Wednesday, August 22, 2018

Tin tức ngày thứ Tư, 22 tháng 08, 2018

Tin Tức

NGUYỄN VĂN HÓA VÀ NGUYỄN VIẾT DŨNG LÃNH ĐÒN THÙ VÌ PHẢN CUNG.
Hai tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng đã bị công an đánh đập và hành hạ trong tù sau khi phản cung, phủ nhận mọi tội lỗi mà đảng csVN áp đặt lên đầu nhà đấu tranh Lê Đình Lượng trong phiên tòa ngày 16/8.

Theo lời kể của ông Nguyễn Viết Hùng, phụ thân của ông Nguyễn Viết Dũng, thì sau ngày phản cung tại tòa, đám cai tù ở trại Nghi Kim đã tước quyền thăm nuôi của gia đình. Khi bị gia đình chất vấn, đám cai tù tuyên bố thẳng thừng là anh Viết Dũng đã “không thành khẩn trong phiên tòa xét xử ông Lượng”.
Cần biết là hai anh Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng đã bị công an ép buộc phải ký vào biên bản tố cáo ông Lượng là đã có những hành vi “hoạt động lật đổ chế độ”. Nhưng khi ra tòa làm nhân chứng vào ngày 16/8, cả hai tố cáo là bị ép cung, nhưng quan tòa vẫn tuyên án ông Lê Đình Lượng 20 năm tù và 5 năm quản chế.

UỶ BAN BẢO VỆ KÝ GIẢ KÊU GỌI CÔNG AN VN NGƯNG ÉP CUNG NGƯỜI DÂN.

Trong thông cáo đưa ra vào hôm thứ Hai 20/8, Ủy ban Bảo vệ Ký giả lên án việc bạo quyền VN hành hung và ép buộc anh Nguyễn Văn Hóa phải tố cáo ông Lê Đình Lượng, phát ngôn nhân hội Anh em Dân chủ. Thông cáo trích lời Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Hóa, khẳng định ông Hóa đã bị công an đánh đập trong tù.
Chính vì thế, thông báo của Ủy ban Bảo vệ Ký giả cũng kêu gọi bạo quyền Hà Nội phải đình chỉ các vụ tra tấn và ép buộc những người bất đồng chính kiến phải thú tội, đồng thời phải trả tự do cho những nhà báo lề dân đang bị cầm tù với các cáo buộc ấm ớ như “tuyên truyền chống phá chế độ”.
Cần nhắc lại, vào tháng 11 năm ngoái, nhà báo Nguyễn Văn Hóa 23 tuổi bị bạo quyền Nghệ An kết án 7 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ” chỉ vì thực hiện những phóng sự về thảm họa Formosa và trợ giúp các nạn nhân của thảm họa này. Anh bị bắt giam sau khi quay cảnh hàng chục ngàn người dân biểu tình trước cổng nhà máy Formosa và đưa lên mạng vào tháng 10 năm ngoái.

ĐẾN PHIÊN BOT BẾN LỨC BỊ NGƯỜI DÂN CHỐNG ĐỐI.
Hơn một chục gia đình sinh sống gần BOT Bến Lức ở tỉnh Long An đã kéo đến bao vây, không cho thu lộ phí và yêu cầu bồi thường các hư hỏng về nhà cửa trong khi xây dựng BOT này. Cuộc xuống đường đã gây tê liệt giao thông hơn một tiếng đồng hồ ở hai đầu trạm.
Theo than phiền của các gia đình nói trên thì khi làm đường, các xe cộ hạng nặng của nhà thầu đã làm lún đất, nứt tường nhà cửa của họ nhưng đến nay vẫn chưa bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, chủ nhân BOT Bến Lức cho biết là họ đã giám định mức thiệt hại và đề nghị bồi thường từ 20 đến 70 triệu đồng nhưng các gia đình này không chấp nhận vì giá đền bù quá thấp.
Cần biết là BOT Bến Lức nằm trên tuyến đường nối tỉnh lộ 824 và tỉnh lộ 10 của Sài Gòn và bắt đầu thu lộ phí từ tháng 6 vừa qua.

NHIỀU KHU VỰC Ở NGHỆ AN BỊ NGẬP NẶNG VÌ THỦY ĐIỆN Ồ ẠT XẢ LŨ.

