Thursday, November 10, 2011

GIỎI GIANG HAY GIAN XẢO?

Ngày 10.11.2011   

Lời dẫn: Trong kỷ nguyên thông tin hiện nay, rất khó để người ta "lấy tay che mặt trời". Nhưng một công cụ của đảng CSVN là truyền thông lại cố gắng làm điều ngớ ngẩn đó. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận của Lê Phục Văn, nhân vụ công an bố ráp nhà dân chủ Huỳnh Ngọc Tuấn ở tỉnh Quảng Nam vào ngày 7/11, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Vào ngày 7/11 vừa, đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi đã phỏng vấn trực tiếp ông Huỳnh Ngọc Tuấn, ngay sau khi gia đình ông bị một lực lượng 200 công an chìm nổi bao vây trước sau và lục soát không sót ngóc ngách nào trong nhà.
Thế nhưng qua ngày hôm sau, trên tờ báo Pháp Luật, cái loa tuyên truyền của bộ Tư pháp, loan bản tin có tựa đề là "Quảng Nam bắt quả tang 3 cha con lưu trữ tài liệu chống phá nhà nước". Nội dung bản tin nói rằng sở thông tin truyền thông Quảng Nam đã lập một đoàn thanh tra để kiểm tra việc xử dụng "công nghệ thông tin" ở tỉnh này.

Ngay sau khi có quyết định thành lập vào sáng hôm đó, đoàn này đã đến ngay nhà bà Huỳnh Thị Hường, và bắt quả tang 3 cha con là ông Huỳnh Ngọc Tuấn, cô Huỳnh Thục Vy và anh Huỳnh Trọng Hiếu, đang tàng trữ các bài viết có nội dung chống phá nhà nước. Giỏi thật! Càng "giỏi" hơn nữa là đoàn này còn "phát giác" ra một số phương tiện giúp cho việc soạn thảo, phổ biến các bài viết đó. Đó là 1 máy vi tính, 1 máy in và 1 USB.
Nếu những ai không biết về tình hình VN, đọc xong bản tin này chắc phải xuýt xoa khen ngợi cung cách làm việc nhanh nhẹn và giỏi giang của sở thông tin truyền thông Quảng Nam. Không xuýt xoa sao được khi cái quyết định được bài báo cho biết là ký sáng ngày 7/11, nhưng khoảng 8 giờ sáng là đoàn thanh tra đến đúng ngay nhà ông Tuấn để kiểm soát việc xử dụng công nghệ thông tin và "bắt quả tang" được một đống tài liệu.
Nhưng điều kỳ dị là theo bản tin, đoàn thanh tra "phát hiện" ra một máy vi tính, một máy in và một USB. Không lẽ những dụng cụ này không phải là "công nghệ thông tin" hay sao mà phải "phát hiện" hay "phát giác"? Không lẽ ở VN bây giờ, người dân vẫn còn xài máy đánh chữ để viết bài hay làm đơn tố cáo tham nhũng? Hay mỗi khi xài xong máy vi tính thì phải cất trong tủ sắt hay giấu dưới hầm vì đó là đồ quốc cấm?
Nếu đúng như thế thì nhà cầm quyền Quảng Nam đang lập thêm một đoàn thanh tra ăn hại, gây tốn kém cho công quỹ chứ không mang lại lợi ích nào cả. Lý do là nếu đi kiểm tra cách thức xử dụng "công nghệ thông tin" thì chỉ cần vài nhân viên, kèm với vài câu hỏi là quá đủ, tại sao phải điều động đến 200 người kéo đến bao vây, rồi lục tung cả nhà người ta lên để tìm cho ra cái máy vi tính?
Một tờ báo mang tên là Pháp Luật mà loan tải một bản tin có nội dung vô luật lệ như thế, thì chẳng trách là mỗi khi nhắc đến nền công lý VN thì giới luật sư ngoại quốc đều cười ồ lên và kể ra hàng loạt chuyện tiếu lâm về các "tòa án nhân dân" ở nước ta. Một trong các chuyện tiếu lâm đó là các lời kết tội ở tòa án đã được dư luận biết trước qua các bài báo, thay vì chờ xem các phán quyết của tòa như ở các nước như Mỹ, Anh, Úc.
Nghe mà thấy nhục!
Nhưng nhục hơn nữa là khi những phóng viên, tức thuộc thành phần có học thức, lại có thể bẻ cong ngòi bút để viết những bản tin đầy gian xảo như vậy. Tại sao không viết thẳng ra là một lực lượng an ninh đặc nhiệm được thành lập để trấn áp những hành vi "chống phá chế độ" của ba cha con ông Huỳnh Ngọc Tuấn? Tại sao lại phải dùng cụm từ "bắt quả tang", trong khi các bài viết của họ đã được đăng tải trên khắp các trang mạng hay loan tải trên các đài phát thanh ở hải ngoại, kể cả đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi, suốt nhiều năm qua, với tên thật và địa chỉ chứ không hề có ý giấu giếm?
Trừ phi là cam tâm làm bồi bút hay văn nô, mới phủ nhận rằng một trong những thiên chức của người làm báo là phải trình bày sự thật, dù sự thật đó đôi khi tàn nhẫn và phũ phàng. Đó là lý do mà giới truyền thông được xem là đệ tứ quyền trong các nước văn minh, và đã giúp xã hội tiêu diệt những tiêu cực trong xã hội như các tệ nạn tham nhũng, bất công và cường hào ác bá.
Chẳng có hiến pháp nào qui định cái đệ tứ quyền đó của giới báo chí. Và chẳng có hiến pháp nào, kể cả hiến pháp của cái gọi là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN, lại cấm cản quyền tự do ngôn luận và báo chí.
Thế nhưng ở VN thì khác. Hiến pháp chỉ là một mảnh giấy lộn, không đáng giá bằng một tấm thẻ đảng. Tấm thẻ này giúp mang lại quyền lực và phú quí thì chuyện bẻ cong ngòi bút, và nếu cần phải bán cả liêm sỉ, thì cũng là chuyện... nhỏ! Lý do là bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mới đây cũng có bài viết trên tờ báo Nhân Dân, nội dung nói rằng chế độ VN có tính dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản!
Như thế thì phải nhận định thế nào về giới lãnh đạo và báo chí VN? Họ là những kẻ "ăn ngược nói ngạo", "ăn gian nói dối" hay là "ếch ngồi đáy giếng"?
Câu trả lời là, cả ba nhận định trên... đều đúng!
Lê Phục Văn

No comments:

Post a Comment