Hai vụ án tranh chấp đất đai của nông dân có đổ máu chết người, cách nhau cả thế kỷ đã xảy ra dưới hai chế độ khác nhau và cả hai vụ đều rất khác xa nhau khi làm một cuộc so sánh.
Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết: “Đồng Tâm – Đồng Nọc Nạn: Từ Thực dân đến cộng sản, một thế kỷ thụt lùi!” của Thầy Giáo làng qua sự trình bày của Khánh Ngọc và Miên Dương.
- Đồng Nọc Nạng 100 năm trước
Vụ án đồng Nọc Nạng đã đi vào lịch sử khai khẩn phương Nam như biểu tượng của hành trình mở cõi mà người nông dân phải đấu tranh sống còn để giữ đất trước sự hà hiếp của bọn cường hào ác bá thời thực dân.
Câu chuyện xảy ra năm 1928, tại cánh đồng Nọc Nạng, làng Phong Thạnh, nay là ấp 4, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Vụ tranh chấp đất đai giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và bên kia là giới địa chủ cường hào, quan lại thực dân Pháp. Cuộc xung đột đẫm máu làm 5 người thiệt mạng gồm cò Tây Tournier và 4 người thuộc gia đình Mười Chức. Nguyên do sự việc là bọn cường hào ác bá địa phương đi ăn cướp (ngôn ngữ ngày nay là cưỡng chế) đất đai của người nông dân nhiều đời khai khẩn. Anh em Mười Chức đã quyết sống mái với bọn ác gian bằng vũ khí là những nông cụ thô sơ, và Mười Chức dù bị bắn trọng thương vẫn nhào tới đâm lưỡi mác thí mạng, trúng bụng Tournier, trước khi gục ngã. Kết thúc vụ án, Tòa Đại Hình tại Cần Thơ do các Công tố viên và Thẩm phán người Pháp ra phán quyết những người nông dân giữ đất vô tội, đồng thời được chính thức sở hữu số ruộng đất của mình mà không còn sợ ai cướp phá.
- Đồng Tâm 100 năm sau
Vụ án Đồng Tâm cũng đi vào lịch sử tiêu biểu cho cuộc đấu tranh giữ đất của người nông dân bị đẩy đến cùng đường trong thời đại xã hội chủ nghĩa. Vụ tranh chấp đất đai giữa nông dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội và chính quyền địa phương đã diễn ra từ nhiều năm trước. Nông dân phản đối chính quyền cấu kết với tập đoàn kinh tế Viettel muốn cưỡng chế đất của dân làng (đồng Sênh) để làm dự án. Điểm đỉnh là vụ bắt giữ con tin ngày 15/04/2017 khi 4 dân làng bị bắt, ông Lê Đình Kình bị đánh gãy chân. Dân làng nổi giận bắt giữ 28 cảnh sát cơ động và một số quan chức địa phương. Cho đến ngày 22.4 ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Hà Nội, về Đồng Tâm đối thoại với dân làng để trả tự do cho tất cả công an bị bắt giữ.
Ba giờ sáng ngày 9.1.2020, đông đảo công an trong trang phục cảnh sát cơ động, trang bị gậy gộc, dùi cui, súng, khiên đổ quân về làng. Họ ném pháo sáng, bắn đạn hơi cay, chặn hết các ngõ ngách vào nhà ông Kình, rồi xông vào đánh đập thâm tím mặt mày cả phụ nữ, người già. Một số người dân đã đáp trả lại lực lượng cảnh sát bằng gạch đá, bom xăng, nhưng bất lực vì lực lượng công an quá đông và trang bị vũ khí tận răng. Ông Lê Đình Kình bị bắn chết, các con ông bị thương và bị bắt cùng vài chục dân làng. Ba công an tử nạn do té giếng (và công an cáo buộc các con ông ông Kình đổ xăng đốt chết). Tòa Án Nhân Dân Hà Nội xử tử hình 2 con của ông Kình là Lê Đình Công và Lê Đình Chức, án tù nhiều năm cho bác bị cáo còn lại.
