Thursday, August 23, 2018

Phải Chăng Chính Người Lớn Đã Dạy Trẻ Em Gian Lận?

Chuyện Nước Non Mình

Liên tục chương trình, qua chuyên mục Chuyện Nước Non Mình, mời quý thính giả theo dõi bài viết: “Phải Chăng Chính Người Lớn Đã Dạy Trẻ Em Gian Lận?” của tác giả Hoàng Thương Lễ, sẽ được Quê Hương trình bày sau đây.
Thưa các bác Người lớn,
Trẻ con sinh ra không biết gian lận, chính người lớn dạy chúng cháu gian lận.
“Kinh khủng quá. Vụ này mà không bị phát hiện/ thì đẻ ra cả một thế hệ lừa lọc gian dối còn gì”.

Đấy là các bác Người lớn đang nói thế về vụ gian lận điểm ở Hà Giang. Nhưng chúng cháu thưa, các bác lo như vậy là sai. Vì thực ra, “thế hệ” gian dối, lừa lọc đã tồn tại từ lâu. Chính là các bác đấy thôi. Ai gian lận điểm thi lần này? Chính là các bác người lớn. Mà vụ này cũng không phải vụ đầu tiên.
Cách đây 6 năm, vào năm 2012, từ khóa “Đồi Ngô, Bắc Giang” đã chiếm lĩnh thị trường thông tin thi cử, với những hình ảnh ghi cảnh giám thị ném phao thi, tiếp tay hoặc tận tay đưa đáp án vào phòng thi cho học sinh chép. Bốn mươi hai cán bộ, giáo viên, nhân viên bị xử lý kỷ luật. Chủ tịch Hội đồng coi thi tốt nghiệp Trung Hoc Pho Thong ở điểm thi Đồi Ngô bị cách chức. Hiệu trưởng, hiệu phó trường Đồi Ngô bị giáng chức. Sáu giáo viên, nhân viên bị sa thải. Từ bảo vệ đến giám thị, thanh tra điểm thi đều có liên quan. Phó chủ tịch hội đồng thi là Phó hiệu trưởng Trường Đồi Ngô/ trực tiếp ném bài cho thí sinh. Thậm chí, trước ngày thi, chính nhà trường còn chụp hình và bán “phao” cho thí sinh. Trong những kỳ thi trước, các phụ huynh đã bắc thang trèo tường để đưa đáp án vào phòng thi cho con/ bất chấp giám thị và công an đứng bên ngoài.
Ngược lại tiếp 6 năm nữa, vào năm 2006, điểm thi Nam Đàn 2 – Nghe An được gọi là “điểm loạn thi” /do người dân ném phao thi vào cho con em đến mức hỗn loạn. Do họ bọc tờ giấy đáp án vào đá rồi ném nên có người đã bị thương. Thậm chí, trước ngày thi nhà trường đã phải tháo cả mái tôn nhà để xe của học sinh xuống, “vì nếu không tháo thì phụ huynh sẽ nhảy vào giẫm nát mất” khi tìm cách ném phao thi cho con em. “Giám thị không dám làm căng vì sợ người nhà thí sinh hành hung. Các giáo viên đến đây phải ăn ở trong dân, từ trường muốn ra bên ngoài/ chỉ có hai con đường nhỏ. Nếu họ làm nghiêm khắc rất dễ bị trả thù/ vì tại đây từng diễn ra việc người nhà thí sinh ném đá hành hung giám thị, thậm chí đánh cả công an bảo vệ”- ông Nguyễn Công Trị, chủ tịch hội đồng thi ở đây đã kể trong bản tường trình như vậy. Bảy mươi lăm giáo viên coi thi ở đây thừa nhận/ họ chịu sức ép từ bên ngoài nên sợ, không dám bảo vệ phòng thi nghiêm ngặt.
Cũng trong năm 2006, tỉnh Hà Tây xử lý lại tám lãnh đạo hội đồng “loạn thi”. Tại điểm thi Phú Xuyên A, Chủ tịch Hội đồng thi bị cách chức hiệu trưởng. Bảy cán bộ còn lại bị kỷ luật.
Đó chỉ là vài vụ điển hình và “kém công nghệ”. Công nghệ cao rồi thì 6 giây bài, được lộ liễu bày ra ngay trong phòng hội đồng thi, trước mũi thanh tra.
Nhưng những việc đó đều là do Người lớn làm hết đấy chứ?
