Tuesday, September 1, 2020

Sao lại nói Việt Nam không cần và không chấp nhận đa nguyên đa đảng

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, nhân dân Việt Nam muốn xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên như những quốc gia dân chủ khác. Chỉ có đảng CSVN là muốn độc tài độc đảng mà thôi. 

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Thủy Tiên với tựa đề: “Sao lại nói Việt Nam không cần và không chấp nhận đa nguyên đa đảng sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Từ vài năm nay, các nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều bài viết với nội dung khẳng định nhất quán, dõng dạc rằng chế độ một đảng cầm quyền ở Việt Nam “là sự lựa chọn của dân tộc, của nhân dân”.

Đơn cử như bài “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa Đảng” của PGS.TS. Nguyễn Xuân Tú, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 7/2018, và một bài lặp lại nguyên tựa đề này, của TS. Vũ Thị Nghĩa (trường Chính trị Đồng Nai) đăng trên báo Đồng Nai ngày 21/7/2020.

Đặc điểm chung của cả hai bài là truyền tải thông điệp kiên quyết bảo vệ chế độ độc đảng ở Việt Nam, và sử dụng lối viết áp đặt một cách hùng hồn, dõng dạc, tuy cơ sở lý luận thì “thiếu và yếu”. Bình dân Học vụ xin có đôi lời phản biện bài lý luận gần đây nhất được biết đến, là bài của TS. Vũ Thị Nghĩa.

Đầu tiên, tác giả nói sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn “của dân tộc, của nhân dân”. Riêng kiểu viết lặp ý này đã thể hiện một văn phong có tính chất hô khẩu hiệu, là điều mà người viết chuyên nghiệp cần tránh trong các bài lý luận nghiêm túc.

Chốt lại, ý của TS. Vũ Thị Nghĩa là, ngày xưa có mình Đảng Cộng sản làm cách mạng, giành được chính quyền, hà cớ gì đảng phải chia sẻ quyền lực với đảng khác.

Theo logic này, nước Mỹ nên do hậu duệ của George Washington nắm quyền cai trị mãi mãi. Thời lập quốc ấy, ở Mỹ chưa có đảng phái nên vị tổng thống đầu tiên không thuộc về đảng nào, chứ nếu ông là thành viên đảng Cộng Hòa chẳng hạn, thì đảng ấy phải là lực lượng lãnh đạo nhân dân Mỹ một cách toàn diện và tuyệt đối, hà cớ gì phải chia sẻ quyền lực với đảng nào – theo logic của tác giả Vũ Thị Nghĩa.

Tương tự, Nam Phi mãi mãi chỉ nên do một mình đảng ANC của Nelson Mandela lãnh đạo, ANC có công lớn đến thế kia mà?

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, là lập luận của TS. Vũ Thị Nghĩa đã ngầm thể hiện một quan điểm cho thấy Đảng Cộng sản rất… cơ hội chính trị: Về bản chất, đảng này làm cách mạng chỉ để giành và giữ quyền lực nhà nước. Giành được rồi thì phải giữ, âu cũng là hợp lẽ, sao lại cho đảng khác ngóc đầu lên cạnh tranh với mình?

Sự thể hóa ra là thế. Đó là thứ logic của kẻ đang hưởng lợi, không tội gì chia sẻ lợi ích cho ai khác.

Trong khi, lẽ ra, quyền lực nhà nước (bắt nguồn từ nhân dân) vốn không phải là chiếc bánh ngon để các đảng chia chác với nhau hay ban cho nhau. Nó phải do nhân dân chọn giao cho ai. Chế độ đa đảng thực chất là một cơ chế để nhân dân sàng lọc và bầu ra đảng cầm quyền, thông qua lá phiếu của cử tri.

Ngoài việc dùng sự tụng ca, hô khẩu hiệu để làm độc giả choáng ngợp (thay vì thuyết phục trên cơ sở logic và dữ liệu thực tế), tác giả đi theo logic: Việt Nam đạt được những thành tựu này, suy ra Đảng Cộng sản có khả năng lãnh đạo.

Chưa hết. Nhà lý luận chính trị của Đảng Cộng sản tiếp tục đi đến khẳng định: “Ở Việt Nam hiện nay, thực hiện chế độ một đảng duy nhất cầm quyền nhưng dân chủ luôn được đảm bảo và phát huy”. Lý do: Là “bởi vì mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam dân chủ”.

Lại một thứ lập luận kỳ quặc, vô nghĩa: Việt Nam dân chủ là bởi vì mục đích của Đảng Cộng sản là xây dựng dân chủ.

Ta hoàn toàn theo kiểu suy luận này để phát biểu: “Triều Tiên là quốc gia giàu có, bởi vì mục đích của đảng Lao động Triều Tiên là xây dựng nước Triều Tiên giàu có”. Cũng giống như một ông bố say rượu rung đùi nói với ba đứa con nheo nhóc: “Chúng mày hạnh phúc, ăn sung mặc sướng, bởi vì mục đích của bố là làm cho các con hạnh phúc, ăn sung mặc sướng”.

Thực tế, cái thực tế mà hệ thống tuyên truyền của Đảng Cộng sản không bao giờ nhắc tới, là Việt Nam bị xếp vào nhóm chế độ chuyên chế và đang đứng thứ 136/167 về chỉ số dân chủ.

Với bài viết “Việt Nam không cần và không chấp nhận đa nguyên đa đảng”, tác giả Vũ Thị Nghĩa đã cho thấy bà rất thuộc các nội dung tuyên truyền lâu nay của Đảng Cộng sản; ngoài ra, lời khẳng định của bà chỉ là võ đoán và nhân danh nhân dân cho… có khí thế, thêm sức nặng, chứ trong toàn bài, không thấy “ý nguyện của dân” ở đâu cả.

Hơn thế nữa, với văn phong và các lập luận (phi logic) được vạch ra ở trên, dường như ý tác giả đúng ra phải là “Nhà nước hiện nay không chấp nhận đa đảng”.

Nói gì thì nói, việc một nhà nước không chấp nhận đa đảng là biểu hiện phản dân chủ rõ nét, không gì khác.

Hiến Pháp nói nhà nước Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhưng không ở đâu nói nhà nước xã hội chủ nghĩa thì không được phép tồn tại đa đảng.

Dù Hiến Pháp nói vậy, nhưng người Việt Nam vẫn có niềm tin rất vững chắc rằng lập đảng, hoạt động đảng phái đối lập ở Việt Nam là phạm pháp. Niềm tin vững chắc này có lẽ hình thành từ công tác tuyên truyền của Đảng Cộng sản, và được củng cố bằng hoạt động đàn áp các đảng đối lập ở Việt Nam trên thực tế.

Nhưng trên hết, công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Đó là nguyên tắc pháp lý bất di bất dịch. Theo nguyên tắc này thì ngay cả trong khuôn khổ Hiến Pháp do Đảng Cộng sản lập ra, công dân Việt Nam vẫn có quyền lập đảng, vận động, tranh cử./.

Thủy Tiên

No comments:

Post a Comment