Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Hương Thu và Nguyên Khải
1/UỶ HỘI TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ HOA KỲ LÊN TIẾNG SAU KHI MỤC SƯ A ĐẢO ĐƯỢC TRẢ TỰ DO
Vào thứ Sáu, ngày 18.09, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) ra thông cáo báo chí khen ngợi việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho mục sư Tin lành A Đảo, đồng thời kêu gọi Hà Nội trả tự do cho một nhà hoạt động nhân quyền khác là ông Nguyễn Bắc Truyển.
Ủy hội này cũng thúc giục Việt Nam, nhất là giới chức địa phương, tôn trọng tự do của Mục sư A Đảo và an toàn cho ông khi ông về nhà. Mục sư A Đảo bị bắt giữ ngày 18.08.2016, sau khi dự một hội nghị về tự do tôn giáo ở Đông Timor, sau đó Ông bị kết án 5 năm tù.
Mục sư A Đảo và tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển – người đang chịu án tù 11 năm với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền – là những người được bảo trợ bởi USCIRF trong dự án Tù nhân Tôn giáo của tổ chức này.
Nhiều năm qua, USCIRF đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) vì tình trạng đàn áp tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng gia tăng.
2/ CHUYÊN VIÊN VĂN PHÒNG UỶ BAN NHÂN DÂN BỊ BẮT VÌ CÁO BUỘC “LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ”
Ngày 18.09, nhà cầm quyền cộng sản thành Hồ đã bắt giữ ông Quách Duy, chuyên viên văn phòng Ủy ban Nhân dân để điều tra về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Truyền thông lề đảng cáo buộc ông Quách Duy đăng tải bài viết lên Facebook có nội dung không đúng sự thực về tham nhũng của lãnh đạo thành Hồ trong việc bán đất vàng của nhà nước. Tuy nhiên, ông Duy đã bị xử phạt hành chánh 7,5 triệu đồng.
3/ NGƯỜI DÂN THÁI LAN BIỂU TÌNH RẦM RỘ ĐÒI THỦ TƯỚNG TỪ CHỨC
Hàng ngàn người Thái Lan tiếp tục tham gia biểu tình do sinh viên tổ chức hôm thứ Bảy ngày 19.09 và Chủ Nhật ngày 20.09. Người biểu tình tập trung ở sân vận động trường Đại học Thammasat ở thủ đô Bangkok.
Nhóm biểu tình đưa ra ba yêu cầu: đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, soạn lại hiến pháp và cải cách chế độ quân chủ lập hiến.
Trong thời gian gần đây có nhiều cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ diễn ra ở Thái Lan và nòng cốt là giới trẻ bao gồm sinh viên và học sinh.
4/ DÂN BIỂU HOA KỲ TRÌNH DỰ LUẬT CHẤM DỨT CHÍNH SÁCH “MỘT TRUNG QUỐC”
Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ, ông Tom Tiffany vừa giới thiệu dự luật kêu gọi Hoa Kỳ bãi bỏ chính sách “Một Trung Quốc” và “bình thường hóa quan hệ với Đài Loan.”
Trong một thông cáo báo chí đăng hôm thứ Năm, ông Tiffany nói rằng trước năm 1979, Hoa Kỳ và Đài Loan duy trì quan hệ ngoại giao bình thường và hữu nghị. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Jimmy Carter đột ngột cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan “mà không có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp”, và sau đó ông Carter công nhận chế độ cộng sản ở Bắc Kinh.
Tuy sau này Hoa Kỳ có thiết lập quan hệ với Đài Loan, nhưng Hoa Thịnh Đốn vẫn không chính thức công nhận Taipei.
Ông Tiffany kêu gọi Hoa Kỳ nối lại quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, hủy bỏ các rào cản giữa hai nước, đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), và ủng hộ việc Đài Loan trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.
5/ KHÔNG QUÂN ĐÀI LOAN ĐƯA PHẢN LỰC CƠ NGHÊNH CHIẾN VỚI MÁY BAY TRUNG CỘNG
Theo Reuters, hôm thứ Sáu 18/9, chính phủ Đài Loan cho biết có 18 máy bay Trung Cộng bay vào không phận Đài Loan, nhiều hơn so với các vụ đối đầu trước đây.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã đưa tin trên Trung cộng đưa hai máy bay ném bom H-6, 8 chiến đấu cơ J-16, 4 chiến đấu cơ J-11 băng qua biên giới trên eo biển Đài Loan và xâm phạm vùng cấm bay phía Tây-Nam Đài Loan.
Đồng thời, bộ Quốc phòng Đài loan trưng ra bản đồ phác họa các tuyến bay của máy bay Trung Cộng băng qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, điều mà máy bay chiến đấu của cả hai bên thường không vi phạm.
Báo Liberty Times của Đài Loan cho biết chiến đấu cơ của Đài Loan đã hoạt động 17 lần trong 4 giờ đồng hồ để cảnh cáo không quân Trung Cộng.
6/ ANH, PHÁP, ĐỨC BÁC ĐỀ XUẤT TIẾP TỤC TRỪNG PHẠT IRAN VỀ VẤN ĐỀ HẠT NHÂN CỦA HOA KỲ
Vào thứ Sáu ngày 18.08, Anh, Pháp và Đức tuyên bố thủ tục mà Hoa Kỳ khởi sự áp đặt các trừng phạt quốc tế đối với Iran sẽ không có hiệu lực.
Trong một thư chung gửi đến 15 thành viên Hội Đồng Bảo An, ba cường quốc châu Âu nhấn mạnh là mọi quyết định hay hành động đơn phương nhằm tái áp đặt các trừng phạt quốc tế đối với Iran là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Thư chung này được gửi đi đúng một ngày trước khi “toàn bộ các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc với Iran” phải có hiệu lực trở lại vào lúc 20 giờ ngày thứ Bảy 19.09 theo quan điểm của Washington.
Theo cơ chế này, toàn bộ các trừng phạt quốc tế với Iran có thể tự động có hiệu lực trở lại sau 30 ngày, nếu Iran bị một bên tham gia Thỏa thuận tố cáo không tuân thủ cam kết. Vấn đề là đa số các thành viên Hội Đồng Bảo An không công nhận Hoa Kỳ có quyền kích hoạt cơ chế snapback, do Hoa Kỳ đã rút khỏi Thỏa thuận từ năm 2018.
No comments:
Post a Comment