Kính thưa quý thính giả, một danh sĩ thời vua Lê Thế Tông được
xem là một trí thức có tâm huyết và có tấm lòng yêu nước thương dân. Tuy
sống trong thời buổi suy vi điên đảo, nhưng vẫn tin tưởng ở tương lai
sáng lạn của đất nước, vẫn tin tưởng sức người có thể đổi loạn thành
trị, cứu nguy thành an…. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này,
chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Quận Công Phùng Khắc Khoan” của
Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát
thanh tối hôm nay.
Phùng Khắc Khoan, hiệu Nghị Trai, tự Hoằng Phu, sinh năm 1528 ở xã
Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Năm 30 tuổi, ông dự khoa thi Hương
mở ở xã Đa Lộc, huyện Yên Định và đỗ Thủ khoa. Chúa Trịnh Kiểm nhận thấy
tài năng của ông nên bổ ông làm quan. Tuy phục vụ cho chúa Trịnh, nhưng
ông vẫn trung thành với nhà Lê. Khi triều đình Lê – Trịnh trở về Thăng
Long, Phùng Khắc Khoan giữ nhiều chức vụ quan trọng.
Khi lên ngôi, các vua Mạc đã tỏ ra yếu hèn, quỳ lụy và tiến cống để mong được vua quan nhà Minh che chở. Nhà Minh đòi vua Lê phải lên tận Nam Quan để duyệt các giấy tờ, xem Lê Thế Tông có đúng là con cháu nhà Lê hay không.
Tháng 2 năm Đinh Mẹo, Đỗ Uông và Nguyễn Văn Giai lại lên ải Nam Quan thăm dò tình hình nhưng việc không thành. Tháng 3, Lê Thế Tông phải kéo đại quân sang Bằng Tường hội khán với các quan nhà Minh. Nhà Minh hống hách, quan nhà Minh thường ăn đút lót của nhà Mạc, gây khó khăn cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong hoàn cảnh khó khăn này, vua Lê đã cử Phùng Khắc Khoan đi sứ sang Tàu lúc tuổi đã 70. Trước đó, ông cũng đã được cử đi sứ hai lần vào năm 1597 và 1606.
Sứ bộ Phùng Khắc Khoan đến biên giới, quan nhà Minh không cho nhập cảnh với lý do chúng chỉ biết nước Nam do nhà Mạc cai trị, chưa công nhận nhà Lê. Phùng Khắc Khoan đã đấu lý mới được cho qua.
Sau đây là vài hàng miêu tả Phùng Khắc Khoan của sứ thần Triều Tiên tên Lý Chi Phong:
“Sứ thần họ Phùng tên là Khắc Khoan, tự hiệu là Nghị Trai, tuổi ngoại 70, hình dáng lạ lùng, răng nhuộm đen, tóc vận thành búi, áo dài, ống tay rộng. Khăn đội trên đầu thì lấy cả khổ vải đen trùm lên đầu như dáng khăn ông sư, để một nửa rũ về đằng sau, xuống quá vai. Ông họ Phùng, người tuy đã già, sức còn khỏe, thường đọc sách và luôn viết sách…”.
Bằng tài năng của mình, sứ thần Phùng Khắc Khoan đã nhanh chóng nắm vững được thể loại thơ nhà Minh đương thời, đàm đạo văn chương, ứng đáp các câu đối, trở thành một người bạn trên văn đàn của họ. Tuy chưa đạt được mục đích xin phong vương nhưng đây cũng là một thắng lợi, vua quan nhà Minh đã phải xem nhà Lê là chính thống.
Khi ông về nước, chúa Trịnh Tùng kính trọng tài năng và khí phách của ông, gọi ông là Phùng tiên sinh. Một phái đoàn do Đỗ Uông dẫn đầu đã lên tận Nam Quan để đón ông về nước. Vua Lê qua sông Cái đón ông về kinh đô.
Sau đó ông được phong làm Thượng thư bộ Hộ, rồi chuyển sang nắm bộ Công, tước Mai Lĩnh hầu, sau được phong tước Mai Quận công.
Khi về hưu ở tuổi gần 80, ông thường cùng các bạn thơ văn vân du ngọn núi Thầy (Sài Sơn) và có xây hai nhịp cầu ở bên hồ một ngôi chùa gần đó gọi là Nhật Tiên kiều và Nguyệt Tiên kiều.
Ông tổ chức đào kinh dẫn nước từ núi Thầy, đưa về tưới các cánh đồng ở Phùng Xá, Hoàng Xá. Chính ông cũng là người phổ biến nghề dệt lụa cho dân làng Phùng Xá và đem giống ngô bắp về trồng ở vùng sông Đáy.
Ông mất năm 1613, hưởng thọ 85 tuổi. Người dân Phùng Xá và các vùng lân cận đã lập đền thờ ông, người mà dân gian gọi là Trạng Bùng.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là một trong số những danh nhân tiêu biểu nhất của nước Việt ở thế kỷ thứ 16, một thế kỷ vô cùng rối ren và phức tạp về chính trị, khi nhà Mạc với nhà Lê liên tục tranh giành quyền lực mà lịch sử thường gọi là thời Nam – Bắc triều.
Vào cuối đời, Phùng Khắc Khoan đã đạt đến đỉnh cao trên quan trường như chức Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hộ với tước Mai quận công. Ông được xem là một trong số công thần bậc nhất trong công cuộc trung hưng nhà Lê.
Dân chúng rất mến mộ và kính trọng ông, gọi ông là Trạng Bùng. Ngoài ra, Phùng Khắc Khoan còn được người đời sau vị nể vì để lại một di sản thơ văn với gần 500 tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, thuộc nhiều thể loại: thơ từ, văn bia, văn tựa, văn tế…
Khi qua đời vào năm 1613, thọ 85 tuổi, ông được triều Lê truy tặng Thái phó, ban thụy là Nghị Trai, được dân chúng tôn làm phúc thần.
Nhiều năm qua, khi nhắc đến lịch sử VN, nhiều người cho rằng dân tộc Việt thường đề cao các võ tướng với những chiến công hiển hách. Thậm chí có người còn cho rằng, chính vì quá đề cao truyền thống chống giặc ngoại xâm nên đất nước VN trải qua vô số cuộc chiến khiến dân tộc điêu linh.
Thế nhưng nếu bình tâm đọc lại lịch sử thì sẽ thấy là VN có vô số những văn thần đã có công rất lớn trong việc mang lại thái bình thịnh trị cho đất nước. Chính họ, chứ không phải là các võ tướng, đã mở mang dân trí, phục hưng kinh tế ngay cả trong các thời loạn lạc, mà Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là một điển hình được lịch sử trân trọng ghi nhận về các đóng góp to lớn của ông khi đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Lẽ ra với số tuổi đó, Trạng Bùng đã về quê trí sĩ, an hưởng tuổi già, thế nhưng vì danh dự quốc gia, vì quan niệm “trung với nước”, ông đã phải lặn lội sang Tàu để chứng minh cho triều đình nhà Minh biết rằng “Nam quốc sơn hà nam đế cư” và được giới văn thần Trung Hoa thán phục vì văn tài của ông.
Ít nhất thì so với các sứ thần cộng sản VN ngày nay, chỉ biết cúi đầu vâng dạ trước lời dạy dỗ vô cùng trịch thượng của giới lãnh đạo Tàu Cộng, thì Trạng Bùng rất xứng đáng để được người dân Việt tôn thờ vì không chỉ bảo vệ uy tín của đất nước mà còn giúp nâng cao đời sống của dân chúng qua việc phổ biến nghề dệt vải và trồng thêm hoa màu.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment