Thưa quý thính giả, Một chế độ độc tài toàn trị chỉ
muốn và đã biến người dân thành các phế nhân câm điếc trước
những cư xử tàn bạo, vô nhân đạo, đầy thú tính của công an và
an ninh mặc sắc phục lẫn thường phục. Trong tiết mục Chuyện Nước
Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa
đề: “Thời bình, tôi vừa “câm” lại vừa “điếc” của Mây Phan sẽ được
Quê Hương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
15/08/2018: Tôi đã nghe gì và thấy gì?
Tôi được anh mời đến nghe những bản nhạc của ngày xưa cũ, của một thời vàng son. Quả thật, đó là những ca khúc thật mượt mà lại quá da diết:
Đọc thư em hay hờn hay dỗi,
trách tôi yêu tay súng hơn nàng.
Vì sao yêu sa trường hiểm nguy
hơn phố phường với bao chiều lang thang…
20:30 Không gian ấm cúng của đèn vàng, guitar nhẹ nhàng cùng với giọng ca ngọt ngào của anh mang đến những hoài niệm thật đẹp về Sài Gòn. Tôi nhìn thấy xung quanh mình những ánh mắt say sưa khi họ hướng về sân khấu nhỏ, có ánh mắt trẻ thơ, có người trẻ, người trung niên và có cả những bác tóc đã bạc trắng. Rất khó để có thể kéo nhiều thế hệ vào chung một giai điệu như thế! Tôi chắc chắn đó là điều mà những người thực hiện chương trình rất tự hào!
20:40 Tôi nghe tiếng xôn xao nơi cửa ra vào của khán phòng! Tôi vẫn nghe tiếng ca của anh! Tự tin và ngọt ngào!
Tôi thấy nhiều ngừoi bịt khẩu trang, tôi thấy nhiều máy quay phim và điện thoại đang chĩa về sân khấu nhỏ nơi anh đang đứng! Tôi thấy nhiều người mặc đồng phục họ tự xưng là “bên văn hoá, bên kinh tế, công an phường 7 quận 3!” Tôi thấy họ bịt kín, bao vây lối ra ở cửa, ở cầu thang! Tôi lại thấy sân khẩu nhỏ band nhạc vẫn đánh, anh vẫn hát… và họ chơi say sưa hơn cả lúc mở màn!
Tôi nghe anh nói xin lỗi vì phải kết thúc chương trình lúc 21:30 (quá nhanh vì khán giả nghe được 1 giờ đồng hồ), mọi người cùng nhau ra về, không ai bảo ai, cùng hướng về phía cửa, tôi thấy Chị đẩy cửa cho mọi người ra và bị đá vào bụng té ngã nhào, tôi thấy một người đàn ông đánh lại họ, tôi thấy sự xô xát bạo lực.
Bên cạnh cảnh xô đẩy, tôi nghe tiếng khóc của trẻ con, nghe mọi người la lên: công an đánh người, nghe những tiếng bụp bụp như trên võ đài, nghe tiếng la hét “sao lại đánh tôi? Sao phải mang chứng minh khi đi nghe nhạc ?” Và… tôi nghe chính giọng nói của mình khi bị một công an mặc sắc phục kéo giật lại: “sao anh lại giữ tôi?” Chưa bao giờ tôi nghe giọng mình cứng đến thế!
22:00 Tôi thoát được ra ngoài cùng với một vài anh chị lớn, câu nói duy nhất tôi nghe được “anh vẫn ở quán”.
01:00 Tôi nghe cuộc điện thoại từ giọng nói thân thuộc, chỉ vội báo một địa điểm nào đó, và tôi thấy một vị trí được gửi qua từ messenger quen thuộc
01:30 Tôi nhận được điện thoại từ một giọng nói xa lạ: “chị ơi, anh lúc nãy gọi nhờ điện thoại bị công an xã bắt đi rồi”, cùng lúc tín hiệu vị trí anh gửi vô hiệu.
Tôi nghe lòng mình bất an!
2:00 Tôi đến được gần công an xã Tân An Hội sau hơn 60km, con đường tìm anh không gian nan nhưng khó khăn vì đường quá vắng và tối, xung quanh là rừng cao su, trước mắt tôi cảnh tượng anh bị đạp khỏi xe 7 chỗ lăn như một trái banh xuống đường, tôi nghe lòng mình bất an!
2:30 Tôi đến công an xã, từ xa tôi đã nhìn thấy bóng dáng quen thuộc ấy, không còn cái dáng vẻ cao cao, ánh mắt phiêu cùng những giai điệu đẹp, tôi chỉ nhìn thấy đôi chân trần đỏ tấy, hẳn anh đã phải vượt qua nhiều con đường nhựa lẫn cỏ rạp, đôi mắt sưng húp đỏ ngầu bên ngoài xanh tím, xung quanh đầu tím như tụ máu bọc ra sau vành tai xuống tận cổ, hai cổ tay tụ máu, tôi đoán anh bị trói chặt như thế nào!
Tôi nghe lại những gì anh đã trải qua, lòng tôi đau như ai cắt, thương anh vì tình người, tình đồng bào với nhau!
Tôi vẫn nghe những giai điệu vàng xen lẫn những tiếng la hét bên tai
Tôi vẫn thấy những con người Sài Gòn ngồi xem nhạc ôn hoà bên cạnh những tên côn đồ tàn bạo dã man
Như một nỗi ám ảnh
Cám ơn anh Nguyễn Tín vì một đêm Sài Gòn đầy kỷ niệm.
Mây Phan.
No comments:
Post a Comment