Kính thưa quý thính giả, lịch sử ghi lại, một vị tướng tài, vừa là
một nhà sáng chế, vừa là một nhà văn. Ông quyết tâm đánh đuổi giặc Minh,
dựng lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc. Mặc dù bại trận, nhưng công trạng
của ông vẫn được ghi vào sử sách. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt
tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Danh Tướng Hồ Nguyên
Trừng” của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương
trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Hồ Nguyên Trừng tự Mạnh Nguyên, biệt hiệu Nam Ông, sinh năm 1374 tại
huyện Vĩnh Phúc, tỉnh Thanh Hóa. Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly và là
anh của vua Hồ Hán Thương, nhưng không kế vị cha làm vua, mà chỉ giữ các
chức vụ Tư đồ, Tả Tướng quốc…
Dưới thời nhà Hồ, quân đội đang phát triển, nghe tin nhà Minh sắp đem quân xâm lấn, Hồ Quý Ly nói với các đại thần: “Làm sao ta có được 100 vạn quân để đánh giặc phương Bắc”.
Cuối năm 1405, Hồ Quý Ly triệu tập một hội nghị để bàn kế sách chống quân Minh. Khi được hỏi, Hồ Nguyên Trừng nói rằng: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”.
Năm 1406, lấy cớ Phù Trần diệt Hồ, vua nhà Minh sai Trương Phụ và Mộc Thạnh mang 80 vạn quân sang đánh nước Việt. Nhiều lần Hồ Nguyên Trừng được giao nhiệm vụ cầm quân ngăn chận.
Ông lập một phòng tuyến chống giặc từ cứ điểm Đa Bang kéo dài theo bờ nam Sông Đà, sông Hồng cho đến sông Ninh, dọc theo bờ sông Luộc, sông Thái Bình đến Bình Than dài trên 400 cây số. Điều này cho thấy rõ ông là một nhà quân sự kiệt xuất.
Ngoài ra, ông cũng sáng tạo ra cách chiến đấu độc đáo như cho làm nhiều dây xích lớn căng qua những khúc sông hiểm trở, kết hợp với quân mai phục trang bị bằng súng có hỏa lực mạnh, khiến cho thủy binh giặc Minh nhiều phen khiếp đảm. Tuy vậy, khi nói về Hồ Nguyên Trừng người dân thường nhắc đến công trạng sáng chế ra súng “thần cơ”. Ông đã chế ra ba loại súng: loại lớn đặt trên lưng voi, loại trung hai người khiêng và loại nhỏ vác trên vai.
Thời ấy, do nhu cầu muốn có nhiều súng trang bị cho các thành trì và các tàu chiến, Hồ Nguyên Trừng phải tổ chức những xưởng đúc súng rất qui mô. Nhờ thông minh và có năng khiếu, ông rút tỉa kinh nghiệm, chế tạo ra được nhiều loại súng có sức công phá mạnh. Ông hiểu rõ về chất nổ nên chế tạo ra loại súng mới gọi là súng “thần cơ”, quân Minh nhiều phen kinh hoàng về loại súng này khi tấn công các tuyến phòng thủ của nước Việt.
Nhưng cuộc kháng chiến chống quân xâm lăng của nhà Hồ đã thảm bại khi quân Minh giương cờ “phù Trần diệt Hồ”, tước đi chính nghĩa của triều đình Hồ Quý Ly.
Sau khi chiến thắng, giặc Minh tịch thu được nhiều súng “thần cơ”, bắt được Hồ Nguyên Trừng nhưng không giết mà áp giải ông về Tàu để chế tạo súng đạn cho triều đình nhà Minh. Kể từ đó, nước Việt rơi vào ách thống trị của nhà Minh.
Trong bộ bách khoa Vân Đài loại ngữ, Lê Quý Đôn nhắc đến một tình tiết: “Quân Minh mỗi khi làm lễ tế súng đều phải tế Nguyên Trừng trước”. Chi tiết này được nhà sử học Trương Tú Dân khẳng định khi ông nghiên cứu các sách sử đời nhà Minh.
