GIỚI NÔNG DÂN TỈNH QUẢNG ĐÔNG GIAO CHIẾN VỚI CÔNG AN
Một tờ báo ở Hồng Kông loan tin là vào hôm thứ Ba 12/11, hàng ngàn nông dân ở tỉnh Quảng Đông đã giao chiến với 3 ngàn công an thành phố Trung Sơn, với ít nhất là 3 người thiệt mạng.
Nhật báo Đông Phương cho biết là hàng ngàn nông dân đã xử dụng gậy gộc, gạch đá và bom xăng để giao chiến với công an. Nguyên nhân chính yếu là vì người dân phẫn nộ việc nhà cầm quyền trưng thu đất đai của họ với giá rẻ và bán cho các chủ đầu tư với giá cao để bỏ túi.
Tờ báo cho biết là hai khu công nghiệp đã bị đốt phá và ít nhất là 3 người thiệt mạng. Nhà cầm quyền đang phong tỏa toàn khu vực khiến giới phóng viên không thể đến nơi để kiểm chứng vụ xung đột này.
MỸ - ÚC TĂNG CƯỜNG QUÂN SỰ ĐỀ ĐỀ PHÒNG TRUNG CỘNG
Hai chính phủ Úc và Mỹ đã đồng ý tăng cường sự đồn trú của quân Mỹ tại lãnh thổ Bắc Úc để đối phó với sức bành trướng của hải quân Trung Cộng trong vùng Đông Nam Á.
Vào cuối tuần qua, Tổng trưởng Quốc phòng Úc, ông Stephen Smith, đã phủ nhận là các thủy quân lục chiến Mỹ đã chuyển đến một căn cứ mới ở thành phố Darwin. Tuy nhiên ông xác nhận là hai nước Mỹ - Úc sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự trong vùng vì nhu cầu chiến lược.
Cần nói thêm là quân đội Mỹ đã đồn trú tại một số căn cứ ở Úc từ 60 năm qua theo Hiệp ước Quân sự ANZUS, được ký kết với Úc và Tân Tây Lan.
NƯỚC Ý SẮP CÓ CHÍNH PHỦ MỚI
Thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi, đã giã từ chính trị sau 17 năm khống chế chính trường nước này, và Tống thống Giorgio Napolitano sắp chỉ định một chính phủ lâm thời, với chiếc ghế thủ tướng được giao cho ông Mario Monti, một cựu nghị viên quốc hội Âu châu.
Nhiệm vụ chính của chính phủ mới là thực thi những biện pháp thắt lưng buộc bụng mà ông Berlusconi đã thông qua quốc hội trước khi từ chức. Ông Monti là một người bảo thủ và có tài, nhưng dân chúng Ý vẫn tiếp tục phản đối mạnh mẽ các biện pháp kiệm ước khắt khe. Cần nhắc lại, Ý là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba trong khối Âu kim, nhưng lại là nước đang nợ nần nhiều nhất, và cần được cứu giúp khẩn cấp.
"QUẦN CHÚNG TỰ PHÁT" SYRIA TẤN CÔNG CÀC TÒA ĐẠI SỨ NGOẠI QUỐC
Chính phủ Saudi Arabia đã chỉ trích dữ dội chính phủ Syria, sau khi các nhóm "quần chúng tự phát" tấn công vào hai tòa đại sứ của Saudi Aarabia và Qatar ở thủ đô Damascus. Đây là hai quốc gia đã bỏ phiếu khai trừ Syria ra khỏi khối Ả Rập vì chế độ Al-Assad tiếp tục đàn áp dân chúng.
Chính phủ Saudi Arabia nói rằng Syria đã không bảo vệ các cơ sở ngoại giao, trong khi chế độ Al-Assad thì lên án khối Ả Rập đã bị áp lực của Mỹ và các nước Tây phương. Hai tòa lãnh sự Pháp và Thổ Nhĩ Ký ở một thành phố phía bắc cũng bị tấn công. Đại sứ Syria ở Paris đã bị triệu tập tới bộ ngoại giao Pháp để nhận công hàm phản đối, và Thổ Nhĩ Kỳ đang rút nhân viên tòa đại sứ về nước. Để xoa dịu sự chỉ trích, Syria đã mời khối Ả Rập gửi một phái bộ điều tra đến thủ đô Damascus.
MIẾN ĐIỆN LẠI ÂN XÁ THÊM TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ
Chính phủ Miến Điện vào hôm qua loan báo là họ sẽ ân xá thêm một số tù nhân chính trị. Đây có lẽ là hành động nhằm lôi kéo thêm sự chú ý của dư luận sau cuộc họp báo của thủ lãnh đối lập Aung San Suu Kyi, nhân kỷ niệm một năm ngày bà được trả tự do.
Cần biết việc phóng thích các tù nhân chính trị là một đòi hỏi chính yếu của các nước Tây phương trưóc khi tháo bỏ các cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với quốc gia này, sau 50 năm bị cai trị bởi các chế độ quân phiệt. Vào tháng qua, chính phủ Miến Điện đã ân xá cho 200 tù nhân chính trị, nhưng thế giới vẫn chưa bằng lòng, vì theo các ước lượng mới nhất, hiện còn khoảng 2000 tù nhân chính trị trong các trại giam của Miến.
No comments:
Post a Comment