Sunday, July 3, 2022

“dốt hay nói chữ”, “kẻ đạo đức giả hay dạy đời”

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.

Thưa  quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Tuần trước chúng ta đã cùng nhau đi đến kết luận “trùm cuối” của vụ Việt Á chính là đảng Hồ-Tàu với kẻ đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng.

Thế nhưng ngày 30 vừa qua, kẻ đứng đầu vụ áp-phe tàn bạo này lại đứng ra tổ chức cái gọi là “Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.”

Hội nghị này được tổ chức rất tốn kém, với hơn 500 đại biểu về Hà Nội và hơn 80 ngàn đại biểu dự trực tuyến. Chỉ tính sơ, Trọng đã đổ ra hàng chục tỷ đồng để tổ chức một việc vô nghĩa đối với quyền lợi của nhân dân. Nguyễn Phú Trọng còn lên giọng kẻ cả vừa để tự tung hô vừa để biện hộ cho cái gọi là “công cuộc phòng chống tham nhũng không có vùng cấm” của y.

Tuy nhiên, chúng ta, với cương vị là những người dân, những công nhân viên chức- những nạn nhân của nạn tham nhũng bóc lột - cần phải đặt ra một câu hỏi:

Tại sao bọn trùm tham nhũng lại rất hay khua chiêng, gióng trống trong việc chống tham nhũng ?

Thưa anh chị em và quí vị, các cụ chúng ta thường nói “dốt hay nói chữ”, “kẻ đạo đức giả hay dạy đời”, nghĩa là phường lừa đảo và ngu dốt lại thường là những kẻ thường có bề ngoài rất phô trương, kẻ cả. Như vậy, câu hỏi trên có thể đã được trả lời ngay bởi những câu châm ngôn, tục ngữ từ ngàn xưa.

Đây là những qui luật chung, tính xấu chung của toàn loài người nói chung, ở khắp mọi nơi. Song, trong sự huênh hoang có tính dối lừa về việc phòng chống tham nhũng của bọn chóp bu độc tài cộng sản còn có thêm những nguyên nhân khác mà chúng ta nên cùng nhau tìm hiểu. Sự tìm hiểu này, dù vắn tắt, cũng sẽ đưa chúng ta điểm lại một số sự kiện có tính lịch sử.

Vào khoảng giữa thế kỷ 19 tại lục địa châu Âu, tình hình xã hội, sau những cuộc cải cách lớn về công nghiệp và kinh doanh có tính chất tiến lên của loài người, có những biến chuyển nóng bỏng do sự va chạm quyền lợi giữa hai nhóm người, giới chủ và thợ thuyền. Một nhóm, tức giới chủ, được hưởng những điều kiện vật chất, tinh thần thuận lợi và nhàn nhã, sung túc hơn nhiều giới kia, tức giới thợ thuyền.

Trước vấn nạn này, các nhà tư tưởng cùng các nhân vật hảo tâm thực tiễn đã nghiên cứu và đề xuất ra rất nhiều giải pháp chữa trị khác nhau với cùng một mục tiêu là chữa trị căn bệnh chênh lệch đau khổ này của loài người. Tựu chung, có hai trường phái lớn nổi lên trong vấn đề này.

Một trường phái cho rằng căn bệnh ham lợi, ham tiền có tính ích kỉ, vị kỉ là thuộc tính chung của con người, chẳng kể là giới chủ hay thợ thuyền. Một khi có quyền, có điều kiện thì ai cũng có xu hướng gia tăng thêm quyền, tiền cho riêng mình và người thân của mình bất kể mọi cách. Do vậy, mục tiêu là kiểm soát tốt chứ không thể tiêu diệt được căn bệnh. Giải pháp tốt nhất là có cơ chế tạo điều kiện cạnh tranh để cân bằng lợi ích giữa các bên, các nhóm người khác nhau trong xã hội mà không gây triệt hại mất động lực phát triển. Trường phái này khuyến khích xu hướng đa nguyên và dân chủ nhằm thiết lập một chế độ chính trị dựa trên nền tảng pháp luật bình đẳng và sự cạnh tranh giữa các đảng phái mà chúng ta hay gọi là chế độ dân chủ đa nguyên.

Trường phái lớn thứ hai đề xuất các giải pháp có tính phủ nhận, phá bỏ mô hình kinh doanh tự do để tiến tới thiết lập một nhà nước do giới thợ thuyền làm chủ để phân phối của cải tinh thần một cách giống nhau cho tất cả mọi người, và như thế nạn cùng khổ, tham nhũng, bóc lột sẽ chấm dứt. Trường phái này chính là nguồn gốc sinh ra chủ nghĩa cộng sản.

Sau thế chiến 2, hai trường phái này đã hình thành hai khối khác nhau có tính cạnh tranh, đối đầu trên thế giới mà chúng ta hay gọi là khối tư bản và khối cộng sản. Sau hơn 40 năm cạnh tranh, khối cộng sản đã tự chứng minh là ảo tưởng, sai lầm và độc ác đã tự tan rã sụp đổ vào cuối thập niên 1980.

Tuy nhiên, sau sự sụp đổ này, một số kẻ cầm quyền cộng sản cơ hội và ác độc, như ở Việt Nam và Trung Quốc, đã tự bắt tay với giới cầm quyền các nước tư bản dân chủ để không bị thế giới tấn công loại bỏ nhưng chúng vẫn duy trì mô hình chính trị cộng sản ở nội địa để dễ bề tiếp tục được tự do, độc quyền vơ vét, bóc lột con người vì không có cạnh tranh chính trị, không có báo chí và hội đoàn tư nhân, độc lập.

Để che đậy sự giả dối và láu cá, chúng luôn phải tạo ra các tuyên truyền, hoạt động ầm ĩ có tính vỏ bọc, nhằm gây hỏa mù để dư luận quên mất chính chế độ mà chúng duy trì là chế độ dung dưỡng tham nhũng.

Hoàng  cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

03/07/2022

No comments:

Post a Comment