Saturday, March 2, 2019

Thủ Lãnh Trương Công Định

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, Một vị lãnh tụ chống Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã hùng hồn tuyên bố: “Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc. Ông được người Việt tôn vinh là một anh hùng. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Thủ Lãnh Trương Công Định” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Trong Nam, tên họ nổi như cồn,
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn.
Dấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ,
Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn.
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ,
Quả ấn Bình Tây đất vội chôn.
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt luỵ,
Lâm râm ba chữ điếu linh hồn.

Đó là một trong 12 bài thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu vinh danh thủ lãnh nghĩa quân Trương Công Định.
Trương Công Định sinh năm 1820 tại làng Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Trương Công Định sống ở Quảng Ngãi, mãi đến năm 24 tuổi mới theo cha là Trương Cầm, người giữ chức Chưởng lý Thủy sư vào Gia Định.
Năm 1850, hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đình, Trương Công Định đứng ra chiêu mộ khoảng 500 dân khai hoang lập ấp, được triều đình Huế phong chức Quản cơ, nên người đương thời thường gọi ông là Quản Định.
Năm 1859, khi Pháp đưa quân chiếm thành Gia Định, Trương Công Định đem nghĩa binh lên đóng ở Thuận Kiều để ngăn chặn. Trương Công Định đã đánh thắng quân Pháp ở mặt trận Thị Nghè, Cây Mai…
Năm 1860, dưới quyền của Tổng thống Quân vụ Nguyễn Tri Phương, Trương Công Định giữ đồn Kỳ Hòa, được triều đình phong chức Phó lãnh binh. Sau khi đồn Kỳ Hoà thất thủ, ông cùng nghĩa binh rút về Gò Công xây dựng căn cứ kháng chiến chống Pháp. Trương Công Định đã tổ chức nhiều trận phục kích ở Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn làm cho quân Pháp bị tổn thất nặng.
Đầu năm 1861, quân Pháp tấn công thành Gia Định lần thứ hai, Trương Công Định đem quân phối hợp với quân của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định – Định Tường. Tại nơi đây, Trương Công Định tổ chức lại lực lượng trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Cao Miên.
Ngày 5/6/1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp. Vua quan nhà Nguyễn đã chỉ thị cho Đại học sĩ Phan Thanh Giản đến gặp và bắt Trương Công Định phải giải binh, đồng thời thăng cho Trương Công Định chức Lãnh binh đi nhậm chức ở nơi khác. Vì quân lịnh, lúc đầu ông định tuân theo, nhưng dân chúng trong vùng và nghĩa quân giữ ông lại. Họ kéo nhau ra trước ngựa của ông và nhất quyết tôn ông làm Bình Tây đại nguyên soái.
Tháng 2 năm 1863, Pháp tổng công kích đại bản doanh Trương Công Định ở Gò Công. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt trong 3 ngày liền. Hai phó tướng của Trương Công Định là Đặng Kim Chung và Lưu Bảo Đường đều tử trận.
Nghĩa quân yếu thế phải rút về Phước Lộc, dựa vào khu rừng Sát để tiếp tục chống quân Pháp và đã kéo dài cuộc chiến hơn 2 năm.
Ngày 20/8/1864, tên Việt gian Huỳnh Công Tấn dẫn quân Pháp vây bắt Trương Công Định ở Tân Phước, ông bị trọng thương. Quyết không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát. Khi ấy ông vừa tròn 44 tuổi.
Hay tin Trương Công Định tuẫn tiết, vua Tự Đức truy tặng phẩm hàm và năm 1871 cho lập đền thờ ông tại Tư Cung, Quảng Ngãi.
Con của Trương Công Định là Trương Quyền rút quân lên vùng Châu Đốc tiếp tục cuộc chiến chống Pháp thêm 6 năm nữa.
Mặc dù cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định bị thực dân Pháp dẹp tan nhưng nghĩa khí của ông vẫn tỏa sáng ngàn thu. Khu lăng mộ và tượng đài ông hiện toạ lạc trong thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
* * *
Thủ lãnh Trương Công Định đã thể hiện câu“Anh hùng tử, khí hùng bất tử”, thà tự sát chứ không để bị giặc bắt. Nhưng điều đáng nói nhất là ông đã đi vào lịch sử với câu tuyên bố bất hủ:“Triều đình không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta”….
Sau 70 năm bị nhồi sọ dưới mái trường cộng sản, chắc chắn là nhiều học sinh VN hiện nay không hề được thầy cô giáo giảng dạy về cuộc kháng chiến chống Pháp của các đoàn nghĩa quân dưới sự chỉ huy của thủ lãnh Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực và nhiều thủ lãnh khác nữa trên mọi miền đất nước. Họ cũng không được giảng dạy là trước khi đảng CSVN ra đời, hàng chục ngàn người dân miền Nam đã hy sinh tính mạng và tài sản để tham gia các cuộc khởi nghĩa chống quân Pháp xâm lược ngay từ những năm cuối thế kỷ 19, chứ không phải đợi đến cái gọi là “Nam kỳ khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945” mà đảng cộng sản đã rêu rao là do họ tổ chức, nhưng thực chất là đã cướp công trạng của những đảng phái ở miền Nam.
Nhưng dù họ đã nỗ lực sửa đổi lịch sử đến đâu chăng nữa, thì vẫn không thể chối cải được sự thật là nếu không có những cuộc khởi nghĩa của những anh hùng như Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Hoàng Hoa Thám v.v… thì phong trào chống Pháp có lẽ đã bị dập tắt và sẽ không có những thanh niên hay tổ chức yêu nước, như Việt Nam Đồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng, nối tiếp nhau ra đời để tiếp tục chí hướng giành lại độc lập cho VN.
Đáng nói hơn nữa là trong tình thế dầu sôi lửa bỏng hiện nay, người dân Việt càng tỏ ra hoài nghi trước những lời lẽ huyênh hoang của đảng cộng sản về quá khứ “chống Pháp hay chống Mỹ”. Làm sao không hoài nghi cho được khi chủ quyền đất nước liên tiếp bị Trung Cộng xâm phạm, với hàng ngàn ngư dân Việt mỗi ngày bị quân Tàu hà hiếp trên Biển Đông nhưng không thấy bóng dáng của một quân đội tự xưng là “đế quốc nào cũng đánh thắng, kẻ thù nào cũng vượt qua”. Tệ hơn thế nữa là hàng tỷ Mỹ kim bỏ ra để mua một số tàu ngầm của Nga nhưng chỉ để hoạt động trong… vịnh Cam Ranh!

No comments:

Post a Comment