Wednesday, July 13, 2022

Đâu là kẻ thù lớn nhất của dân chủ

Đất Nước Đứng Lên

 Kẻ thù lớn nhất của dân chủ là sự kiểm soát thông tin của các chế độ độc tài. Ngược lại kẻ thù lớn nhất của độc tài là tự do báo chí và thông tin tư nhân độc lập.

Trong tiết mục DNDL hôm nay, Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe bài viết của Phạm Phú Khải với tựa đề: “Đâu là kẻ thù lớn nhất của dân chủ” sẽ được Khánh Ngọc trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Phạm Phú Khải

 

Trừ phi xã hội có dân trí cao, có tư duy phản biện (critical thinking), và quan trọng nhất, có nền truyền thông độc lập thuần túy phục vụ cho sự thật.

Hồi xưa, lẫn bây giờ, thông tin đóng vai trò trọng yếu trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của con người. Ai nắm thông tin là nắm quyền, hay ảnh hưởng lên, quyết định sau cùng. Thông tin về ta, về bạn, lẫn thù. Về thị trường, về thương trường, và quan hệ v.v…

Nhưng quan niệm về thông tin và kiến thức giữa hai thể chế dân chủ và phi dân chủ khác nhau trời vực. Chế độ dân chủ cấp tiến quan niệm rằng người dân chỉ thật sự có khả năng làm chủ nếu họ không chỉ có kiến thức mà cần phải có đầy đủ thông tin để chính họ tự lấy quyết định thích hợp nhất cho quyền lợi của mình. Xin nhấn mạnh ở đây là quyền lợi của mình, tức của mỗi công dân, không phải của chế độ, hay nhà nước. Chế độ phi dân chủ, ngược lại, không muốn người dân hiểu biết và có đầy đủ thông tin vì như thế đe dọa đến sự tồn tại của họ. Chính vì thế mọi chế độ phi dân chủ đều tìm mọi cách để tác động lên lĩnh vực thông tin. Nhẹ là kiểm soát truyền thông và quyền tự do biểu đạt của người dân. Nặng là không cho bất cứ cơ quan truyền thông độc lập nào tồn tại, ngoại trừ truyền thông nhà nước. Còn người dân thì bị giới hạn và rằng buộc bởi bao luật lệ khác nhau, như luật an ninh mạng, luật hình sự vi tính v.v… Không những thế, họ có đội ngũ hùng hậu dư luận viên để hóa giải những khó khăn thử thách chế độ gặp phải, đồng thời nỗ lực tung tin thất thiệt, tung hỏa mù, tạo nghi vấn, đánh lạc hướng vấn đề, và sau cùng, khi cần, để làm cho tất cả những nguồn thông tin đều vô giá trị, bất khả tín như nhau.

Đây là chiến thuật mà những chế độ phi dân chủ đã và đang áp dụng khá thành công từ nhiều năm qua.

Tổng Thư ký của tổ chức Phóng viên Không Biên giới còn tô lên một bức tranh ảm đạm hơn thế nữa. Christophe Deloire, phát biểu tại cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào đầu tháng 6 vừa qua, nhận định rằng “Mỗi năm bản đồ tự do báo chí thế giới trở nên tối hơn”. Kenneth Roth, Giám đốc Điều hành của Human Rights Watch, cảnh báo: “Sổ tay của kẻ chuyên quyền luôn bắt đầu bằng việc đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập. Các nhà báo đóng một vai trò xã hội thiết yếu để cung cấp thông tin cho công chúng, do đó, một công chúng hiểu biết có thể buộc các chính phủ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.” Agnes Callamard, Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã đi xa hơn: “Thông tin độc lập và tự do là trọng tâm của chính hệ thống toàn cầu. Nếu chúng ta không duy trì không gian cho tự do báo chí ngày hôm nay, trật tự thế giới của ngày mai sẽ bị thiên lệch, một chiều và gây bất lợi cho tất cả chúng ta ”.

Truyền thông tại Úc tương đối đa dạng, tự do và độc lập. Những người làm truyền thông một chiều hay chủ trương tuyên truyền đã bị vạch trần, cảnh báo, thách thức, và qua thời gian không còn mang tính thuyết phục. Tính liêm chính (integrity) trong nghề truyền thông tại Úc tương đối cao. Những cơ quan truyền thông công cộng như ABC và SBS đóng vai trò đáng kể trong việc truyền đạt thông tin và gia tăng kiến thức của công dân. Tuy nhiên mạng xã hội vẫn đầy những thông tin giả, và người ta vô tình hay cố ý tiếp tục truyền nhau những thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là các cộng đồng sắc tộc không muốn, hay không thể, kiểm chứng thông tin trên các cơ quan truyền thông chính mạch.

Ita Buttrose, Chủ tịch của cơ quan truyền thông công cộng hàng đầu của Úc hiện nay ABC, cũng chia sẻ những thử thách mà truyền thông Úc đang đối diện hiện nay. Phát biểu tại một buổi họp mặt của giới truyền thông vào ngày 19 tháng 6, cùng thời điểm với cuộc họp của giới truyền thông tự do toàn cầu tại Đức, Buttrose cho rằng “Người Úc chủ yếu dựa vào các phương tiện truyền thông chính thống như một phần thiết yếu của đời sống công dân và dân chủ của chúng ta nếu họ có thể tin tưởng rằng chúng ta có thể phơi bày cách bao biện (spin), dối trá và thông tin sai lệch, đồng thời đưa ra dữ kiện và sự thật. Tất cả dữ kiện. Tất cả sự thật… Với nền tự do báo chí mong manh, nền dân chủ đang đứng trước rủi ro. Không có tự do báo chí, nền dân chủ sẽ chết… Báo chí vì công ích phải được bảo vệ và bất kỳ nỗ lực nào nhằm bóp nghẹt quyền tự do truyền thông đều nên bị từ chối kịch liệt…”

Con người trước nay đều dễ bị thao túng. Dân trí càng thấp càng dễ bị định hướng. Thông tin tràn ngập, không kiểm chứng, với dụng ý gây lung lạc (misinformation) hay gây tác hại (disinformation), đang là trở ngại cực lớn hiện nay. Fake news nói chung đang là mối đe dọa lớn nhất của mọi nền dân chủ. Oái ăm, chính nó lại nuôi dưỡng sự tồn tại của các chính thể phi dân chủ. Hôm nay và về sau. Trừ phi xã hội có dân trí cao, có tư duy phản biện (critical thinking), và quan trọng nhất, có nền truyền thông độc lập thuần túy phục vụ cho sự thật. Trên hết, tất cả những điều này chỉ có thể có được trong một xã hội mà văn hóa nơi đó đề cao nền tảng đạo đức và nỗ lực truy tìm chân thiện mỹ.

 

No comments:

Post a Comment