Thưa quý thính giả, Liên kết với khối Liên Âu và khởi động
chiến tranh kinh tế với Trung Cộng là sách lược kinh tế mới của TT Hoa
Kỳ Donald Trump.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Trump hòa Âu Châu, cự Trung Cộng” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Trump hòa Âu Châu, cự Trung Cộng” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tổng Thống Donald Trump chắc đang bắt đầu theo kế của Khổng Minh Gia Cát Lượng!
Khi giao cho Quan Vân Trường trấn thủ Kinh Châu, Khổng Minh dặn dò:
“Bắc cự Tào Tháo, Đông hòa Tôn Quyền”. Vân Trường quên lời của quân sư,
đánh nhau với cả hai, thành mất mà mạng sống cũng không giữ được.
Bài học trong truyện Tam Quốc là: Không nên đánh nhau với hai đối thủ cùng một lúc.
Tổng Thống Trump đã gây chiến, chiến tranh mậu dịch, với hầu hết các
nước. Phía Bắc là Canada, phía Nam là Mexico, nhưng đó là những nền kinh
tế nhỏ. Ông còn muốn tấn công 2 đối thủ kinh tế mạnh nhất nằm bên kia
bờ các đại dương: Phía Tây có Trung Quốc, phía Đông là Liên Hiệp Châu Âu
(EU). Vũ khí ông dùng là quan thuế, thuế đánh trên hàng nhập cảng từ
các nước này.
Sau cuộc gặp gỡ với ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy Hội Châu Âu,
ông Trump đã theo kế Khổng Minh: Hòa với phía Đông để lo đối phó mặt
Tây, nước Tàu ở bên kia Thái Bình Dương.
Những điều Juncker và Trump thỏa hiệp giúp cho 2 bên đều có thể tuyên
bố thắng lợi. Nhưng được lợi nhất là nền kinh tế nước Mỹ, Châu Âu và cả
thế giới. Chỉ cần 2 bên tuyên bố ngưng chiến, các xí nghiệp sẽ yên tâm
đầu tư lâu dài thay vì đợi coi cuộc chiến sẽ tới đâu. Các công nhân sẽ
bớt lo mất việc, và người tiêu thụ không lo giá cả sẽ tăng.
Ông Juncker có thể tuyên bố thắng lợi vì những điều chính mà 2 bên
đồng ý cũng là những điều kiện của Liên Hiệp Châu Âu từ 2 tháng trước,
khi họ muốn Mỹ đừng đánh thuế nhập cảng trên thép và nhôm. Chỉ có một
thay đổi, là EU hứa sẽ mua đậu nành, một món quà tặng riêng cho Tổng
Thống Trump.
Phía bên này, Tổng Thống Trump cũng có quyền tuyên bố thắng lợi vì
ông Juncker đã hứa Châu Âu sẽ mua đậu nành của Mỹ. Ngày hôm sau, ông
Trump đã đem thành tích này ra khoe với các nhà trồng đậu nành ở các
tiểu bang miền Trung Tây. Họ đang lo lắng vì đậu nành xuống giá, và sang
năm chưa biết biết trồng gì thay thế. Có nhà xuất cảng đậu nành Mỹ phải
đổ xuống biển các bao đậu nành trên một chuyến tàu, chỉ vì con tàu đến
bến Đại Liên chậm mấy tiếng sau khi Bắc Kinh áp dụng thuế trả đũa. Người
mua từ chối nhận hàng vì phải đóng thuế quan thì giá tăng lên 25% ngay
lập tức, trong khi họ có thể mua đậu nành từ Brazil, không phải đóng
thuế. Nay ông Trump trấn an các trại chủ đậu nành: Châu Âu là khách hàng
mới. Ông Juncker dễ dàng chấp nhận yêu cầu của ông Trump, vì các nước
Châu Âu lâu nay vẫn không đánh thuế đậu nành, cũng không trợ cấp các nhà
nông trồng đậu nành, trong khi đánh thuế nặng trên các nông sản khác
mua từ Mỹ.
Tổng Thống Trump cũng có thể tuyên bố thắng lợi khi Châu Âu hứa sẽ
mua khí đốt lỏng (LNG) từ nước Mỹ. Khi qua Bruxelles họp khối NATO, Tổng
Thống Trump đã chỉ đích danh nước Đức là đã lệ thuộc khi mua quá nhiều
khí đốt của Nga – mua hơn 50% số khí dùng.
