Thi ca yêu nước đã chuyên chở nhiều vần thơ nốt nhạc đấu tranh thật
bi hùng, tiêu biểu như “Đất Nước Tôi” của Trúc Hồ, “Thức Dậy Đi Em” của
Nguyên Thạch, “Chúng Đi Buôn” của Phan Văn Hưng. Đặc biệt, giữa những
tiếng nói bi hùng đó, còn trổi lên những vần điệu chua chát mỉa mai
đượm mùi “tiếu lâm”, cười ra nước mắt, mang tựa đề “Hết Thuốc Chữa”.
Bài thơ không đề tên tác giả, chỉ biết Dogiap (Dogiap.com) là người đã chuyển tải lên mạng bài thơ cùng với bức hoạt họa “Mỹ Nhân và Ác Qủy” (Beauty and the Beast) có lời chú “Ta yêu sự ngây thơ của nàng”. Vào thơ, tác giả đã cho người con gái tự xưng là thiếp mở lời hỏi chàng mang tên Trung một cách ngây ngô:
Trung ơi! Cho thiếp hỏi chàng:
Thiếp đâu có đẹp dịu dàng như Nga
Cũng không giàu giống Qatar…
Tại sao chàng vẫn cứ sà vào yêu?
Trung là ai? Đó chính là Trung quốc được nhân cách hóa. Thiếp xin tự thú mình chẳng đẹp gái quyến dũ như nàng bạch Nga, hay giàu có sang cả như nàng Qatar. Không hiểu sao chàng cứ sà vào nàng, rồi yêu nàng say đắm?
Hỏi ngây ngô, thì trả lời cũng thật dí dỏm. Chàng âu yếm gọi nàng là Việt, chính là Việt Nam nhân cách hóa. Chàng Trung với thiếp Việt gắn bó như “sơn thủy tương liên”, hay như “chim liền cánh, cây liền cành!” Chàng đã không dấu nổi cảm xúc trước nét đẹp ngây thơ, nói đúng hơn là ngu ngơ của nàng Việt, như đứa trẻ thơ dại mà cô giáo Lam đã thốt lên một cách mỉa mai: “Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn, Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm”:
Việt ơi! Nàng chớ hỏi nhiều
Tuy em không đẹp yêu kiều, mộng mơ
Nhưng ta yêu nét ngây thơ
Ngây thơ đến mức ngu ngơ của nàng
Thế chẳng phải là chửi xéo đó sao? Bị chửi xéo là ngu ngơ mà Việt Nam vẫn không biết thẹn biết nhục. Thôi thì cũng phải cám ơn em, rằng ta đã tỏ thái độ sỗ sàng mà em vẫn không trách cứ, sẵn sàng bỏ qua, lại còn đem cả gia tài của mẹ dâng hiến cho ta, mặc cho con cái la làng than khóc vì mất biển mất đất. Hoàng sa Trường Sa đã nghiễm nhiên thuộc về ta cũng chính nhờ em :
Bao phen ta lỡ sỗ sàng
Thế nhưng em vẫn nhẹ nhàng bỏ qua
Còn dâng ta cả song Sa
Mặc cho con cái lu loa khóc gào!
Ta đã chiếm đoạt thân xác em từ đầu đến chân; Nhưng lạ thay! Em không hề chống cự, lại tự hiến cho ta những vùng màu mỡ nhất, qúy báu nhất gọi là “Đặc Khu”, những vị trí chiến lược ta hằng mong muốn, giúp ta làm chủ cả biển Đông. Ta thật hài lòng thỏa mãn đến ngạc nhiên:
Thân em ta cũng sờ vào
Đầu, chân, ngực, rốn… chỗ nào cũng ngon
Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn…
Nàng đều bịt miệng các con, dâng mình
Bịt miệng các con bằng đàp áp. Khóa miệng các con bằng luật An Ninh Mạng để khỏi la làng chống đối. Hiển nhiên nàng coi trọng ta hơn cả con cháu, đến nỗi con cháu tức giận gọi nàng là “Con đĩ Mỵ Châu”, lên án nàng là “hèn với giặc, ác với dân” cũng dễ hiểu đó thôi.
