Monday, March 18, 2019

Tin Tức: Thứ Hai 18.3.2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức với Vân HàMiên Dương.

1)  CÔNG AN HÀ NỘI PHỦ NHẬN VỤ ĐÁNH CHẾT DÂN TRONG ĐỒN
Sở công an Hà Nội vào hôm 13/3/2019 đã gửi thông báo đến gia đình nạn nhân Hoàng Tuấn Long, nội dung cho biết là ông Long chết vì bạo bệnh chứ không phải bị đánh chết sau một tuần lễ bị nhốt trong trại giam số 1.
Cần nhắc lại, ông Hoàng Tuấn Long 40 tuổi, qua đời vào sáng ngày 24/8/2018 sau khi được đưa đến bệnh viện Hà Đông ở Hà Nội, sau một tuần lễ bị áp giải về đồn công an phường Thổ Quan, quận Đống Đa, với cáo buộc tàng trữ ma túy. Ngay sau cái chết của ông Long, giới công an tuyên bố là ông này cắn lưỡi tự tử vì “hối hận về những hành động của mình”.
Thế nhưng trong thông báo gửi cho gia đình vào tuần qua, cơ quan điều tra lại khẳng định là nạn nhân bị bạo bệnh và không hề có hành động đánh đập nào ở đồn công an.

2)  CỰU PHÓ THỦ TƯỚNG ĐỨC GỐC VIỆT MUỐN VỀ VIỆT NAM ĐỂ LÀM VIỆC
Cựu phó thủ tướng Đức gốc Việt, ông Philipp Rosler, đã chấp nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để về Việt Nam trợ giúp các công ty trong việc phát triển kinh doanh.
Vào hôm 15/3, sau khi gặp gỡ ông Phúc, ông Rosler đã đồng ý làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, một cơ quan đầu tư vào kỹ thuật cao và cho vay vốn kinh doanh.
Ông Rosler lần đầu tiên về Việt Nam vào năm 2006 để đi tìm vị nữ tu, từng chăm sóc ông lúc sơ sinh ở một cô nhi viện tại tỉnh Sóc Trăng. Ra đời vào năm 1973, ông Rosler mồ côi cha mẹ và được một gia đình người Đức nhận nuôi khi mới 9 tháng tuổi. Ông tốt nghiệp y khoa ở Đức và trở thành một bác sĩ giải phẫu nổi tiếng, trước khi tham gia chính trường và trở thành phó thủ tướng của nước Đức vào năm 2011.
Trong các thông điệp trên mạng, ông Rosler tuyên bố là sẽ tận dụng những kinh nghiệm mà ông có được để trợ giúp cho giới doanh nhân Việt Nam.

3)  DÂN NUÔI HEO Ở TỈNH ĐỒNG NAI Ồ ẠT BÁN THÁO VÌ SỢ DỊCH TẢ PHI CHÂU
Lo ngại bị nạn dịch tả heo Phi châu ảnh hưởng, giới nuôi heo ở tỉnh Đồng Nai đang ồ ạt bán tháo heo đang nuôi và tạm ngưng gầy các lứa mới.
Tỉnh Đồng Nai được xem là vựa nuôi heo lớn nhất nước, với đàn heo lên đến 2 triệu rưởi con. Tuy nhiên suốt một tháng qua, giới nuôi heo càng lúc càng lo lắng vì không chỉ có nguy cơ dịch tả heo lan đến, mà còn vì giá heo cũng đang giảm từng ngày, từ 50 ngàn đồng một ký sau Tết, nay chỉ còn 43 ngàn đồng, và sẽ còn sụt giá thêm trong vài ngày tới.
Trong khi đó, lượng heo vận chuyển từ miền bắc vào miền nam cũng giảm mạnh. Lý do là dịch tả heo Phi châu ngày càng lan rộng khiến người dân không dám mua thịt heo, cộng với thịt heo bị mất giá nên việc bán heo vào miền nam không có lời.

4)  GIỚI TRỒNG TIÊU Ở BÌNH ĐỊNH LAO ĐAO VÌ GIÁ TIÊU QUÁ THẤP
Giá tiêu đang giảm mạnh, từ 10 Mỹ kim xuống còn 2 Mỹ kim một ký, khiến giới trồng tiêu ở tỉnh Bình Định có nguy cơ phá sản dù chưa vào mùa thu hoạch.
Từ mức hơn 10 Mỹ kim một ký vào năm 2016, giá tiêu đã rớt xuống còn 2 Mỹ kim vào năm ngoái. Chính vì thấy giá cao, giới nông dân Bình Đình đã đổ xô đi trồng tiêu trong mấy năm qua. Mặc dù không thể so với các tỉnh ở Tây Nguyên, nhưng Bình Định hiện có gần ngàn mẫu vườn trồng tiêu. Thế nhưng với giá quá thấp hiện nay, tiền bán tiêu không đủ để thuê công nhân hái tiêu.
Trả lời báo chí về lời cầu cứu của nông dân, giám đốc Sở Nông Nghiệp Bình Định, cho biết là rất khó đáp ứng việc điều động bộ đội giúp hái tiêu, vì “trung ương không có chính sách này”.

5)  TÂN TÂY LAN TƯỞNG NIỆM 50 NẠN NHÂN BỊ THẢM SÁT Ở NHÀ THỜ HỒI GIÁO
Một buổi lễ tưởng niệm 50 nạn nhân bị bắn chết tại 2 nhà thờ Hồi giáo đã diễn ra vào hôm qua, Chủ nhật 17/3, tại công viên Hagley của thành phố Christchurch, cách không xa 2 nhà thờ này.
Trước đó một ngày, thứ Bảy 16/3, Thủ tướng Tân Tây Lan, bà Jacinda Ardern, cũng đến thăm gia đình các nạn nhân bị hung thủ Brenton Tarrant, 28 tuổi nổ súng bắn chết tại hai nhà thời Hồi giáo vào hôm thứ Sáu 15/3.  Tất cả các nạn nhân đều là di dân đến từ các nước như: Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Pakistan, Afghanistan, Ai Cập, Somalia và Indonesia.
Là một quốc gia hiền hòa và dân số chưa đến 5 triệu người, người dân Tân Tây Lan vẫn còn bàng hoàng trước vụ thảm sát đẫm máu này.

6)  DÂN THÁI LAN ĐI BẦU SAU 5 NĂM QUÂN ĐỘI ĐẢO CHÁNH NẮM CHÍNH QUYỀN
Vào hôm qua, Chủ nhật 17/3, người dân Thái Lan đã xếp hàng trước các phòng phiếu để chọn lựa các vị đại biểu đại diện của mình trong tân quốc hội. Đây là cuộc tuyển cử quốc hội lần đầu tiên, sau 5 năm sống dưới sự cai trị của tập đoàn quân phiệt Thái Lan.
Phải mất vài tuần mới có kết quả bầu cử, nhưng theo nhận định của giới quan sát viên quốc tế thì đây là cuộc đối đầu giữa phe dân chủ và phe quân đội cầm quyền. Dĩ nhiên, triển vọng phe dân chủ thắng rất khó, vì theo hiến pháp mới do tập đoàn quân phiệt soạn thảo thì quốc hội Thái sẽ dành 160 ghế cho phe quân đội trong tổng số 500 ghế của quốc hội. Hơn nữa, một số chính đảng cũng bị giải thể hay bị cấm ra tranh cử, nên phe ủng hộ dân chủ rất khó được đa số ghế.

7)  VENEZUELA CÀNG THÊM HỖN LOẠN VÌ KHÔNG CÓ ĐIỆN NƯỚC
Người dân Venezuela càng thêm khốn đốn trong mấy ngày qua vì tình trạng cúp điện, khiến nguồn nước sạch không thể bơm vào hệ thống cung cấp.
Kể từ hai tuần trước, nhiều nhà máy cung cấp nước sạch cho các thành phố lớn đã ngừng hoạt động vì bị cúp điện. Người dân ở thủ đô Caracas phải tự đi tìm nguồn nước xung quanh, từ các hồ nước công cộng cho đến các sông suối ở vùng đồi núi ngoại thành.
Vào cuối tuần qua, nhà độc tài Nicolas Maduro cáo buộc là Mỹ và một số nước đã mở cuộc tấn công mạng lưới cung cấp điện nước của Venezuela, nhưng lại không trưng ra được bằng chứng nào. Trong khi đó, Tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaidó kết án ông Maduro là đã điều hành quá kém suốt nhiều năm qua, thiếu tu sửa bảo trì mạng lưới điện nước nên dẫn đến thảm nạn như hiện nay.

No comments:

Post a Comment