- Hai phiên tòa, hai chế độ, hai thời điểm
Phiên tòa Đồng Nọc Nạng năm 1928: Quan tòa là người Pháp đại diện cho chế độ thực dân, mẫu quốc cai trị, trong khi các bị cáo là những người thấp cổ bé họng ở nước bị trị. Tuy nhiên phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự pháp luật của một xã hội văn minh. Các luật sư được thoải mái tiếp xúc với thân chủ và thẳng thừng phản bác các quan Tây, đồng thời khẳng khái nêu lập luận, gây bất lợi cho chính quyền, để bảo vệ thân chủ của mình mà không bị quan tòa ngắt lời. Công tố người Pháp Moreau thay vì buộc tội chống lại các bị cáo thì lại đứng ra bênh vực và xin Tòa tuyên vô tội.
Đặc biệt, phiên tòa xét xử công khai. Báo chí Pháp, Việt tự do khai thác, đưa tin, gởi người xuống tận nơi để điều tra, không hề bị bất cứ cản trở nào từ phía chính quyền.
Câu nói hay đáng suy nghĩ của một luật sư người Pháp trong phiên tòa này: “Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim (Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur)”
Phiên tòa Đồng Tâm năm 2020: Phiên tòa của nhà nước Pháp Quyền XHCN, một xã hội gọi là dân chủ, văn minh, ưu việt của của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Quan tòa là người cộng sản đại diện cho giai cấp công-nông, cùng chung nòi giống với đám dân đen giữ đất. Tuy nhiên, mở màn phiên xử đã cho chiếu video các bị cáo nhận tội rồi (Luật sư cãi gì nữa? Tòa xử gì nữa? Tuyên án luôn cho xong!). Ngoài ra luật sư không được tiếp xúc với thân chủ tại tòa. Mỗi lần luật sư tranh biện, nêu lên những sai trái từ phía chính quyền thì bị chủ tọa ngắt lời, sau đó dùng tiểu xảo tuyên bố hết giờ. Sau mỗi ngày làm việc các luật sư bị an ninh chìm nổi của chính quyền đe dọa.
Phiên tòa được cho là công khai nhưng nhân chứng và thân nhân bị cáo bị xua đuổi không cho tham dự. Mấy trăm tờ báo, đài phát thanh, truyền hình nói cùng một luận điệu bất lợi cho các bị cáo.
Câu nói dở hơi và đáng suy nghĩ của một thiếu tướng, người phát ngôn Bộ Công An về vụ án này: “Sự nổi lên của đối tượng cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ sở, là một loại “cường hào địa chủ mới”.
- Kết luận
So sánh 2 biến cố Đồng Nọc Nạng và Đồng Tâm, cũng như 2 phiên tòa ở 2 thời điểm cách nhau 1 thế kỷ, giữa 2 nhà nước Thực dân và Cộng sản:
– Ai nhân văn hơn? Thực dân hơn
– Ai có tình người hơn? Thực dân hơn
– Ai tôn trọng quyền con người hơn? Thực dân hơn
– Ai có tự do báo chí hơn? Thực dân hơn
– Ai có hệ thống pháp luật công bằng hơn? Thực dân hơn
– Ai bảo vệ con người tốt hơn? Thực dân hơn
– Ai văn minh hơn? Thực dân hơn
Nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều triệu sinh mạng trong hơn 100 năm qua để đánh đuổi thực dân, đế quốc phương Tây, giành độc lập, tự do, và giờ đây được cai trị bằng chính quyền cộng sản cùng màu da. Cứ cho rằng thực dân là xấu ác, thì người Việt Nam đã đổ nhiều xương máu đập đổ cái xấu ác để dựng lên một cái khác xấu hơn và ác hơn. Từ Thực dân đến Cộng sản – một thế kỷ thụt lùi!
Thầy Giáo Làng
No comments:
Post a Comment