Nàng dư biết con cái phẫn uất, vì đất nước đã lọt vào tay ngoại bang, lại còn bị bịt miệng không được nói lên tiếng nói của công lý và sự thật. Hàng ngàn bàn chân đã xuống đường chống bán nước. Hàng vạn bàn tay đã dương cao biểu ngữ đòi chủ quyền. Hàng triệu con tim đang phẫn uất trước tương lai đen tối của đất nuớc..Sợ mất lòng chàng Trung, nàng Việt đã đóng vai Mỵ Châu để rót vào tai Trọng Thủy những lời tình tứ đầy hứa hẹn ngọt ngào:
Trung ơi! Chàng quả có tình
Để em chờ đợi tình hình bớt căng
Em cho chàng 99 năm
Chàng tha hồ đến ăn nằm với em!
Thật bỉ ổi! Tổ tiên dặn dò con cháu đừng để một tấc đất lọt vào tay giặc. Dân Việt cũng đang xác quyết không nhượng đất cho giặc dù một ngày! Thế mà Hà Nội lại tự nguyện đem những vùng qúy giá nhất trên thân thể mẹ Việt Nam hiến cho giặc dày xéo cả 99 năm một cách thỏa thích! Thế là đời cha, đời con và đời cháu Việt tộc sẽ trở thành bộ tộc nô lệ Tàu chệt:
Thích gì chàng cứ dựng lên
Các con khóc mãi cũng quen thôi mà
Mai sau thống nhất một nhà
Con chàng – con thiếp đều là họ Trung!
Tự nguyện hiến dâng và đồng hóa với ngoại tặc là tội phạm đáng nguyền rủa muôn đời. Nhưng tủi hổ thay! Đó lại chính là niềm hãnh diện của bọn con hoang Chiêu Thống. Không đánh mà thắng. Bất chiến tự nhiên thành. Thế là anh Trung phải cám ơn em Việt đúng theo xảo ngôn 4 Tốt: “Láng giềng tốt, đối tác tốt, bạn bè tốt và đồng chí tốt!” Thật mỉa mai đến nghẹn lời!
Cảm ơn nàng nhé Việt cưng
Anh thề suốt kiếp chẳng ngừng yêu em !
Mong trời xe chỉ, kết duyên
Vợ chồng Trung – Việt đổi tên thành Tàu!
Việt Khang có muộn màng khi hỏi “Việt nam tôi đâu?”. Nguyên Thạch có chậm chân khi cảnh tỉnh “Thức dậy đi em” không? Một khi “Vợ chồng Trung -Việt đổi tên thành Tàu!” đất Việt bị xóa tên thì thử hỏi hồn Việt có còn không? Đau đớn thay! Nhục nhã thay!
Tác giả ẩn danh, nên chúng ta có thể xếp bài thơ “Hết thuốc chữa” vào dòng văn chương dân gian châm biếm chế độ. Cũng như tác giả ẩn danh, người bình dân Việt Nam đã từng kể tội bán nước của bọn Việt gian:
Công lao xương máu năm nào
Bây giờ lãnh đạo đem trao cho Tàu
Người bình dân cũng đã lên án thái độ vọng ngoại, rủ nhau lấy chồng Tàu, học tiếng Tàu:
Nơi nơi dân học tiếng Tàu
Tíu na má nị đâm đầu lấy Hoa
Hận lũ bán nước, dân Việt đã uất nghẹn thốt ra thành lời mắng chửi thậm tệ:
Tiên sư cộng sản Việt Nam
Suốt đời bán cả giang san cho Tàu..
Qủa là hết thuốc chữa, bởi lẽ dân Việt có thể đẩy lui ngoại xâm như Trưng Vương đuổi Hán, Lê Lợi dẹp Minh, Hưng Đạo thắng Nguyên và Quang Trung phá Thanh. Nhưng một khi dân Việt tự nguyện hiến thân cho giặc, tự đồng hóa với kẻ thù thì qủa là hết thuốc chữa, bởi lẽ đất Việt không còn, mà hồn Việt cũng sẽ tiêu tan! Tội về ai đây?
Ngô Quốc Sĩ
No comments:
Post a Comment