Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh và Bá Cơ trình bày sau đây.
1) YÊU CẦU THÁI LAN VÀ VIỆT NAM TRẢ LỜI VỀ VỤ BẮT GIỮ ÔNG TRƯƠNG DUY NHẤT
Trong thông cáo đưa ra vào hôm qua, thứ Năm 21/3, tổ chức Ân xá Quốc
tế kêu gọi nhà cầm quyền Thái Lan và Việt Nam trả lời về vụ nhà báo
Trương Duy Nhất bị mất tích sau khi làm đơn xin tỵ nạn chinh trị ở
Bangkok và hiện nay lại bị giam giữ tại Hà Nội.
Tổ chức ÂXQT hoài nghi là ông Nhất đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ
theo yêu cầu của Hà Nội rồi sau đó chuyển giao cho phía Việt Nam.
Sau hai tháng ông Nhất bị mất tích, gia đình bất ngờ nhận được tin là
ông đang bị giam cầm tại trại giam tù chính trị T16 ở huyện Thanh Oai –
Hà Nội. Giới chức trại giam xác nhận với vợ ông Nhất, bà Cao Thị Xuân
Phượng, chồng bà bị đưa đến trại này vào ngày 28/1, tức hai ngày sau khi
ông Nhất được loan báo là mất tích tại Bangkok.
Bà Phượng cũng bị quản lý trại tù từ chối cho gặp mặt chồng, với
lý do là phải điều tra thêm, nhưng không nói rõ là điều tra về chuyện
gì. Chính vì thế trong thông cáo, Ân xá Quốc tế yêu cầu Việt Nam phải
cho phép ông Nhất có luật sư đại diện, và nếu không có bằng chứng kết
tội thì phải trả tự do ngay lập tức.
2) VIỆT NAM TỪ CHỐI BAN HÀNH TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ DỊCH TẢ HEO PHI CHÂU
Cục Thú y Việt Nam vào hôm qua đã bác bỏ lời kêu gọi của Tổ chức
Lương nông Quốc tế về việc ban hành lệnh khẩn cấp về dịch tả heo Phi
châu để đẩy mạnh nỗ lực trấn áp dịch này.
Lý do bác bỏ đề nghị này, theo cục Thú y Việt Nam, là vì điều này
chưa cần thiết, mặc dù thừa nhận là dịch này lan nhanh, hiện có 20
tỉnh thành đang bị dịch tả heo Phi châu hoành hành. Tính đến hôm qua,
hơn 40 ngàn con heo đã nhiễm bệnh, phải mang đi tiêu hủy. Thế nhưng cục
thú y Việt Nam cho rằng dịch bệnh này không lây sang người, do đó
không cần ban hành lệnh báo động khẩn cấp.
Theo tin đã loan, vào đầu tuần này, Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO)
kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên
toàn quốc về dịch tả heo Phi châu, nhằm khuyến cáo giới nuôi heo gia
tăng đề phòng dịch này để giảm thiểu mức thiệt hại.
3) BỘ Y TẾ VIỆT NAM RA LỆNH NGƯNG KHÁM BỆNH SÁN HEO Ở TỈNH BẮC NINH
Trong khi hàng ngàn gia đình tiếp tục đưa trẻ em đi khám nghiệm bệnh
sán heo, bộ Y tế Việt Nam vào hôm qua bất ngờ gửi thư yêu cầu nhà cầm
quyền tỉnh Bắc Ninh ngưng lấy máu xét nghiệm về bệnh này.
Theo giải thích của ông Nguyễn Việt Tiến, thứ trưởng bộ Y tế, thì lý
do đưa ra mệnh lệnh nói trên là nhằm ngăn chặn làn sóng phụ huynh ồ ạt
đưa con em đi xét nghiệm vì nghe theo các tin đồn thất thiệt. Trong công
văn, bộ Y tế Việt Nam giải thích là “mặc dù kết quả xét nghiệm là
dương tính thì không thể khẳng định là đã nhiễm bệnh sán heo, mà phải
chờ đến khi nào xuất hiện triệu chứng thì mới xác định được!”
Trong khi đó, sở Y tế Bắc Ninh cho biết là tính đến ngày 18/3, có
tổng cộng 3500 trẻ em đã được lấy máu xét nghiệm, với 225 trẻ em được
xác nhận là nhiễm khuẩn sán heo.
Cũng liên quan đến bệnh sán heo thì vào hôm qua, một phụ nữ đã bị
công an tỉnh Lạng Sơn bắt giam sau khi bà này loan tin trên mạng là bệnh
sán heo ở Bắc Ninh đã lan sang các tỉnh thành kế cận. Phụ nữ này trở
thành người thứ 4 bị bắt giam khi loan tải các tin tức về bệnh này.