Theo Minh sử thì Hồ Nguyên Trừng qua đời vào năm 1446, hưởng thọ 72 tuổi, mộ phần ở thôn Nam An Hà, thuộc Bắc Kinh ngày nay. Tên ông được đặt cho một con đường ở thị trấn Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế) và ở hai quận Hải Châu, Cẩm Lệ thuộc thành phố Đà Nẵng.
Hồ Nguyên Trừng không chỉ là một tướng quân mà còn là một thi sĩ. Một tác phẩm hiện còn lưu lại có tên là Nam Ông mộng lực, gồm 31 thiên. Ở đầu sách, có bài tựa của Hồ Huỳnh, một quan Thượng thư đồng triều với ông viết năm 1440. Cuối sách có bài hậu tự của Tống Chương, một người Việt Nam nhưng làm quan ở triều Minh, viết vào năm 1442.
Trong tập Minh sử có ghi chép nhiều cuộc thử nghiệm của Hồ Nguyên Trừng về các loại súng đạn. Công lao lớn nhất của ông là biến các cây đại pháo trở thành thứ vũ khí tiên tiến, có sức công phá mạnh, được xem là các “quả đấm công thành”, dễ di chuyển và dễ dàng xử dụng. Ban đầu ông chỉ huy việc chế tạo và đúc súng mới, sau đó, công việc chế tác của ông được nhà Minh tập hợp lại viết thành binh thư “Thần cơ thương pháo pháp”, xem đó như một tác phẩm kinh điển về súng ống.
Sách Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng đời Minh viết: “Súng thần cơ có được gần đây, dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài trăm bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến”.
Súng thần cơ của Hồ Nguyên Trừng nhanh chóng trở thành vũ khí chiến lược, giúp nhà Minh bảo vệ bờ cõi. Trấn trạch ký văn của Vương Ngao ghi chép rằng: “Khi Thành Tổ thân chinh Mạc Bắc dùng súng thần An Nam, kẻ địch tiến lên đều trúng đạn mà chết”. Còn theo Minh Hiến Tông thực lục thì“đánh thắng địch là dựa vào súng thần cơ, thứ mà kẻ địch sợ nhất”.
* * *
Đọc sử Việt và sử Tàu, không ai là không than tiếc cho một con người tài ba như Hồ Nguyên Trừng, đã không có cơ hội phục vụ cho quê hương, bị buộc phải phục vụ cho kẻ thù phương Bắc, tạo thêm sức mạnh cho quân Minh đi chinh chiến khắp nơi.
Nhưng điều đáng phục nhất là câu nói đầy dõng dạc của ông với vua cha Hồ Quý Ly khi quân Minh tràn sang nước Việt: “Thần không sợ đánh, mà chỉ sợ lòng người không thuận”. Là một người con chí hiếu, một người anh sẵn sàng nhượng ngôi vua cho em, Hồ Nguyên Trừng biết rõ là việc cha mình cướp ngôi nhà Trần đã khiến lòng dân ly tán, khó có thể đoàn kết để chống trả quân xâm lăng mượn chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”. Và thực tế chứng minh là ông đã nói đúng. Với cả trăm vạn quân, cộng với vũ khí tinh xảo do ông sáng chế, nhưng quân Việt vẫn thảm bại, dẫn đến một thời kỳ đen tối của dân tộc dưới sự thống trị của giặc phương Bắc.
Điều này cho thấy rõ là “thành cũng do dân” và “bại cũng do dân”. Đầu nhà Trần, quân dân Đại Việt đã oanh liệt đánh bại quân Nguyên – Mông. Nhưng cuối đời Trần, lại thảm bại dưới tay quân Minh dù có vị tướng tài ba như Hồ Nguyên Trừng!
Nhưng điều an ủi là dân tộc VN có quyền hãnh diện vì tên tuổi Hồ Nguyên Trừng, một chuyên gia chế tạo súng đạn đầu tiên đã đi vào lịch sử thế giới.
No comments:
Post a Comment