Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân & Đồng Tâm trình bày sau đây.
LIÊN MINH CHÂU ÂU QUAN NGẠI VỀ PHIÊN TÒA ĐỒNG TÂM
Vào thứ Sáu ngày 18.09, phái đoàn của Liên minh Châu Âu (EU) ở Hà Nội ra tuyên bố lên án việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kết án tử hình hai người dân Đồng Tâm. Đồng thời bày tỏ quan ngại về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa xét xử 29 người dân oan Đồng Tâm vừa qua.
Tuyên bố của EU nói: “ Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa đã gây ra sự nghi ngờ về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa. EU và các nước thành viên luôn ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền và quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một bên ký kết.”
Tuyên bố được Liên minh Châu Âu đưa ra 4 ngày sau khi tòa kết án tử hình hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, là 2 con trai của cụ Lê Đình Kình, người bị nhà cầm quyền csVN bắn chết trong vụ tấn công vào nhà cụ rạng sáng ngày 09/01/20.
Cho đến nay đã có nhiều tổ chức nhân quyền và hàng ngàn cá nhân lên tiếng phản đối nhà cầm quyền CS Việt Nam về phiên tòa Đồng Tâm.
ÔNG LÊ VĂN HẢI BỊ BẮT VỚI CÁO BUỘC “LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ”
Vào thứ Sáu, ngày 18.09, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh Bình Định đã bắt giữ ông Lê Văn Hải, một dân oan đi khiếu kiện nhiều năm nay, với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự vì các bài viết của mình đăng trên Facebook.
Truyền thông lề đảng mở chiến dịch bôi nhọ rằng từ năm 2016, ông Hải đã viết và chia sẻ nhiều bài viết trên Facebook có nội dung bôi xấu đảng, chính phủ và nhiều cán bộ của trung ương lẫn địa phương.
Báo chí cũng đưa tin nhà cầm quyền thành phố Quy Nhơn thu hồi đất của gia đình ông Hải để xây dựng nhà máy giải quyết nước thải. Do không được bồi thường thỏa đáng, gia đình ông đã đưa đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan nhà nước, nhưng không được giải quyết.
Việt Nam đã bắt giữ 20 blogger và Facebooker từ đầu năm tới nay, với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” hoặc “tuyên truyền chống Nhà nước.”
THỨ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG HOA KỲ THĂM NAM DƯƠNG ĐỂ THẢO LUẬN VỀ BIỂN ĐÔNG
Vào lúc vùng biển Natuna của Nam Dương liên tục bị tàu hải cảnh Trung Cộng xâm nhập, ông James Anderson, quyền Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ về chính sách quốc phòng, đã tiếp xúc với một loạt quan chức cao cấp của Nam Dương, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng, ông Prabowo Subianto; Tư lệnh Lực lượng võ trang, ông Hadi Tjahjanto; Ngoại trưởng Retno Marsudi và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề hàng hải và đầu tư, ông Luhut Pandjaitan.
Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, hai bên đã thảo luận về một loạt vấn đề khu vực bao gồm Biển Đông, chống khủng bố, các mối đe dọa trên mạng và đầu tư của Hoa Kỳ vào Nam Dương. Hai bên cũng bàn về các thương vụ về quốc phòng đang chờ được thực hiện.
Cũng trên bình diện hợp tác quốc phòng, thông cáo của Ngũ giác đài cho biết là hai nước đang hướng tới việc tái lập các cuộc tập trận song phương thường niên và thực hiện các cam kết quốc phòng khác, khi điều kiện cho phép và càng sớm càng tốt.
TRUNG CỘNG TẬP TRẬN BẮN ĐẠN THẬT GẦN EO BIỂN ĐÀI LOAN TRONG KHI PHỤ TÁ NGOẠI TRƯỞNG HOA KỲ THĂM ĐÀI BẮC
Trung Cộng cho biết đang tập trận gần eo biển Đài Loan để ” bảo vệ chủ quyền ” giữa lúc Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Keith Krach thăm Đài Bắc và hội đàm với nhiều quan chức của Đài Loan.
Cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, và việc Hoa Kỳ tăng cường bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan.
Ông Krach là nhân viên cấp cao nhất từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thăm Đài Loan trong nhiều thập niên qua.
Cùng ngày, người đại diện của Bộ Quốc phòng Trung Cộng, ông Nhậm Quốc Cường cáo buộc Hoa Kỳ và Đài Loan ” thông đồng gây nên tình trạng hỗn loạn.” Không đề cập tới chuyến thăm của ông Krach, ông Nhậm nói rằng việc ” Mỹ sử dụng Đài Loan để khống chế Trung Cộng” hoặc ” Đài Loan dựa vào nước ngoài để tăng cường lực lượng” là ý tưởng hão huyền.
Mặc dù Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 cho phép Hoa Thịnh Đốn bán vũ khí cho hòn đảo này cũng như cam kết duy trì ” quan hệ gần gũi.”
NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU KÊU GỌI TRỪNG PHẠT NGA VÌ ĐẦU ĐỘC ÔNG ALEXEI NAVALNY
Vào thứ Năm ngày 17.09, Nghị Viện Châu Âu đề nghị Liên hiệp Châu Âu nên có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga trong vụ đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny. Châu Âu tố cáo Nga mưu toan ám sát nhà đối lập hòng bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng.
Trong một nghị quyết không ràng buộc, Nghị viện Châu Âu tuyên bố rằng các vụ ám sát chính trị và đầu độc tại Nga là những công cụ có hệ thống của chế độ chủ ý nhắm vào phe đối lập, vì chỉ có các cơ sở quân sự và các cơ quan tình báo là được quyền tùy nghi sử dụng chất độc Novichok.
Nghị viện Châu Âu cáo buộc rằng mưu toan ám sát ông Navalny là một phần nỗ lực có hệ thống hòng dập tắt các tiếng nói phản đối và ngăn chặn răn đe những nhà đối lập, cũng như nhiều tiếng nói bất đồng khác lên tiếng tố cáo tệ nạn tham nhũng nghiêm trọng của chế độ Nga hiện nay. Do vậy, Quốc hội châu Âu ra nghị quyết yêu cầu Liên hiệp Châu Âu thiết lập một danh sách các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và siết chặt hơn nữa các trừng phạt hiện có, nhắm vào Nga vốn được đưa ra sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và vụ đầu độc ông Sergei Skripal tại Anh năm 2018.
No comments:
Post a Comment