4) 8 HỌC SINH CHẾT ĐUỐI Ở KHÚC SÔNG ĐÀ THUỘC TỈNH HÒA BÌNH
10 học sinh ở thành phố Hòa Bình rủ nhau xuống đá banh tại bãi cát
bên sông Đà, đã sa xuống vùng nước xoáy khiến 8 em bị chết đuối, 2 em
khác may mắn bơi được lên bờ nên thoát chết.
Tai nạn thương tâm nói trên xảy ra vào lúc 3 giờ chiều hôm qua, thứ
Năm 21/3, tại bến Thịnh Minh thuộc phường Thịnh Lang, thành phố Hòa
Bình. Đến 4 giờ chiều, giới cứu nạn đã vớt được thi thể của 8 học sinh,
trong độ tuổi từ 9 đến 15 tuổi. Khúc sông nơi xảy ra tai nạn là khúc cua
của sông Đà, rộng chừng 600 thước, cách đập thủy điện Hòa Bình khoảng 2
cây số. Khúc sông này không chảy xiết nhưng có một hố sâu và nước xoáy
rất mạnh.
5) DÂN TÀU LÀM CHỦ HÀNG CHỤC ĐƯỜNG DÂY CHO VAY CẮT CỔ Ở VIỆT NAM
Trong số 40 đường dây cho vay cắt cổ nổi tiếng tại Việt Nam, có 10
đường dây là do công dân Trung Cộng làm chủ, theo tiết lộ của các chuyên
gia tài chánh Việt Nam.
Theo tiết lộ nói trên, các dịch vụ này tràn sang Việt Nam sau khi
bị nhà nước Trung Cộng trấn áp mạnh mẽ. Các đường dây này sử dụng
mạng lưới internet, người vay không cần gặp mặt vẫn được vay tiền. Các
đường dây đã mọc lên như nấm kể từ năm 2017, với tổng số tiền vay mượn
tính đến cuối năm 2018 là hơn 11 tỷ Mỹ kim.
Dịch vụ cho vay trực tuyến nói trên đã mọc lên như nấm ở Hoa Lục suốt
thập niên qua. Vào lúc cao điểm có đến 3500 đường dây trên mạng, với
tổng số tiền cho vay lên đến 218 tỷ Mỹ kim.
6) NHẬT BẢN MỞ PHIÊN XÉT XỬ BĂNG ĐẢNG TRỘM CẮP NGƯỜI VIỆT
Tòa án Nhật đã bắt đầu phiên xét xử một phụ nữ Việt Nam 30 tuổi,
được giấu tên, với cáo buộc cầm đầu một đường dây trộm cắp hàng hóa tại
nhiều cửa tiệm, và đã có hơn 38 vụ được thực hiện vào năm ngoái.
Nhật báo Japan Today, trích dẫn cáo trạng của tòa án quận Fukuoka,
cho biết là phụ nữ nói trên đã trộm cắp hơn 2200 món hàng, tổng trị giá
hơn 58 ngàn Mỹ kim. Mặc dù tòa án giấu tên nhưng cảnh sát cho biết phụ
nữ này là một thực tập sinh Việt Nam, thường đi dạo các cửa tiệm với
một ba lô khá lớn trên lưng, có thể dấu đến 150 món đồ ăn cắp.
Giới cảnh sát Tokyo cho biết thêm là phụ nữ trên thuộc một băng đảng
gồm 6 người Việt, tất cả đều đến Nhật theo diện thực tập sinh về lảnh
vực công nghiệp.
7) CÁC ĐẠI HỌC MỸ ĐANG TẨY CHAY THIẾT BỊ HOA VI VÀ VIỆN KHỔNG TỬ
Sau nhiều năm được Trung Cộng tài trợ, các đại học danh tiếng của Mỹ
bắt đầu đoạn tuyệt quan hệ với tập đoàn viễn thông Hoa Vi và siết chặt
hoạt động của các viện Khổng Tử.
Một nhật báo Hồng Kông cho biết là các đại học nổi tiếng của Mỹ như
Stanford và Berkeley đã quyết định cắt đứt quan hệ với Hoa Vi, trong khi
giới học giả đang từ xa lánh các viện Khổng Tử do Trung Cộng tài trợ
phí tổn xây dựng và hoạt động ở các đại học Mỹ dưới chiêu bài “trao đổi
văn hóa và kiến thức lịch sử”.
Các cuộc tẩy chay nói trên xuất phát từ các tố cáo của chính phủ
Donald Trump về nguy cơ gián điệp trong các thiết bị Hoa Vi, và sự xâm
nhập của giới tình báo Trung Cộng trong các đại học để đánh cắp các dữ
liệu về quốc phòng, kinh tế và kỹ thuật của Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment