày 5/3, công an Hà Nội cũng giam lỏng nhiều người khi tham dự buổi lạc quyên gây quỹ tại tòa đại sứ Ukraine. Đến ngày 19/3, một buổi gây quỹ tương tự cũng bị hủy bỏ vì sự đe dọa của công an.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-workshop-on-ukraine-culture-was-intervened-with-blackout-and-prevention-07182022085723.html

3/  TỔNG THỐNG UKRAINE CÁCH CHỨC CHƯỞNG LÝ VÀ TRÙM TÌNH BÁO

Giữa lúc chiến tranh khốc liệt, Tổng thống Volodymyr Zelenski vào tối Chủ nhật 17/7 đã ký sắc lệnh cách chức hai quan chức cao cấp nhất là Chưởng lý Iryna Venediktova và trùm lãnh đạo tình báo SBU Ivan Bakalov.

Hai quan chức nói trên đều là những cộng sự viên thân cận lâu nay của ông Zelenski. Cả hai bị quy trách nhiệm về việc có hàng trăm nhân viên phản quốc, cộng tác với phía Nga. Việc cách chức này diễn ra trong lúc chính phủ Ukraine bắt đầu thanh lọc các cơ quan tình báo và bộ máy tư pháp. Theo thống kê, trong hai lãnh vực này có hàng trăm vụ phản bội và hợp tác với các cơ quan của Nga.

Tổng thống Zelenski đã biện minh cho những quyết định nói trên khi đưa ra con số 651 vụ tố tụng về tội phản quốc và làm gián điệp cho Nga. Vào cuối tuần qua, một thành viên cao cấp của cơ quan tình báo SBU, đặc trách khu vực Crimea, đã bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho Nga.

Ngoài ra chính phủ Ukraine còn quy trách nhiệm cho SBU đã phá hoại tuyến phòng thủ phía nam vào tháng 2, vì có hàng chục nhân viên cơ quan này chạy sang hàng ngũ của Nga, đặc biệt là tại thành phố Kherson. Trong sắc lệnh cách chức ông Bakanov, một người bạn từ thời trẻ của ông Zelenski, phủ tổng thống cáo buộc ông này đã lơ là trách nhiệm trong công việc, dẫn đến các tổn thất về nhân mạng.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220718-ukraina-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-c%C3%A1ch-ch%E1%BB%A9c-c%C3%B9ng-l%C3%BAc-ch%C6%B0%E1%BB%9Fng-l%C3%BD-v%C3%A0-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-t%C3%ACnh-b%C3%A1o

4/  DÂN BIỂU TÌNH SRI LANKA RỜI BỎ DINH TỔNG THỐNG

Vào ngày 17/7, quyền tổng thống Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghen, đã ban hành tình trạng khẩn cấp mới nhằm đề phòng sự hỗn loạn trước khi quốc hội bầu tân tổng thống vào ngày mai, thứ Tư 20/7.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Sri Lanka ban hành lệnh khẩn cấp khi đất nước này lâm vào cơn khủng hoảng kinh tế kể từ tháng 4 vừa qua. Lệnh này cho phép quân đội được quyền nổ súng bắt người và giải tán các cuộc tập trung đòi cải tổ.

Ngay khi nhận được tin tức, những người biểu tình đã quyết định rời dinh tổng thống và phủ thủ tướng mà họ chiếm giữ hơn một tuần qua. Sau một ngày chiếm được phủ thủ tướng, người dân đã để cho nhiều người đến thăm tòa nhà có kiến trúc từ thời thuộc địa.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20220718-sri-lanka-ban-h%C3%A0nh-l%E1%BA%A1i-t%C3%ACnh-tr%E1%BA%A1ng-kh%E1%BA%A9n-c%E1%BA%A5p-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-r%E1%BB%9Di-dinh-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng

 

No comments:

Post a Comment