Sunday, September 20, 2020

Hội Nghị Thành Đô-Campuchia

Nói Với Người Cộng Sản
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Tâm Anh

Tiến Văn

Thưa các quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Tuần trước chúng ta đã thấy ông Trần Quang Cơ nhận định Trung Cộng đã lừa bọn chóp bu Việt Nam ít nhất ba điểm trong Hội nghị Thành Đô.

Chữ “ít nhất” là cách nói để độc giả phải tự thấy còn nhiều hơn thế. Còn chữ “bị lừa” là cách nói khôn khéo cố ý làm nhẹ sự chỉ trích của ông Cơ hoặc có thể cũng là cách nói để gỡ tội, làm nhẹ tội cho lãnh đạo đảng của ông Cơ.

Ngay sau khi ở Thành Đô về, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười và bộ sậu đã bắt tay vào triển khai ngay các cam kết với Bắc Kinh. Công việc đầu tiên là cả hai nhân vật chóp bu này cùng Lê Đức Anh – Bộ Trưởng Quốc Phòng và Nguyễn Cơ Thạch – Bộ Trưởng Ngoại Giao, bay sang Campuchia để thuyết phục các phe phái chính trị tại Campuchia đồng ý với giải pháp chính trị do Bắc Kinh gợi ý.

Nguyễn Văn Linh đã lên giọng dạy bảo lãnh đạo Campuchia là:

Phải thấy giữa Trung Quốc và đế quốc cũng có mâu thuẫn trong vấn đề Campuchia. Ta phải có sách lược lợi dụng mâu thuẫn này. Đừng đấu tranh với Trung Quốc đến mức xô đẩy họ bắt tay chặt chẽ với đế quốc.

Nhưng các phe phái của Campuchia đã phản đối. Heng Somrin đã trả lời Nguyễn Văn Linh như sau:

Phải giữ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta. Những vấn đề liên quan đến chủ quyền Campuchia phải do các bên Campuchia giải quyết.

Như vậy, ngay sau Hội Nghị Thành Đô, chóp bu cao nhất của cộng sản Việt Nam đã tự thân đi làm kẻ cò mồi chính trị cho Bắc Kinh nhưng đã thất bại ê chề.

Điều chắc chắc chúng ta có thể khẳng định là ông Trần Quang Cơ không thể biết hết được thông tin, các thỏa thuận đã kí kết, cam kết trong Hội nghị Thành Đô. Vì sau Hội nghị Thành Đô kết thúc, các bình luận quốc tế và các thay đổi về thái độ của Campuchia, của Liên Xô, của Mỹ, của Trung Cộng và nhiều nước khác đã cho thấy Việt Nam hoàn toàn bị Bắc Kinh xỏ mũi, nhưng ngay hạ tuần tháng 09, bọn chóp bu lại đồng ý để Võ Nguyên Giáp, đang giữ chức Phó Thủ Tướng, sang Bắc Kinh để dự lễ khai mạc ASIAD. Báo chí Trung Cộng còn sỉ nhục bọn lãnh đạo Hà Nội bằng việc cho báo chí viết rằng Võ Nguyên Giáp đã được mời là do phía Việt Nam có khẩn cầu. Tuy nhiên tất cả bọn chóp bu và bản thân Võ Nguyên Giáp đều im lặng không có bất cứ một phản ứng nào.

Hạ mình hơn nữa, khi đang ở thăm Bắc Kinh, Võ Nguyên Giáp đã đề nghị được gặp Tướng Dương Đắc Chí – là tổng chỉ huy của cuộc tấn công “dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979. Nhưng lời đề nghị của Giáp đã bị phía Bắc Kinh từ chối thẳng thừng. Tướng Dương Đắc Chí của Trung Cộng còn phát biểu công khai: “Đời nào tôi lại cho Võ Nguyên Giáp gặp mặt.

Do đó, giả thuyết của ông Trần Quang Cơ cho rằng bọn chóp bu đã bị lừa là hoàn toàn không hợp lí.

Sự kiện này cũng cho thấy thêm bản chất thật của Võ Nguyên Giáp trước các vấn đề trọng đại của đất nước, trước vấn đề danh dự quốc thể, danh dự cá nhân.

Sang năm 1991, trước Đại hội 7, Bộ Chính Trị đã có một cuộc họp trong đó đã xảy ra sự xung đột quan điểm về Hội nghị Thành Đô:

Ông Phạm Văn Đồng bày tỏ sự ăn năn và đổ tội cho Nguyễn Văn Linh thế này:

Sau chuyến đi Thành Đô, tôi vẫn ân hận về thái độ của mình. Nói là tự kiểm điểm thì kiểm điểm. Tôi ân hận ở hai chỗ. Lúc ở Thành Đô, khi bàn đến vấn đề Campuchia, người nói là anh Linh… Tôi ân hận lẽ ra đoàn ta nên hội ý lại sau bữa tiệc buổi tối. Nhưng tôi không nghĩ ra, chỉ phân vân. Sáng sớm hôm sau, mấy anh bên đối ngoại và anh Hồng Hà nói nhỏ với tôi là cốt sao tranh thủ được nguyên tắc ‘consensus’ (nhất trí), còn con số không quan trọng… Tôi phân vân muốn được biết nội dung trước khi ta hạ bút ký… Nghĩ lại, khi họ mời Tổng bí thư, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ta sang gặp Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc vụ viện, lại mời thêm tôi. Tôi khá bất ngờ, không chuẩn bị kỹ. Anh Mười cho là họ mời rất trang trọng, cơ hội lớn, nên đi. Nhưng đi để rồi ký một văn bản mà ta không lường trước hậu quả …

Nhưng Nguyễn Văn Linh đã phản đối Phạm Văn Đồng:

Anh Tô nhớ lại xem. Không phải tôi đồng ý, tôi chỉ nói ta nghiên cứu xem xét và cuối cùng đặt vấn đề thông báo lại Campuchia… Bây giờ tôi vẫn nghĩ thế là đúng. Tôi không thấy ân hận… Phải tiếp tục làm việc với Campuchia về chiến lược… làm cho bạn thấy âm mưu của đế quốc Mỹ chống phá chủ nghĩa xã hội ở châu Á, cả ở Cu Ba. Nó đã phá Trung Quốc qua vụ Thiên An Môn rồi, nay lại chuyển sang phá ta…

Võ Văn Kiệt thì cho rằng:

Trong thâm tâm tôi, tôi không đồng ý có anh Tô trong đoàn đi Thành Đô. Nếu có gặp anh Đặng thì anh Tô đi là đúng. Tôi nói thẳng là tôi xót xa khi biết anh Tô đi cùng anh Linh và anh Mười chỉ để gặp Giang và Lý, không có Đặng. Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy.

Đó là một vài ý kiến điển hình do ông Trần Quang Cơ ghi lại. Tuần sau chúng ta sẽ cùng nhau xem kĩ và bình luận về các chi tiết liên quan tới các ý kiến có tính chất thâm cung bí sử này.

… cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

20/09/2020

No comments:

Post a Comment