Nhưng các nước Châu Âu cũng biết họ không thể tùy thuộc quá vào nguồn
khí đốt do Nga cung cấp, vì khi cần đến ông Putin có thể khóa ống dẫn
khí để tạo áp lực. Hai nước cựu Cộng Sản láng giềng của Nga là Poland và
Lithuania cũng đang xây những bến cảng đặc biệt để tiếp nhận LNG. Cho
nên, từ Tháng 5 vừa qua, EU đã đề nghị sẽ mua khí đốt của Mỹ.
Mua khí đốt bây giờ là đúng lúc, vì giá dầu lửa thế giới đang lên
cao, khí đốt sẽ cạnh tranh dễ dàng hơn. Nhưng chính phủ Mỹ và 28 nước
Châu Âu không đứng ra mua bán, công việc này hoàn toàn do tư nhân quyết
định. Ngay trong nội bộ Châu Âu, mỗi nước cũng có nhu cầu và chủ trương
riêng. Đức muốn cùng Mỹ xóa bỏ hết thuế quan, vì họ sống giầu nhờ xuất
cảng. Pháp thì đặc biệt muốn bảo vệ các nhà nông, bằng cách hạn chế thị
trường nông sản. Vì vậy, việc thực hiện những lời hứa của ông Juncker
với ông Trump sẽ cần nhiều tháng, có thể nhiều năm mới thực hiện được.
Tuy nhiên, ai cũng thấy vụ EU mua đậu nành và khí đốt lỏng làm thỏa mãn
cả hai bên, EU thì không mất gì hết, còn Tổng Thống Trump thì được ghi
một thành tích.
Một điều khác làm Châu Âu hài lòng, là Tổng Thống Trump sẽ hoãn,
không đánh thuế 25% trên xe hơi nhập cảng từ Đức, Pháp, Ý hay Anh trong
mấy tháng tới nữa, trong khi hai bên thương lượng việc xóa bỏ quan thuế
trên các mặt hàng công nghiệp khác. Tổng Thống Trump than phiền xe hơi
Mỹ đánh thuế quan 10%, gấp bốn lần suất thuế Mỹ đánh trên xe hơi từ Châu
Âu. Ông chỉ lờ đi không tiết lộ rằng Mỹ đánh thuế 25% trên các xe tải
và SUV mua vào, để bảo vệ thị trường cho các công ty xe ở Mỹ, khi bán xe
tải họ kiếm lời gấp bội so với bán xe hơi.
Một tin mừng cho kinh tế thế giới là Tổng Thống Trump đồng ý hai khối
Mỹ và EU sẽ cùng sử dụng WTO, tổ chức Mậu Dịch Thế Giới, trong việc đối
phó với Trung Quốc. Trước đây, ông Trump coi WTO là một tổ chức hoàn
toàn bất lợi cho Mỹ. Hai khối sẽ hiệp lực trong cuộc tấn công vào các
thủ đoạn của Cộng Sản Trung Quốc nhằm đánh cắp các sản phẩm trí tuệ khi
cộng tác với các công ty Âu Mỹ.
Trong cả năm qua, khi những lời đe dọa chiến tranh mậu dịch của Tổng
Thống Trump khiến thế giới lo ngại, thì Trung Cộng đã làm đủ cách chia
rẽ Mỹ với các nước Châu Âu cũng như Nam Hàn và Nhật Bản. Bây giờ ông
Trump đã theo kế Khổng Minh: Ngưng chiến với Châu Âu, để có thể cùng tấn
công Trung Cộng!
Trong khi đó Bắc Kinh đã chuẩn bị một cuộc chiến tranh mậu dịch
“trường kỳ” bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế để đáp lại tình
trạng xuất cảng tụt xuống. Những biện pháp cũ kỹ này, chỉ có tính vá víu
nhất thời, không biết sẽ giúp Trung Cộng cầm cự được bao lâu.
Nhưng một hậu quả tức thời là Tập Cận Bình phải tạm ngưng công việc
cải tổ cơ cấu nền “kinh tế bao cấp” mà ông đã hô hào từ khi nhậm chức.
Ngưng cải tổ, tức là nước Tàu tiến chậm hơn, sẽ khó vươn lên thành một
cường quốc kinh tế đầy đủ thực lực./.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment