Saturday, September 5, 2020

Sử Gia Lê Văn Hưu

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, lịch sử một nước được xem là vô cùng quan trọng đối với quốc gia đó, vì nó thể hiện bề dầy về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội… so với các quốc gia khác. VN có gần 5 ngàn năm văn hiến, nhưng để ghi chép lại thành bộ quốc sử thì phải đến nhà Trần mới có một sử gia biên soạn Đại Việt sử ký và đây bộ quốc sử đầu tiên của nước Việt. Bộ Việt sử này được xem là kho tàng văn hóa của dân tộc.

Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Sử Gia Lê Văn Hưu  của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái

Bà mẹ mang thai, sử nước nhà, 
Trăm đời trở dạ, bút thần sa. 
Gom hồn Đại Việt vào pho sách, 
Trầm tích từng trang
, thắm thịt da.

Đó là 4 câu thơ của nhà thơ Huy Cận viết để ca tụng sử gia Lê Văn Hưu.

Lê Văn Hưu người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, con của ông Lê Văn Minh và bà Đỗ Thị, thuở nhỏ thông minh hiếu học, nổi tiếng là thần đồng.

Năm Đinh Mùi (1247) triều vua Trần Thái Tông mở khoa thi, Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng Nhãn khi mới 17 tuổi. Ông được triều đình giao chức Kiểm Pháp quan, trông coi hình luật. Sau đó thăng lên Binh bộ Thượng thư và sau cùng giữ chức Hàn lâm Học sĩ, kiêm Quốc sử Viện giám tu. 

Trong thời gian làm việc ở Quốc sử Viện, vua Trần Thái Tông giao nhiệm vụ cho ông biên soạn bộ Đại Việt sử ký, tức bộ quốc sử đầu tiên của nước Việt ghi lại những sự việc quan trọng trong lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ đời Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) cho đến thời Lý Chiêu Hoàng.

Bộ sử này viết vào thời kỳ giữa 2 cuộc chiến chống giặc ngoại xâm phương Bắc (năm 1258 và 1285), gồm 30 quyển, hoàn thành vào năm 1272, được vua Trần Thánh Tông hạ chiếu khen thưởng. Đáng tiếc là bộ sách sử này đã thất lạc, chỉ còn một ít lời bình được sử gia Ngô Sĩ Liên ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Là người mang hoài bão lớn, sử gia Lê Văn Hưu nhiệt liệt ca ngợi hành động anh hùng của Hai Bà Trưng: “Hô một tiếng mà Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và sáu mươi lăm thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng” đáng cho “những bọn đàn ông chỉ biết cúi đầu bó tay làm tôi tớ cho người phương Bắc” phải hổ thẹn.

Ông nhận xét Ngô Vương là người đầu tiên khai sáng nền tự chủ cho dân tộc, người mà chỉ “một cơn giận làm yên được dân nước mình, mưu đã hay mà đánh cũng giỏi”.

Ông tán thưởng công lao dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Tiên Hoàng, gom non sông về một mối: “Đinh Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết.

Ông so sánh kỳ tích đánh giặc Tống và tiễu trừ nội loạn của vua Lê Đại Hành, cộng với sự nghiệp xây dựng đất nước, được lòng dân: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm quân Biện Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên. Công đánh dẹp, chiến thắng, dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được”. 

Ông phê bình vua Lê Long Đĩnh: “Lê Ngọa triều giết anh, tự lập làm vua, bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác đến nỗi mất nước, mất ngôi…

Ông khen vua Lý Thái Tổ sáng suốt trong chiếu dời đô “làm cho lòng người vui vẻ, làm cho vận nước dài lâu” với tinh thần khách quan và tự hào dân tộc.

Mặc dù vẫn bị quan điểm Nho giáo hạn chế, nhưng bộ sử của ông đã đóng góp rất nhiều cho bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử gia Ngô Sĩ Liên sau này. Ông để lại cho đời sau nhiều nhận định quý giá về các sự kiện lịch sử và những bình luận có tính văn học.

Ông mất ngày 9/4/1322, thọ 92 tuổi, được an táng ở cánh đồng xứ Mả Giòm, thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

*****

Một trong điểm đặc sắc nhất trong quan niệm của sử gia Lê Văn Hưu là đề cao tinh thần bất khuất của nòi giống Tiên Rồng và nhất là cách diễn đạt dồi dào tình cảm dễ đi vào lòng người. Nếu nước Tàu hãnh diện với khí tiết của sử gia Tư Mã Thiên, thì con dân Việt cũng tự hào không kém về sử gia Lê Văn Hưu, một vị quan công minh chính trực mà các sử gia cộng sản ngày nay phải xấu hổ vì đã bẻ cong ngòi bút để bịa đặt lịch sử, thậm chí là tung hô những nhân vật không có thật như “cậu bé Lê Văn Tám”.

Cần biết thêm rằng, các văn thần trở thành danh nhân nước Việt, không chỉ là những người có văn tài hay phải nắm giữ quyền cao chức trọng. Ngoài văn tài và đức độ, họ còn là những người có khí tiết lẫm liệt, dám lên tiếng phản đối các sai trái của vua quan, bất kể nguy hiểm cho cá nhân mình. Biết bao nhiêu vị quan văn đã trả lại mũ mão, lui về ở ẩn vì không muốn tiếp tay cho các hành động sai trái của triều đình.

Sử gia Lê Văn Hưu không cần phải có những hành động quyết liệt nói trên vì ông may mắn  được sống dưới trướng các vị minh quân nhà Trần sáng suốt. Thế nhưng, ông vẫn ghi chép một sự thật không thể chối cãi là nhà Trần đã tước ngôi vua của nhà Lý. Và đó chính là truyền thống liêm sỉ của một người cầm bút.

Truyền thống liêm sỉ đã được nhiều thế hệ kẻ sĩ VN trân trọng gìn giữ, kể cả sau khi đảng cộng sản VN cướp chính quyền ở miền Bắc. Chẳng hạn như Trần Dần, Phùng Quán và nhiều thành viên trong phong trào Nhân văn Giai phẩm. Thế nhưng, vì quá liêm sỉ không chấp nhận làm bồi bút cho chế độ, họ đã bị trù dập cho đến chết. Tuy nhiên lịch sử VN mai sau chắc chắn sẽ vinh danh họ giống những thư sinh “trói gà không chặt” nhưng có khí tiết lẫm liệt như các bậc tiền nhân Lê Văn Hưu, Chu Văn An và Ngô Sĩ Liên.

No comments:

Post a Comment