Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Đồng Tâm trình bày sau đây.
CS VIỆT NAM NGỤY BIỆN VỀ TÌNH TRẠNG ĐÀN ÁP NHÂN QUYỀN
Trong hai ngày 11 và 12/3, tại Geneva, Thụy Sĩ, Ủy ban Nhân quyền
Liên hiệp quốc đã tổ chức Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba
của Việt Nam trong việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự
và chính trị (Công ước ICCPR).
Hai ngày điều trần đã được LHQ phát hình trực tiếp, nên người theo
dõi dễ dàng nhận ra là phái đoàn quan chức Việt Nam chỉ thay nhau đọc
lớn các văn bản pháp luật đã được soạn sẵn, và không trả lời trực tiếp
các câu hỏi do các thành viên trong Uỷ ban Nhân quyền LHQ nêu lên.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc, thứ trưởng bộ tư pháp và là người cầm đầu phái
đoàn Việt Nam tại LHQ, tuyên bố là nhà nước Việt Nam đã đưa các
công ước quốc tế vào hệ thống pháp luật tại Việt Nam, điển hình là
trong bản hiến pháp.
Tuy nhiên, các nhà quan sát chính trị trong nước nhận định rằng
những phát biểu của phái đoàn Việt Nam đã không phản ánh sự thật về
những vụ vi phạm nhân quyền cuả nhà cầm quyền CS Việt Nam từ
nhiều năm nay.
DÂN OAN LỘC HƯNG BỊ BÁC ĐƠN XIN MỞ CUỘC HỌP BÁO
Nhà cầm quyền thành Hồ đã bác đơn xin mở cuộc họp báo của giới dân oan vườn rau Lộc Hưng, mà không nêu rõ lý do.
Ông Cao Hà Trực, đại diện cho hàng trăm gia đình Lộc Hưng bị cưỡng
chiếm đất, cho biết là mục đích của cuộc họp báo chỉ nhằm trình bày thực
trạng của vụ chiếm đất đến giới báo chí lề đảng để họ đừng loan tin một
chiều. Ông Trực cho biết thêm là đơn xin họp báo được gửi đi vào hôm
thứ Hai 11/3, nhưng đến trưa thứ Tư 13/3 thì nhận được lệnh cấm tụ
tập họp báo.
Cuộc họp báo dự trù diễn ra vào lúc 2 giờ 30 chiều hôm qua, thứ Tư
13/3, nhưng hai tiếng đồng hồ trước đó, UBND ra lệnh cấm và điều động
hàng trăm công an đến bao vây khu vực Lộc Hưng, không cho phép bất cứ ai
vào tham dự.
NẠN DỊCH TẢ HEO PHI CHÂU BẮT ĐẦU LAN ĐẾN MIỀN TRUNG
Trả lời báo chí vào chiều hôm qua, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An xác
nhận là một ổ dịch tả heo Phi châu vừa được phát giác tại tỉnh này, có
nghĩa là dịch này đã bắt đầu lan đến miền trung sau khi bộc phát tại 15
tỉnh thành miền bắc.
Cùng lúc với các ổ dịch bộc phát tại tỉnh Sơn La, một ổ dịch khác
được phát giác tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, khiến cho 22 con heo
chết vào hôm thứ Ba 12/3
Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Chăn nuôi, tỉnh Nghệ An có
đàn heo lên đến 900 ngàn con, đứng thứ 5 về số lượng heo đang nuôi trên
toàn quốc.
Cũng vào chiều hôm qua, nhà cầm quyền tỉnh Đắc Lắc đã quyết định công
bố dịch bệnh lở mồm long móng ở các trại đang nuôi ở huyện Krông Bông
sau khi có hàng trăm con heo chết vì dịch này. Nhằm ngăn ngừa nạn dịch
lây lan, nhà cầm quyền tỉnh Đắc Lắc đã lập các chốt kiểm soát ở các ngỏ
ra vào huyện Krông Bông.