Xin hỏi Người lớn, các bác có gian lận trong thi cử không? Nếu không, sao lại có bằng giả, đến mức nó được gọi là vấn nạn? Các bác có gian lận trong thể thao, như gian lận tuổi của vận động viên không, gian lận tỉ số trận đấu không? Có gian lận khoa học không, khi cả nước biết có những “nhà khoa học tên tuổi”/ hóa ra lại chính là những kẻ ăn cắp trí tuệ của học trò mình hay của những người khác? Có gian lận trong việc khai báo thiệt hại khi địa phương bị thiên tai không? Có gian lận trong việc cương quyết xin giữ “danh xưng” địa phương nghèo để yên ổn nhận trợ cấp của chính phủ? Có gian lận cây xăng, trốn thuế, làm hàng gian hàng giả không? Có gian lận, chạy chức, để một người không đủ khả năng và điều kiện/ đảm nhiệm một chức vụ quan trọng nhưng vẫn được nhận? Có gian lận trong quyết toán công trình xây dựng, trong bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội? Thậm chí, trong các cơ quan mang tính cầm cân nảy mực như công an, viện kiểm soát, tòa án… cũng có những người gian lận pháp luật. Nhỏ bé nhưng thường xuyên trông thấy nhất/ là những nhân viên Nhà nước gian lận thời gian làm việc, gian lận tài nguyên, điện nước của cơ quan. Lái taxi thì gian lận tiền của khách, gian lận đường đi, thậm chí trả tiền âm phủ cho khách nước ngoài.
Các bác hãy trả lời chúng cháu, vì sao nhìn đâu cũng thấy gian lận, Lĩnh vực nào cũng đầy gian lận, Vì sao gian lận từ hàng chục năm rồi, gian lận từ năm này sang năm khác/ mà mỗi năm lại mỗi phát triển bền vững và lên một tầm cao mới như thế?
Các bác Người lớn lo sẽ đào tạo ra một thế hệ gian lận nhưng các bác quên rằng trẻ con sinh ra không biết gian lận. Chính Người lớn dạy chúng cháu cách gian lận, khai sáng cho chúng cháu con đường gian lận, chỉ vẽ chúng cháu cách thức gian lận, kích thích chúng cháu gian lận bằng những lợi ích tiền tài vật chất, danh vọng, quyền lực. Chính người lớn để bảo đảm cho hệ thống gian lận của mình được trôi chảy và vững chắc, lại tiếp tục cám dỗ và đe dọa những con người vừa mới bước vào đời phải ghi danh vào những hệ thống gian lận đó, nếu không sẽ bị văng ra ngoài, mất việc, mất chức, mất quyền, mất tiền để nuôi thân. Nếu Người lớn không tự mình làm những tấm gương đục, chúng cháu làm sao có thể biến thành một “thế hệ gian dối và lừa lọc”, như các bác đang lo ngại?
Các bác có nghĩ điều này không: khi các bác đang lo lắng cho thế hệ sau là chúng cháu/ thì thế hệ trước của các bác cũng đã nhiều năm lo lắng vì sự “gian dối, lừa lọc” của không ít người trong thế hệ các bác rồi.
Chúng cháu nói có sai điểm nào không, thưa các bác Người lớn?
Cho nên, lo ngại cho chúng cháu là thừa và ít nhiều là oan uổng. Chúng cháu còn nhỏ, rất nhiều non nớt và vấp váp, rất nhiều điều cần bắt chước, rất nhiều điều chỉ nhìn vào hành xử xã hội để tạo thành quan điểm sống cho mình. Nếu những Người lớn là thầy cô, cha mẹ, lãnh đạo… sống và làm việc lương thiện, công chính, chúng cháu sẽ nối bước công chính và lương thiện. Nếu các bác đã viết sẵn những dòng lệch lạc, làm sao chúng cháu có thể đi thẳng? May mắn trong năm nay là nhờ có mạng xã hội rộng lớn/ giúp thổi bùng dư luận, lôi kéo sự quan tâm của xã hội, giám sát việc xử sự của các bác, buộc các bác phải nghiêm khắc/ để trong trường học sau này không còn cảnh láo nháo và châm biếm kiểu “học tài thi phận”.
Chúng cháu tin, với sự việc này, các bạn có tên trong cái danh sách xấu hổ kia/ đã học được một bài học đầu đời cay đắng nhưng cần thiết. Và các bạn ấy cần được tha thứ, cần được dạy dỗ đúng đắn từ các bác, từ xã hội, để bước được vào đời trên con đường ngay thẳng. Và điều chúng cháu mong mỏi hơn nữa/ là các bác phải đưa được những kẻ gian lận lâu năm trong mọi lĩnh vực ra trừng phạt xứng đáng, để làm trong sạch xã hội, để chúng cháu lớn lên có một môi trường an toàn để mà làm người tử tế trong ấy.
Nếu không thì chúng cháu lo rằng/ trước sau gì lại đến một ngày/ lại tiếp tục chép miệng than vãn cho một thế hệ tiếp theo đầy giả dối, lọc lừa … như các bác đã than vãn bấy nay thôi.
Chúng cháu cảm ơn.
Cháu Việt Nam.
Hoàng Thương Lễ

No comments:

Post a Comment