Kính thưa quý thính giả, vua Trần Anh Tông được ca ngợi là vị
hoàng đế nổi tiếng anh minh, sáng suốt trong lịch sử Việt Nam. Ông và
vua cha là Trần Nhân Tông đều được sử sách ghi lại là nhà chính trị
giỏi. Hai ông là tấm gương sáng trong việc bảo vệ đất nước và là đây là
niềm tự hào của dân tộc Việt … Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần
này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Vua Trần Anh Tông” của
Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát
thanh tối hôm nay.
Vua Trần Anh Tông tên là Trần Thuyên, sinh ngày 25/10/1276. Ông là
con của vua Trần Nhân Tông và bà Khâm Từ Bảo Khánh Hoàng Hậu. Ông lên
ngôi vào tháng 4 năm 1293, lấy niên hiệu là Hưng Long, là vị hoàng đế
thứ tư của triều Trần. Đến tháng 4 năm 1314, ông nhường ngôi cho con là
Trần Mạnh (tức vua Trần Minh Tông) lên làm Thái Thượng Hoàng.
Năm 1293, vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt sai Thượng thư Bộ binh Lương Tằng ép ông sang chầu. Ông cáo bệnh không đi, chỉ cử Đào Tử Kỳ đi triều cống. Hốt Tất Liệt nổi giận giam Đào Tử Kỳ và chuẩn bị đưa quân xâm lược Đại Việt. Tuy nhiên, việc chuẩn bị chưa hoàn tất thì Hốt Tất Liệt qua đời, tân hoàng đế Nguyên Thành Tông ra lệnh bãi binh và trả Đào Tử Kỳ về nước nên việc ngoại giao 2 nước Nguyên – Việt trở lại bình thường.
Sau năm 1294, tình hình biên giới phía Bắc tương đối ổn định, nhưng ở phía Tây Nam, ông phải đối mặt với các cuộc xâm lấn của Ai Lao. Tháng 8 âm lịch năm 1294, Thượng hoàng Trần Nhân Tông thân chinh đi dẹp loạn. Mở màn trận đánh, đoàn quân tiên phong của Đại Việt bị quân Ai Lao vây đánh. Tướng Phạm Ngũ Lão phải thúc quân phá vòng vây, sau đó đánh tan quân Ai Lao, được tuyên dương công trạng và thưởng binh phù bằng vàng.
Năm 1298, quân Ai Lao tràn sang chiếm sông Chàng Lang, ông điều quân phản công và chiếm lại lãnh thổ.
Đến tháng 3 năm 1301, một lần nữa Ai Lao tấn công Đà Giang. Theo lệnh ông, Phạm Ngũ Lão đem quân tới Mường Mai phá tan đạo quân Ai Lao. Do chiến công này, Phạm Ngũ Lão được phong chức Thân vệ Đại tướng quân.
Tháng 6 âm lịch năm 1306, ông đồng ý gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân. Huyền Trân về Chiêm Thành và được phong làm hoàng hậu. Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý cho Đại Việt. Ông đổi tên châu Ô thành châu Thuận và châu Rý thành châu Hóa. Dân Chiêm ở hai châu này không chịu phục tùng, nên ông sai Đoàn Nhữ Hài đến thu phục nhân tâm. Thông qua các biện pháp như bổ nhiệm quan tước, phân phát ruộng đất và xá thuế nhiều năm cho dân địa phương, Đoàn Nhữ Hài đã ổn định an ninh tại vùng đất phía Nam.
Một năm sau hôn lễ của Huyền Trân, Chế Mân qua đời vào tháng 5 năm 1307. Ông sai Hành khiển Trần Khắc Chung sang viếng tang, cứu Huyền Trân đưa xuống thuyền về Đại Việt.
Giống như các tiên đế, ông là một Phật tử mộ đạo. Năm 1299, ông xuất gia và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, giáo hội thống nhất đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Ông đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của giáo hội này, qua việc khuyến khích các thiền sư phái Trúc Lâm thuyết pháp ở nhiều nơi, vận động hoàng gia cúng dường tiền của, vật liệu xây chùa, tháp.
Ông sáng tác thơ văn và có nhiều tác phẩm có giá trị. Chính ông là người đã khuyến khích các cao tăng như Nhị tổ Pháp Loa, Quốc sư Liễu Minh, thuyết giảng kinh sách Phật giáo và Thiền tông tại nhiều nơi như chùa Tư Phúc (Thăng Long) và am Thường Lạc (Thiên Trường).
Đồng thời, ông cũng dựng nhiều tượng Phật lớn và kêu gọi vương hầu cống hiến hàng trăm mẫu ruộng cho các trung tâm tu học.
Các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư đều ca ngợi Trần Anh Tông là vị vua có tính khiêm tốn, hòa nhã với mọi người. Đặc biệt, ông rất sáng suốt, thận trọng về hình phạt và quyết đoán mọi việc của triều đình.
Trong thời ông trị vì, nước Đại Việt phát triển hưng thịnh, dù phải chống lại nhiều đợt xâm lấn của quân Ai Lao ở phía Tây. Ông còn ngăn chận quân Nguyên xâm lăng ở phương Bắc và mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Sau khi nhường ngôi cho con vào năm 1314, ông vẫn tiếp tục hỗ trợ việc triều chính.
Ông đặt quy chế mới về trang phục cho bá quan văn võ, chú trọng việc chiêu hiền đãi sĩ, mở khoa thi Thái học sinh tìm nhân tài giúp nước. Ông đã giữ vững và tạo sự hưng thịnh về chính trị, kinh tế và văn hóa cho nước Đại Việt. Ông được triều thần tôn tặng danh hiệu Ứng Thiên Quảng Vận Nhân Minh, Thánh Hiếu Hoàng Đế.
Với 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, nhà Trần đã lập nhiều công lao cho đất nước. Đặc biệt là hội nghị Diên Hồng, một hội nghị biểu hiện yếu tố vì dân, có giá trị với ý niệm “dân chủ” mà về sau được xác lập trong lịch sử cận đại.
Diên Hồng là tên cung điện trong Hoàng thành Thăng Long thời nhà Trần, nơi Thượng hoàng Trần Thánh Tông tổ chức hội nghị, mời các vị bô lão từ làng xã khắp nơi trong nước về tụ hội để bàn về quyết sách trước hiểm họa xâm lăng của giặc Tàu phương Bắc. Quyết sách được định đoạt tại hội nghị này chỉ là sự lựa chọn nên “hòa” hay “chiến”. Kết quả, tất cả đều đồng lòng “quyết chiến”. Từ đó hai chữ “Diên Hồng” đã trở thành biểu trưng cho ý chí thống nhất của một dân tộc, thể hiện sự đồng tâm giữa triều đình và dân chúng.
Và vua Trần Nhân Tông đã để lại lời nhắn nhủ như một di chúc cho đời sau: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”.
Trong giai đoạn Tổ quốc lâm nguy hiện nay, hội nghị Diên Hồng và di chúc của vua Trần Nhân Tông còn mang ý nghĩa như một nguyên lý, tạo nên sức mạnh “đồng tâm” rất cần thiết trong mục tiêu tranh đấu cho nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt trước nguy cơ “Hán hóa” của Tàu cộng phương Bắc.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment