Sunday, September 13, 2020

Hội Nghị Thành Đô, Hồi Ký Trần Quang Cơ

Trả Lời Thư Tín
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Tâm Anh

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,

Trước khi qua đời, ông Phạm Văn Đồng đã thổ lộ với nhiều cộng sự thế này:

Đã hớ đã dại rồi mà còn nói đặt sự nghiệp cách mạng lên trên hết… Người lãnh đạo không nên làm như vậy. Với Trung Quốc, vừa qua không phải là chúng ta bình thường hóa, mà là chúng ta đã bị ‘phụ thuộc hóa’ quan hệ.

Những lời cay đắng vừa dẫn của ông Đồng là nói về Hội nghị bí mật giữa chóp bu hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc tại Thành Đô, năm 1990.

Thưa anh chị em và quí vị, có một chi tiết đặc biệt ít người để ý về hội nghị bán nước này là, phái đoàn bán nước của đảng Hồ-Tàu đã sang Thành Đô năm 1990 đúng ngày khai sinh ra chế độ cộng sản Việt Nam: ngày 02 tháng 09.

Năm nay bọn chóp bu lại cho kỉ niệm tưng bừng ngày đảng Hồ-Tàu lên ngôi cầm quyền, tức cũng là kỉ niệm đúng 30 năm bọn lãnh đạo sang Thành Đô để khấu đầu, thần phục Bắc Kinh trở lại. Trong phái đoàn sang Thành Đô có ông Phạm Văn Đồng.

Tuy nhiên, theo thú nhận của cá nhân ông Phạm Văn Đồng và đánh giá của giới quan sát, bản thân cá nhân ông Phạm Văn Đồng đã bị Bắc Kinh lừa để tham gia vào cuộc gặp phản quốc tại Thành Đô.

Năm nay nhân tưởng nhớ tới sự kiện lịch sử nhơ nhuốc này của chính thể cộng sản Việt Nam, chúng ta sẽ cùng nhau ôn lại một số chi tiết, đánh giá, ghi chép về Hội Nghị Bán Nước Thành Đô ngày 02 tháng 09 năm 1990.

Cho đến nay, tất cả các văn kiện, thỏa thuận, ghi chép chính thức của cuộc gặp bí mật Thành Đô giữa hai đảng cộng sản vẫn hoàn toàn bị giấu kín. Nguồn thông tin tiếng Việt tốt nhất chúng ta có được là nằm trong tập hồi ký “Hồi ức và Suy nghĩ” của Trần Quang Cơ. Ông Cơ là một cán bộ ngoại giao kì cựu của chế độ cộng sản, từng giữ chức vụ cao nhất là Thứ Trưởng Ngoại Giao và là Ủy Viên Trung Ương. Cuốn hồi kí này được công bố không chính thức năm 2001. Ông Trần Quang Cơ đã qua đời năm 2015.

Như chúng ta đã thấy, cuốn hồi kí này được công bố ngay lúc ông Trần Quang Cơ vẫn còn sống và ông từng là một Ủy viên Trung Ương cộng sản, vì vậy các nội dung, đánh giá của ông Trần Quang Cơ sẽ có cả ưu điểm lẫn những hạn chế không thể tránh khỏi.

Ưu điểm lớn nhất chúng ta có thể thấy là những thông tin của ông đưa ra về nội tình của bọn chóp bu sẽ có độ tin cậy cao. Nhược điểm lớn nhất có lẽ là ông sẽ phải tính toán, tiết độ rất kĩ các thông tin để không bị bọn chóp bu ghép vào các trọng tội như “tiết lộ an ninh bí mật quốc gia”, hay “phản bội tổ quốc”. Nhưng ông là trường hợp duy nhất cho đến nay đã dám bạch hóa nhiều thông tin xoay quanh cuộc gặp bí mật tại Thành Đô.

