Thursday, November 3, 2011

BẦU CỬ TẠI TUNISIA VÀ TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA NÓI CHUNG

Ngày 03.11.2011

HS: Cuộc bầu cử tự do và đa đảng tại Tunisia sau cuộc cách mạng Hoa Nhài là thêm một bằng chứng nữa cho thấy không ai có thể ngăn cản được khát vọng dân chủ của nhân loại. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Đà Giang, nhận định về tiến trình dân chủ hóa đang và sẽ diễn ra trên toàn thế giới, kể cả tại Việt Nam, qua sự trình bày của chị Vân Khanh.
Cuộc bầu cử quốc hội lập hiến tại Tunisia vào ngày 27 tháng 10 vừa qua, được thế giới đánh giá như là một thành quả quan trọng của biến cố: "Mùa Xuân Á Rập". Tuy nhiên, đây không phải là thành quả duy nhất. Trước đó vào ngày 1 tháng 7, vương triều Ma-Rốc đã tích cực đề nghị và được toàn dân đồng thuận, trong một cuộc trưng cầu dân ý về một bản hiến pháp mới, biến nền quân chủ chuyên chế thành nền quân chủ lập hiến, theo truyền thống Anh quốc.

Nhưng hiện tượng bầu cử quốc hội lập hiến tại Tunisia được chú trọng nhiều hơn, vì yếu tố cách mạng của nó. Trong khi Quốc vương Mohammed của Ma-Rốc là một vị minh quân sáng suốt, thì cựu tổng thống Ben Ali của Tunisia lại bảo thủ, thiển cận và mất lòng dân. Khi dân chúng tại Tunisia nổi dậy, quân đội và công an không còn kiểm soát được nữa, ông Ben Ali đã bỏ đảng, bỏ nước và tháo chạy ra ngoại quốc.
Dân chúng Tunisia yêu cầu chính quyền mới thiết lập tòa án và xét xử khiếm diện vợ chồng ông Ben Ali. Ngày 20 tháng 6, chánh án Touhami Hafi đã kết án hai vợ chồng cựu tổng thống này 35 năm tù về tội tham lạm công quỹ. Ông Ben Ali phải bồi thường 34 triệu Mỹ kim, bà vợ của ông phải bồi thường trên 20 triệu Mỹ kim.
Cùng thời với Việt Nam, Tunisia trở thành thuộc địa của Pháp từ năm 1883, sau đó giành lại độc lập vào năm 1956. Mặc dù liên tục bị các nhà độc tài cai trị nhưng bởi không bị ách cộng sản, nên sự phát triển kinh tế của xứ này cao gấp 4 lần Việt Nam tính theo lợi tức mỗi đầu người.
Trên nguyên tắc, Tunisia là một chế độ đa đảng và theo tổng thống chế. Tuy nhiên, đây chỉ là đa đảng trá hình. Đảng của Ben Ali nguyên thủy là đảng Hiến định Xã hội Chủ nghĩa (Socialist Destourian Party), sau đó đổi thành Phong trào Dân chủ Hiến định (Constitutional Democratic Rally) và là đảng duy nhất nắm quyền tại Tunisia.
Trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 25 tháng 10 năm 2009, có 3 ứng cử viên khác ngoài Ben Ali. Trong số 3 người này thì có 2 người tuyên bố công khai ủng hộ Ben Ali. Người duy nhất còn lại độc lập thì chỉ nhận được hơn 1% phiếu. Ben Ali đã đắc cử với số phiếu gần 90%, không khác gì tỷ lệ đắc cử của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng hay Nông Đức Mạnh của Việt Nam. Đảng cầm quyền của ông Ben Ali cũng đã chiếm số phiếu gần 85% trong cuộc bầu cử quốc hội tại Tunisia.
Cuộc bầu cử ngày 27 tháng 10 tại Tunisia đã thể hiện tính đa đảng của nền chính trị tương lai. Đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahda chiếm gần 42% số phiếu và 90 ghế trong quốc hội lập hiến gồm 217 ghế. Các đảng phái khác như: Đại Nghị vì Cộng Hòa (Congress for the Republic) 30 ghế, Diễn Đàn Dân Chủ cho Lao Động và Tự Do (Ettakatol) 21 ghế, Quần Chúng Thỉnh Nguyện (Popular Petition) 19 ghế, Ðảng Cộng Sản 3 ghế và nhiều chính đảng nhỏ khác cũng có ghế trong quốc hội.
Tunisia là một quốc gia theo truyền thống Hồi giáo, sự kiện đảng Ennahda chiếm tỷ lệ phiếu cao nhất không phải là một vấn đề lạ. Tuy nhiên, họ vẫn chưa chiếm được đa số tuyệt đối. Vì thế họ cần phải liên kết với một số đảng nhỏ hơn để thành lập chính phủ lâm thời, và viết lên bản hiến pháp dân chủ thật sự cho Tunisia.
Tiến trình dân chủ hóa Việt Nam cũng sẽ tương tự như Trung Đông. Hoặc các lãnh tụ đương thời CSVN chủ động xúc tiến tiến trình dân chủ hóa, hoặc thiển cận bảo thủ để trở thành những thây ma biết đi như: Ben Ali của Tunisia, Mubarak của Ai Cập, Al Assad của Syria và Ali Abdullah Saleh của Yemen, hoặc tệ hại hơn là những thây ma không biết đi như: Saddam Hussein của Iraq hay Muammar Gaddafi của Libya.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tiến trình dân chủ hóa sẽ có những bước đi căn bản như sau: -
1. Một cuộc tổng tuyển cử tự do với sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, hoặc một cơ chế hoàn toàn độc lập và vô tư, như Liên Hiệp Âu Châu.
2. Cuộc tổng tuyển cử này sẽ có sự tham gia của nhiều đảng phái và thành phần xã hội khác nhau.
3. Cuộc tổng tuyển cử sẽ bầu lên một quốc hội lập hiến, với trách nhiệm căn bản là viết lên một bản hiến pháp dân chủ, hiến định, pháp trị và đa nguyên tiến bộ nhất của thời đại.
4. Quốc hội lập hiến cũng sẽ thành lập một chính phủ lâm thời, để thi hành tiến trình dân chủ hóa theo đúng tinh thần của tân hiến pháp.
5. Một cuộc tổng tuyển cử thứ hai sau đó sẽ diễn ra theo đúng tinh thần của tân hiến pháp.
6. Trong trường hợp tân hiến pháp quy định một nền dân chủ theo tổng thống chế, thì sẽ có bầu cử tổng thống (đại diện cho hành pháp), quốc hội lập pháp và các cấp chính quyền địa phương theo hiến pháp quy định.
7. Trong trường hợp tân hiến pháp quy định một nền dân chủ theo quốc hội chế, thì sẽ có bầu cử quốc hội và các cấp địa phương. Lực lượng nào chiếm đa số trong quốc hội sẽ được thành lập chính quyền, lực lượng nào là thiểu số sẽ trở thành khối đối lập trong quốc hội.
Nhìn trào lưu dân chủ đang vận hành mạnh mẽ trên toàn cầu, chắc chắn tiến trình nêu trên sẽ đến với dân tộc Việt Nam. Vấn đề là các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang có muốn trở về với hàng ngũ dân tộc, hay là họ muốn trở thành các thây ma của lịch sử.
Đà Giang
29/10/2011

No comments:

Post a Comment