Kính thưa quý thính giả, theo sử sách ghi lại, gần 1500 năm về trước, 2 tướng lãnh theo Triệu Việt Vương đánh tan đạo quân nhà Lương xâm lược để gìn giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân (tên nước Việt từ năm 544 đến năm 602). Hai vị tướng này được dân chúng nhớ ơn lập hơn 100 đền thờ ở tỉnh Bắc Giang.
Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Đức Thánh Tam Giang” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh & Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Việt Thái
Trương Hống và Trương Hát sinh năm 502 tại làng Vân Mẫu, huyện Quế Dương, quận Vũ Ninh, xứ Kinh Bắc, cả 2 đều là học trò của Tiên sinh Lã Thị. Mẹ là Phùng Từ Nhan, sinh ra 5 người con (4 trai, 1 gái). Người con trưởng là Trương Hống, thứ hai là Trương Hát, kế đến là Trương Lừng, Trương Lẫy và con gái út tên là Trương Đạm Nương.
Năm Trương Hống, Trương Hát được 20 tuổi, nhà Lương cử đại tướng Trần Bá Tiên và tướng Dương Phiêu sang xâm chiếm nước Việt. Lý Nam Đế đem quân ngăn chận, nhưng vì quân ít nên phải rút về động Khuất Lão, miền rừng núi Tam Nông, Phú Thọ, trao quyền lại cho tướng Triệu Quang Phục và qua băng hà.
Triệu Quang Phục rút quân về đóng ở đầm Dạ Trạch (phủ Khoái Châu, Hưng Yên), dựa vào bốn phía đầm lầy, địa thế hiểm trở để tính kế lâu dài.
Triệu Quang Phục truyền hịch kể tội giặc Lương và ra bố cáo cần nhân tài giúp nước. Nghe có hịch chiêu tài, anh em Trương Hống, Trương Hát về quê mộ quân. Thầy Lã Thị khen ngợi tinh thần trung quân ái quốc của học trò và tình nguyện đi theo giúp việc quân cơ.
Lã Thị chọn ngày lành làm lễ bái tế, tôn Trương Hống làm tướng soái,
Trương Hát làm phó, giương cờ chiêu quân và ngày đêm luyện tập binh sĩ.
Về sau, Trương Hống và Trương Hát đến địa phận làng Tiên Tảo, huyện Kim
Hoa, phủ Đa Phúc, lộ Bắc Giang, thấy đất có thế ỷ giốc dễ dàng tiến
thoái liền cho quân hạ trại và ra bố cáo tuyển mộ nghĩa quân.
Dân
chúng địa phương hưởng ứng, gửi con cháu theo đoàn nghĩa quân, tráng
đinh các nơi nghe tin kéo đến thêm được hơn 300 người. Trương Hống,
Trương Hát lập bản doanh ở làng Tiên Tảo, ngày đêm rèn luyện binh khí.
Triệu Quang Phục được tin, sai sứ phong Trương Hống làm Thượng tướng, Trương Hát làm Phó tướng, Lã Thị làm Quân sư, Trương Lừng, Trương Lẫy làm Tỳ Tướng, Trương Đạm Nương làm Hậu binh lương.
Thời gian sau, cánh quân của Triệu Quang Phục ở Dạ Trạch tấn công
lên, Trương Hống và Trương Hát ở Tiên Tảo kéo quân xuống tấn công doanh
trại giặc Lương. Quân Lương đại bại, chạy dẫm đạp lên nhau mà chết, đại
tướng của quân Lương là Trần Bá Tiên tử trận, Phó tướng Dương Phiêu phải
thu nhặt tàn quân rút về phương Bắc.
Sau đại thắng, Triệu Quang Phục
kéo quân về Long Biên sửa sang thành trì, khao thưởng và ủy lạo tướng
sĩ. Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương, cấp đất cho
Trương Hống ở làng Tiên Tảo, (huyện Kim Anh) và Trương Hát ở làng Tam
Lư (huyện Đông Ngàn).
