Sự lệ thuộc vào Trung Quốc không hề bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa lý như Nguyễn Phú Trọng và đảng CSVN biện minh. Giới lãnh đạo Miến Điện đã chứng minh sự kiện này một cách hùng hồn. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Đỗ Ngà với tựa đề: “Con Cờ Nhưng Biết Làm Chủ Số Phận” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Hiện nay có 15 quốc gia cung cấp 90,1% lượng dầu mỏ cho Trung cộng. Trong nhóm này có thể chia làm 3 nhóm gồm: nhóm thân Tàu, nhóm thân Mỹ; và nhóm trung dung. Nhóm thân Tàu cung cấp tổng cộng 20,2%, trong đó Nga cấp 15,3%, Iran cấp 3% và Venezuela cung cấp 1,9%. Nhóm thân Mỹ cung cấp 37% với Ả rập Saudi cấp 16,8%, Iraq cung cấp 9,9%, Kuwait cấp 4,5%, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cấp 3,1%, và Anh quốc cấp 2,7%. Còn lại là các quốc gia trung dung không thuộc phe nào cả. Như vậy, nếu xảy ra đối đầu Mỹ – Trung, thì Mỹ hoàn toàn có thể tác động vào nguồn cung 37% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Cộng.
Nền kinh tế Trung cộng có 2 tử huyệt lớn: Thứ nhất là công nghệ phần cứng gần như Trung cộng phải phụ thuộc vào Mỹ. Sự phát triển của thung lũng silicon đã vượt rất xa phần còn lại của thế giới; thứ nhì, đó là an ninh năng lượng. Tàu là nước nhập khẩu dầu mỏ, khai thác trong nước chỉ đủ khoảng 10% nhu cầu. Ngược lại, Mỹ là nước có trữ lượng dầu mỏ rất lớn nên vấn đề an ninh năng lượng được bảo đảm. Nếu tác động vào nguồn cung, Mỹ sẽ có thể cắt được 37% lượng dầu mỏ, nhưng nếu chặn eo biển Malacca thì lại có thể cắt đến 44,2% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung cộng. Đây là một mối nguy mà Tàu không thể không nghĩ đến.
Dựa án “Một vành đai – Một con đường” là một kế hoạch tạo sân chơi riêng do Tàu làm chủ. Thực tế nó là một cái bẫy để gài những nước nghèo sa vào thòng lọng của Bắc Kinh và từ đó điều khiển những nạn nhân đi theo sự sai khiến của họ. Nếu kế họach thành công, Tàu sẽ không còn sợ bị Mỹ trừng phạt nữa, vì sao? Vì đã có những quốc gia này làm thị trường tiêu thụ hàng Tàu và cũng chính những quốc gia cung cấp năng lượng cho nền kinh tế Tàu. Thực tế, vành đai và con đường nó là 2 cánh tay ôm trọn khu vực Trung Đông vào lòng, khi được kết nối, nguồn năng lượng dầu mỏ có thể rót về Tàu theo 2 con đường này. Vì nó là sân chơi riêng của Tàu nên nếu có bị Mỹ cấm vận, Tàu cũng vẫn có đủ năng lượng dầu mỏ cho nền kinh tế.
Kế hoạch này được thai nghén từ thời Giang Trạch Dân, đến đời Hồ Cẩm Đào thì Trung cộng vẫn chưa đủ tiềm lực để thực hiện. Mãi đến năm 2013, Tập Cận Bình mới khởi xướng và tiến hành thực hiện. Dự án “Một vành đai – Một con đường” đã được đưa vào kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 13 của ĐCS Tàu giai đoạn 2016-2020, như thế chúng ta biết nó quan trọng như thế nào?!
Hiện nay lượng dầu từ vùng vịnh vận chuyển sang Trung cộng đều chủ yếu qua eo biển Malacca vào biển Đông. Tuy Trung cộng đang cố chiếm trọn biển Đông nhưng không dễ, vì nơi đây Mỹ đang muốn nhảy vào gây ảnh hưởng. Còn eo biển Malacca thì khỏi nói, nó thuộc quyền kiểm soát của Mỹ. Như vậy con đường tơ lụa trên biển xuất phát từ dãy đô thị trên bờ biển Hoa Đông đi xuyên qua Biển Đông đến eo biển Malacca là gặp ngay Mỹ chốt chặn ở đó. Đây là một yếu điểm trên con đường vận chuyển dầu mỏ từ vùng vịnh về Tàu. Vì vậy Trung cộng cần tìm giải pháp đi tắt.
Từ vịnh Bengal đến Vân Nam bị ngăn cách bởi quốc gia Myanmar. Nếu lập được đường vận chuyển xuyên Myanmar thì rõ ràng đây là một giải pháp tối ưu. Chính vì thế mà Trung cộng muốn lập tuyến đường kết nối Côn Minh, cảng nước sâu Kyaukphyu ở vịnh Bengal và thành phố Yangon.
Myanmar là một quốc gia có vị trí địa lý giáp Trung cộng tương tự Việt Nam, và họ cũng trải qua thời gian dài dưới chế độ độc tài. Chính quyền của họ cũng đầy rẫy tham nhũng, điều này dễ dàng cho Trung cộng dùng lá bài “ngoại giao bẫy nợ” để đưa Myanmar vào tròng và tiến hành chi phối kinh tế và chính trị lên quốc gia này.
Chính vì vậy dự án lập đặc khu kinh tế Kyaukphyu và mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và các khu công nghiệp, kết nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Những dự án này nằm trong hành lang Kinh tế Campuchia – Myanmar (CMEC), và CMEC là một dự án nhỏ trong đại dự án Một vành đai, Một Con đường mà Tập cận Bình đã đưa ra. Trong một chuyến viếng thăm của Tập sang Myanmar trước đó, họ Tập đã ký tổng cộng có 33 thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo CMEC thế nhưng, chính quyền của bà San Suu Kyi chỉ mới phê chuẩn 4 dự án trong số này. Còn lại các dự án kia Myanmar đã cho ngâm vô thời hạn vì họ không muốn trở thành con cờ dưới tay tàu Cộng. Và lúc này chính họ lại làm Bắc Kinh xuống nước, phải o bế nâng niu, cụ thể là Tập đã cử Dương Khiết Trì sang Myanmar thúc đẩy thực hiện dự án và hứa chi thêm viện trợ.
Vậy qua đây chúng ta thấy gì? Đó là vấn nước nhỏ. Nước nhỏ vẫn có thể làm chủ cuộc chơi nếu nhìn ra tử huyệt của nước lớn và tận dụng nó. Rõ ràng Tàu đang muốn dụ Myanmar cắn câu nhưng Myanmar không cắn mà dùng vị trí quan trọng của mình buộc Trung cộng phải lo lắng. Trong hoàn cảnh này, Myanmar hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi, tách mình ra khỏi quỹ đạo của Trung cộng. Không thể tiếp tay làm cho kẻ thù của mình hùng mạnh được, làm như thế thì trước sau gì nó cũng nuốt mình. Vấn đề của Myanmar hiện nay là không được để đồng tiền của Tàu cộng cám dỗ, nếu không đất nước sẽ dính vào bẫy nợ Trung cộng giăng ra, và lúc đó có hối hận cũng không kịp.
Myanmar họ đã làm đúng, còn Việt Nam? Việt Nam có thể làm được như Myanmar, nếu… cầm quyền ở xứ này không phải là ĐCS./.
Đỗ Ngà
No comments:
Post a Comment