Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục Chân Dung Người Tù Lương Tâm Phạm Chí Dũng do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân.
Ông Phạm Chí Dũng sinh năm 1966, nguyên quán Đồng Tháp, sinh sống tại quận Tân Bình, Sài Gòn cho đến khi bị bắt vào ngày 21/11/2019. Ông Dũng là tiến sĩ kinh tế và có nhiều năm làm việc tại Cơ quan nội chính của thành uỷ HCM. Phạm Chí Dũng bị cáo buộc tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi và bổ sung năm 2017).
Cha của Phạm Chí Dũng là ông Phạm Văn Hùng- cựu trưởng ban Tổ chức Thành uỷ tp HCM, từng là thư ký riêng của ông Võ Văn Kiệt- cố thủ tướng chính phủ cộng sản Việt Nam.
Trước năm 2013, Phạm Chí Dũng có 30 năm phục vụ quân đội, chính phủ và đảng cộng sản Việt Nam.
Ngày 5 tháng 12 năm 2013, ông Dũng làm đơn xin ra khỏi đảng với lý do :”Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân”.
Ông Dũng sau đó đã có nhiều phát biểu chỉ trích chế độ, ủng hộ việc đấu tranh đòi nhân quyền, dân chủ bằng phương pháp hoà bình.
Ngày 17 tháng 7 năm 2012, ông Phạm Chí Dũng bị bắt khẩn cấp vì bị tình nghi biên soạn tài liệu ‘nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Sau đó, ông bị khởi tố hai tội danh “Hoạt động lật đổ chính quyền” (theo Điều 79) và “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam (Điều 88 Bộ luật hình sự năm 1999). Điều cần nhấn mạnh, thời điểm này ông vẫn đang làm việc tại ban An ninh Nội chính Thành uỷ TP HCM. Tuy nhiên, ông đã được miễn tố sau 6 tháng bị tạm giữ trong một nhà tù tại Sài Gòn.
Tháng 2/2014, tiến sĩ Phạm Chí Dũng được mời đến Geneve (Thuỵ Sĩ) để tham dự buổi Kiểm điểm nhân quyền UPR do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Nhưng vừa đến phi trường Tân Sơn Nhất, ông bị công an cộng sản bắt giữ, bị cấm xuất cảnh và bị tịch thu hộ chiếu.
Ngày 3/5/2014, Phạm Chí Dũng có tên trong danh sách “100 anh hùng thông tin” do Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), trụ sở tại Paris- vinh danh.
Ngày 04 tháng 7 năm 2014, Hội Nhà báo Độc lập Việt Namtuyên bố thành lập và Tiến sĩ Phạm Chí Dũng làm chủ tịch.
Là một tiến sĩ kinh tế nhưng Phạm Chí Dũng cũng là một nhà văn, nhà báo. Ông từng có một số tác phẩm văn chương với thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết được xuất bản vào các năm 1993, 1995, 2005, 2006. Sau khi trở thành một người tranh đấu cho nhân quyền, các tác phẩm của ông không được xuất bản trong nước. Những bài viết của Phạm Chí Dũng tập trung vào các đề tài chính trị, kinh tế, xã hội mà theo cách gọi của nhà cầm quyền là “chống chế độ”.
Đã hơn 10 tháng kể từ ngày Phạm Chí Dũng bị bắt, vẫn chưa ai biết về tình trạng của ông trong tù.
Với vị trí Phạm Chí Dũng từng đảm nhiệm trong bộ máy cầm quyền, có thể xem ông là một quan chức. Tức là ông có thừa cơ hội để “vinh thân phì gia”. Nhưng ông đã thức tỉnh, thoát ly khỏi guồng máy cai trị để đứng về phía những người cùng khổ. Nhắc đến Phạm Chí Dũng với tư cách một người thoái đảng, hoặc từ bỏ vinh hoa phú quý, chấp nhận cảnh tù đày để dấn thân cho tự do, chúng ta lại nhớ đến những Lê Hồng Hà (nguyên đại tá công an, nguyên chánh văn phòng bộ công an- đã qua đời), Vi Đức Hồi (nguyên giám đốc trường đảng, tỉnh Lạng Sơn), Nguyễn Tường Thuỵ (cựu đại uý quân đội), Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (sĩ quan an ninh cấp cao), Trần Anh Kim (trung tá quân đội), và một số người khác. Nếu đem so sánh với mấy triệu đảng viên cộng sản, con số thức tỉnh và dấn thân trên quả là quá ít ỏi. Nhưng sự đóng góp của những “cựu đảng viên” này cho công cuộc giải thể chế độ độc tài cộng sản, mang lại tự do, dân chủ cho đất nước thì không hề nhỏ.
Sự hồi sinh của quê hương Việt Nam cần đến những chiến sĩ dân chủ, những người thoái đảng như các ông.
Thúc Lân
No comments:
Post a Comment