Ông cho biết một chi tiết trước cuộc gặp:

Ngày 29 tháng 08 năm 1990, đại sứ (Trung Quốc) Trương Đức Duy xin gặp gấp Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và Thủ Tướng Đỗ Mười để chuyển thông điệp của Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và Thủ Tướng Lý Bằng mời Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Thủ Tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 03 tháng 09 năm 1990 để hội đàm bí mật về vấn đề Cam Pu Chia và vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước. Trương nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp anh Tô (tức Phạm Văn Đồng). Trung Quốc còn lấy cớ là ở Bắc Kinh đang bận chuẩn bị tổ chức ASIAD (Á Vận Hội) nên không gặp cấp cao Việt Nam ở thủ đô Bắc Kinh được vì khó giữ được bí mật.

Nhưng theo ông Trần Quang Cơ, lời mời này của Bắc Kinh là một chuyển biến rất đột ngột, cần phải cảnh giác, vì mới trước đó vài ngày, Bắc Kinh còn bác bỏ lời cầu khẩn muốn gặp cấp cao của phía Việt Nam. Bắc Kinh cũng luôn khẳng định chỉ sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và vấn đề Campuchia được định rõ thì mới bàn đến việc “bình thường hóa”.

Thế nhưng, trước lời mời gấp gáp đầy khả nghi đó, bọn chóp bu Việt Nam vẫn quyết định nhận lời và vội vã cho tổ chức gấp để lén lút đi sang Trung Quốc. Phái đoàn sang Thành Đô gồm Nguyễn Văn Linh, đương kim Tổng Bí Thư, Đỗ Mười, đương kim Thủ Tướng, Phạm Văn Đồng, cựu Thủ Tướng, đương kim Cố vấn Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng và ba nhân vật tháp tùng:  Hồng Hà, Chánh Văn Phòng Trung Ương Đảng, Hoàng Bích Sơn, Trưởng Ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng và Đinh Nho Liêm, Thứ Trưởng Ngoại Giao.

Bầu đoàn gồm 7 người này đã có mặt tại Thành Đô đúng vào ngày “quốc khánh” – mồng 02 tháng 09. Thưa quí vị, quí bạn, chữ “quốc khánh” ở đây chúng ta phải hình dung là nằm trong hai dấu ngoặc kép vì đây chỉ là ngày lễ vui mừng của bọn cầm quyền chóp bu cộng sản mà thôi.

Bọn chóp bu đã trao đổi bí mật với phía Trung Cộng trong hai ngày, 3 và 4 tháng 09. Biên bản tóm tắt hội nghị, theo ông Trần Quang Cơ, được ghi vào một biên bản gồm 8 điểm. Ông Cơ không cho biết chi tiết các điểm này nhưng nhận xét rằng đa phần đều “là đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc. Không có điểm nào theo yêu cầu của ta cả.

Ông Cơ ghi rõ trong hồi kí là bọn chóp bu Việt Nam đã mắc lỡm Trung Cộng ít nhất ba điểm:

– Cuộc gặp không nói gì đến chuyện “bình thường hóa” như mong muốn của bọn chóp bu Việt Nam.

– Không có chuyện Đặng Tiểu Bình cho Phạm Văn Đồng gặp mặt.

– Trung Cộng hứa giữ bí mật, nhưng đã chủ động thông báo ngay cho các đối tác quốc tế quan trọng của Trung Cộng về cuộc gặp bí mật với Việt Nam.

Song, ông Trần Quang Cơ đã khá ngay thẳng và dũng cảm viết rằng:

Sở dĩ ta dễ dàng bị lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa…

Ông Cơ cũng ghi lại ý kiến của nhiều người về Hội nghị Thành Đô.

Đây sẽ là nội dung trong chuyên mục sắp tới của chúng ta.

Tâm Anh cùng Tiến Văn xin tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị cùng anh chị em trong chuyên mục tuần tới.

13/09/2020

No comments:

Post a Comment