Cho đến chiều hôm qua, nhiều xã thôn của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, vẫn ngập sâu vì đập thủy điện Bản Vẽ tiếp tục xả lũ với lưu lượng 2 ngàn thước khối mỗi giây.
Mặc dù thời tiết khô ráo trong ba ngày qua nhưng 35 thôn xóm thuộc 11 xã của huyện Thanh Chương vẫn bị cô lập, hàng ngàn căn nhà và gần 4 ngàn mẫu ruộng bị chìm trong nước. Tại xã Thanh Xuân, người dân phải dùng ghe thuyền đi lại trên con đường chính của xã.
Trong khi đó, giới khí tượng dự đoán là các tỉnh miền Trung sẽ hứng chịu cơn nóng bức trong vài ngày tới, với nhiệt độ tại một số nơi có thể vượt qua mức 37 độ C.

MÃ LAI BẮT GIỮ MỘT LƯỢNG LỚN SỪNG TÊ GIÁC TRÊN ĐƯỜNG VẬN CHUYỂN VỀ VN.

Giới hữu trách Mã Lai vừa bắt quả tang một lượng lớn sừng tê giác đang trên đường chuyển về VN.
Vụ khám phá và bắt giữ diễn ra vào hôm 13/8 tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur, với 50 sừng tê giác và 9 xác gấu, hổ và báo. Theo ước tính thì số hàng cấm này có trị giá khoảng 12 triệu Mỹ kim, tất cả đều có xuất xứ từ châu Phi. Số hàng này được ghi rõ nơi nhận là một địa chỉ ở thành phố Hà Nội.
Giới chức Mã Lai cho biết là cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol sẽ cùng tham gia cuộc điều tra về vụ mua bán bất hợp pháp này.

BẮC VÀ NAM HÀN SẼ THÁO GỠ HÀNG CHỤC ĐỒN BÓT Ở BIÊN GIỚI.

Bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn, Song Young- moo, vào hôm qua loan báo là hai miền Nam Bắc sẽ tháo gỡ hàng chục đồn bót dọc theo biên giới hai nước nhằm củng cố niềm tin cậy lẫn nhau. Tiến trình này cũng phù hợp với thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo Nam Bắc đã ký kết tại Bàn Môn Điếm vào tháng 4 vừa qua.
Trong phần trình bày trước quốc hội, ông Song Young-moo cho biết là các đồn bót nằm cách nhau chưa đầy một cây số sẽ được tháo gỡ trước nhưng không nói rõ là chúng sẽ bị dẹp bỏ vĩnh viễn hay không.

TIỆP KHẮC TƯỞNG NIỆM 50 NĂM BỊ LIÊN XÔ ĐÀN ÁP CUỘC NỔI DẬY 1968.

Vào hôm qua, thứ Ba 21/8, người dân hai nước Cộng Hòa Czech và Slovakia đã làm lễ tưởng niệm 50 năm Liên Xô xua quân vào Tiệp Khắc để đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy được lịch sử gọi là “Mùa xuân Prague 1968”.
Tuy nhiên Tổng thống Czech Milos Zeman, người có chủ trương thân Nga, không tham dự một buổi lễ tưởng niệm nào. Trái lại thì Tổng thống Slovakia, Andrej Kiska, lại có một bài diễn văn quan trọng về biến cố đẫm máu này.
Cần nhắc lại, vào năm 1968, người dân Tiệp Khắc đã đồng loạt nổi dậy lật đổ chế độ cộng sản do Alexander Dubcek lãnh đạo. Nhận được sự cầu cứu của ông Dubcek, quân đội Liên Xô đưa nhiều sư đoàn và thiết giáp tràn vào thủ đô Prague để đàn áp, với hàng ngàn người bị giết hại hay phải đào tẩu sang các nước khác.

MÃ LAI HỦY BỎ CÁC DỰ ÁN VỚI TRUNG CỘNG VÌ SỢ BỊ VỠ NỢ.
Trong cuộc họp báo vào hôm qua tại Bắc Kinh, Thủ tướng Mã Lai Mahathir Mohamad cho biết ông đã giải thích với giới lãnh đạo Trung Cộng là việc hủy bỏ các dự án với Trung Cộng là vì lo sợ bị vỡ nợ.
Hai dự án lớn nhất mà ông Mahathir tuyên bố hủy bỏ ngay lập tức là dự án đường sắt và dự án đường ống dẫn khí đốt ở miền đông Mã Lai, có tổng phí tổn xây dựng hơn 20 tỷ Mỹ kim. Ông Mahathir nêu lý do là mức tăng trưởng kinh tế của Mã Lai đã chậm lại, ngân sách quốc gia đang thâm thủng nặng nề nên có nhiều nguy cơ không thể trả được các khoản nợ vay mượn để xây dựng hai công trình này.

No comments:

Post a Comment