Tuesday, July 26, 2022

Có tiền mua bản án của tòa cũng được?!

Chuyện Nước Non Mình

Tại Việt Nam, tham nhũng là quốc sách của đảng hầu nuôi dưỡng cán bộ và duy trì quyền lực. Chính vì thế chế độ luôn tìm cách bảo vệ cho các thanh phần tham nhũng hạ cánh an toàn và không bị hình luật chế tài.

Trong tiết mục CNNM hôm nay, Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe bài viết của Hà Nguyên với tựa đề: “Có tiền mua bản án của tòa cũng được?!” sẽ được Minh Nguyệt trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Hà Nguyên

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ông Nguyễn Thắng Lợi  cho hay, việc để tội phạm tham nhũng khắc phục hậu quả để giảm án hình sự không phải là quy định mới.

Đảng cộng sản Trung Quốc đang làm như vậy?

Ông Nguyễn Thắng Lợi nói rằng tại nghị quyết Trung ương 3, khóa X đã nêu, chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng với những người có thái độ thành khẩn, thu hồi tài sản là trọng tâm, cốt lõi. Việc tội phạm ăn năn giao nộp cũng nên có các tình tiết giảm nhẹ.

“Trong nghị quyết Trung ương 3, khóa X, quan điểm này rất rõ. Kinh nghiệm nước ngoài thấy việc này là cần thiết, Bộ đang giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế, vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam để đưa ra những luận cứ khoa học nhất, từ đó sẽ có quan điểm báo cáo đến các cấp có thẩm quyền”, ông Nguyễn Thắng Lợi cho hay như vậy.

Vẫn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, việc tội phạm ăn năn, hối cải, tự nguyện giao nộp lại tài sản và khi xét xử được giảm án là cần thiết.

Chiều 19-7, báo chí đặt câu hỏi quan điểm của Bộ Tư pháp liên quan đề xuất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng mới đây. Theo đó, ông Lê Minh Trí kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho chủ trương giao Ban Nội chính Trung ương hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.

Làm như vậy sẽ thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa.

Ông Lê Minh Trí đề xuất tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc: khi phát hiện vi phạm của cơ quan hành chính, Viện kiểm sát sẽ kiến nghị khắc phục. Nếu cơ quan nào không khắc phục thì Viện kiểm sát khởi kiện để yêu cầu tòa phán quyết.

Nôm na là sẽ dân sự hóa án hình sự về tham nhũng, và nếu đề xuất này được phê duyệt thì hàng loạt quy định về pháp luật sẽ phải chỉnh sửa.

So sánh ở đây có thể là khiên cưỡng, vì xét về thể chế chính trị ở Việt Nam lâu nay không phải chịu sự cạnh tranh giữa các ghế trong Quốc hội của những đảng phái chính trị.

Tạm gác qua vấn đề ‘đơn nguyên – đa nguyên’, có thể thấy Thụy Sĩ là quốc gia điển hình về việc sử dụng biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng bằng thủ tục hành chính.

Năm 2010, Quốc hội nước này đã thông qua Đạo luật Trả lại tài sản bất hợp pháp, nhằm “khai thông” bế tắc trong việc thu hồi số tiền thất thoát có nguồn gốc tham nhũng nhưng tình trạng nguồn gốc của tài sản không thể tiến hành thủ tục hình sự.

Đạo luật Trả lại tài sản bất hợp pháp quy định việc đóng băng, tịch thu và hoàn trả tài sản do những người có quan hệ chính trị nước ngoài và cộng sự của họ nắm giữ ở Thụy Sĩ trên cơ sở quyết định của Tòa án hành chính Liên bang.

Theo tinh thần tại Điều 6 của Đạo luật thì Tòa án có thể giả định nguồn gốc bất hợp pháp của những tài sản này khi “tài sản của người có quyền định đoạt tài sản đã tăng lên bất thường có liên quan đến việc thực thi chức vụ công của người có liên quan đến chính trị và mức độ tham nhũng ở quốc gia xuất xứ hoặc xung quanh người có liên quan đến chính trị được đề cập trong nhiệm kỳ của họ đã được thừa nhận là cao”.

Nhờ áp dụng hiệu quả giải pháp này, Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất trong các nước thuộc liên minh Châu Âu và thế giới.

Việt Nam là quốc gia không có sự cạnh tranh đảng phái chính trị. Tham nhũng ở Việt Nam không chỉ để lại hậu quả kinh tế, tài chính thuần túy. Đơn cử như tham nhũng trong lĩnh vực y tế có thể đánh đổi bằng tính mạng của hàng triệu người bệnh; trong lĩnh vực giáo dục, có thể ảnh hưởng đến nhận thức và trình độ của nhiều thế hệ…

Trên hết, tham nhũng đồng nghĩa với sự xâm phạm lợi ích công, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chính sách và chính quyền. Hệ lụy của tiêu cực, tham nhũng là rất lớn, không thể chỉ quy ra thành thiệt hại vật chất.

Tham nhũng có thể làm sụp đổ những gì được cho là tốt đẹp của chủ nghĩa cộng sản. Vậy nay nếu mọi việc đều được giải quyết bằng tiền, và nhiều tiền hơn, hóa ra đó cũng là một cách kiếm chác tham nhũng ngân sách mà không bị ai dòm ngó kiểm tra, giám sát như các quốc gia đa đảng phái chính trị.

 

Nói thêm, tất cả các vấn đề trên thật ra đã có ở Việt Nam, ngay dưới ‘triều đại’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ… Và tính đến nay, có lẽ cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là người đầu tiên được áp dụng quy định này.

Thật ra trường hợp ông Nguyễn Bắc Son thoát án tử không phải do được áp dụng theo nghĩa gốc của điều luật. Tức là chuyện khắc phục hậu quả không phải xảy ra sau khi ông đã bị kết án tử nên ông được “không thi hành án tử hình”, mà là việc khắc phục được thực hiện ngay khi tòa đang xử, nhờ đó ông được tòa tuyên án chung thân.

Cụ thể hơn, khi đang xét xử sơ thẩm, trước ý nguyện của ông Son và gia đình, tòa đã cho dừng phiên xử, tạo điều kiện cho bị cáo nộp lại tài sản. Trong thời gian này, gia đình ông Son đã nộp đủ 66 tỉ đồng tiền tham nhũng. Từ đó, tòa đã tuyên phạt ông mức án chung thân với nhận định “gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã thay mặt nộp 66 tỉ đồng, tiền nhận hối lộ được khắc phục nên không cần thiết áp dụng hình phạt tử hình như Viện kiểm sát đề nghị”.

 

No comments:

Post a Comment