Nghe tin Triệu Quang Phục lên ngôi, Lý Phật Tử đưa quân tiến đánh nhưng không thể thắng, bèn dùng kế cầu thân. Trương Hống và Trương Hát can Triệu Việt Vương đừng gã Cảo Nương cho Nhã Lang, nhưng Triệu Việt Vương không nghe, bị Lý Phật tử đánh úp.
Triệu Việt Vương băng hà vào năm 571. Hơn 700 năm sau, vua Trần Nhân Tông sắc phong ngài là “Khai cơ Minh đạo Hoàng Đế”. Và năm 1313, vua Trần Anh Tông ban thêm bốn chữ “Thánh liệt Thần vũ”.
Sau khi thắng trận, Lý Phật tử lên ngôi vua tự xưng là Hậu Lý Nam Đế. Biết Trương Hống và Trương Hát là tướng tài liền cho người mời ra làm quan, nhưng cả 2 ông đều một lòng trung quân không chịu theo Lý Nam Đế. Biết không thể khuất phục được Trương Hống và Trương Hát, Lý Nam Đế ra lệnh truy bắt 2 ông.
Biết không thể thoát, 2 ông đem gia quyến xuôi dòng sông Cầu, uống thuốc độc tuẩn tiết để giữ tròn tấm lòng với Triệu Việt Vương.
Người dân dọc theo sông Cầu và các nơi 2 ông từng đóng quân thương tiếc lập hơn 100 đền, đình, thờ 2 ông và kính cẩn gọi 2 ông là Đức Thánh Tam Giang.
Các triều vua Trần, Lê về sau đều lập sắc phong 2 ông là Tam Giang Thượng đẳng thần.
*****
Sử Việt cho rằng, Triệu Quang Phục là người đầu tiên áp dụng chiến tranh du kích tại Việt Nam. Cuộc kháng chiến của ông là một bằng chứng cho thấy từ 15 thế kỷ trước, tiền nhân đã biết xử dụng chiến tranh du kích, chứ không cần phải vay mượn hay được chỉ dẫn từ Mao Trạch Đông mà đảng cộng sản VN suốt nhiều năm qua vẫn ra rả tự hào mà không thấy xấu hổ.
Ngay sử sách Tàu cũng không thể phủ nhận được là Dạ trạch vương Triệu Quang Phục đã chiến thắng quân Lương trong một cuộc chiến được xem là “châu chấu đá xe” và ngài trở thành một anh hùng của dân tộc.
Lịch sử Đông Tây kim cổ ghi nhận, rất nhiều vụ tuẫn tiết của các vị tướng mỗi khi thất trận hay bị buộc phải đầu hàng trước kẻ thù. Sử Việt cũng không thiếu những người “sinh vi tướng, tử vi thần” như thế. Điễn hình như Trương Hống, Trương Hát là những vị tướng được nhắc tới nhiều nhất dưới thời Triệu Việt Vương. Hai ông xứng đáng được dân gian ca tụng là bậc trí dũng song toàn và là “sinh vi dũng tướng, tử vi minh thần”.
Gần đây, chưa bao giờ trong một giai đoạn ngắn ngủi của lịch sử, chỉ trong vòng một tháng Tư đen tối của năm 1975, đã có 5 danh tướng chọn cái chết để tạ tội với quân dân miền Nam vì không làm tròn sứ mạng bảo vệ lý tưởng tự do. Trong đó có tướng Lê Văn Hưng, trước khi tuẩn tiết, ông nói: “Tôi bằng lòng chọn cái chết. Tướng mà không giữ được Nước, không bảo vệ được Thành, thì phải chết theo Thành”.
Trong giờ phút tổ quốc lâm nguy, nhiều anh hùng đã tuẩn tiết để giữ tròn khí khái. Nhưng hiện nay, nhiều tướng lãnh CSVN đang muốn “hàng hơn là chết” qua những lời tuyên bố đầy rụt rè, sợ hãi trước sự hung hăng của Tàu cộng trên biển Đông. Chính họ là những kẻ đã bôi bẩn thanh danh của 2 vị anh hùng Trương Hống, Trương Hát.
No comments:
Post a Comment