XÓI LỞ BỜ SÔNG KHIẾN HÀNG CHỤC MẪU RUỘNG BỊ NƯỚC CUỐN TRÔI
Tình trạng xói lở bờ sông ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh, khiến
cho 6 thôn trong toàn xã bị mất hàng chục mẫu ruộng vườn vì bị nước sông
Rào Mốc cuốn trôi trong mấy năm qua. Điền hình là tại thôn Mỹ Thuận có
khoảng 270 gia đình thì có đến 60 gia đình bị thiệt hại vì tình trạng
sạt lở bờ sông, khiến cho nửa mẫu ruộng mất đi mỗi năm.
Theo giải thích của UBND xã Kỳ Sơn, nguyên nhân chính yếu là tình
trạng phá rừng ở thượng nguồn, dẫn đến lũ lụt thường xuyên ở vùng hạ
lưu. Mặc dù người dân nhận lệnh trồng tre ven sông và xây dựng kè đá để
chống xói lở, nhưng vẫn không ngăn được nước sông lấn sâu vào đất liền.
VIỆT NAM RA LỆNH CẤM MÁY BAY BOEING 737 BAY VÀO KHÔNG PHẬN
Theo chân một số quốc gia, vào hôm qua, cục Hàng không Dân dụng Việt
Nam đã ra lệnh cấm các máy bay Boeing 737 Max-8 bay vào không phận
Việt Nam. Lệnh cấm này có hiệu lực từ 10 giờ sáng hôm qua, thứ Tư 13/3.
Hiến nay, các hãng máy bay Việt Nam chưa có loại Boeing 737 Max-8,
mặc dù hãng Vietjet vừa ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 nhân dịp
hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Bắc Hàn ở Hà Nội vào cuối tháng Hai. Đa
số các máy bay loại này là đến từ các hãng hàng không của Nam Hàn, Thái
và Mã Lai chở du khách đến Việt Nam.
NAM DƯƠNG LẠI BẮT GIAM HAI TÀU CÁ VIỆT NAM
Chính quyền Nam Dương vào hôm qua xác nhận là họ đã bắt giam hai
tàu cá Việt Nam với cáo buộc xâm nhập và đánh cá bất hợp pháp trong hải
phận Nam Dương.
Theo lời xác nhận nói trên, một tàu cá Việt Nam bị hải quân Nam
Dương chận bắt vào hôm 8/3 tại một vị trí gần đảo Riau. Qua ngày hôm
sau, thêm một tàu cá Việt Nam bị bắt ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna.
Tổng cộng có hơn 10 ngư dân Việt làm việc trên hai tàu cá này.
Như tin đã loan, hàng trăm tàu cá Việt Nam đã bị bắt giam ở Nam
Dương và các nước láng giềng trong mấy năm qua, với cáo buộc xâm nhập
hải phận. Nguyên nhân dẫn đến việc đánh cá ngoài phạm vi biển nhà
là vì giới ngư dân Việt không thể hoạt động ở Biển Đông vì luôn bị
chiến hạm Trung Cộng tấn công cướp bóc, thậm chí còn húc chìm, gây
chết chóc và thiệt hại nặng về người và tài sản cho ngư dân
Việt.
ĐÀI LOAN SẼ CẤM SỬ DỤNG THIẾT BỊ VÀ NHU LIỆU ĐIỆN TOÁN CỦA TRUNG CỘNG
Các cơ quan an ninh Đài Loan đang cân nhắc đến việc cấm sử dụng các
thiết bị thông tin và nhu liệu điện toán của Trung Cộng tại các bộ sở,
quân đội, cảnh sát và các trường cao đẳng hay đại học.
Theo nhiều nguồn tin từ Đài Loan, các tập đoàn viễn thông Trung
Cộng sắp bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này gồm có: tập đoàn ZTE, là tập
đoàn đã bị Hoa Kỳ cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận. Kế đó là tập đoàn
Hikvision, chuyên cung cấp các thiết bị cho an ninh Trung Cộng để giám
sát các hoạt động của sắc dân Hồi Hột ở Tân Cương. Tập đoàn thứ 3 là
Lenovo, bị cáo buộc là làm việc cho cơ quan tình báo Trung Cộng.
Trong khi cân nhắc lệnh cấm, chính phủ Đài Loan đã khuyến cáo các
bộ, sở phải làm đơn xin phép trước khi mua sắm các thiết bị thông tin từ
nước ngoài, đặc biệt là từ các công ty Trung Cộng.
No comments:
Post a Comment