Lời dẫn: Lạm phát càng ngày càng đè nặng lên đời sống của người dân. Thạm trạng này có thể dễ dàng nhìn thấy qua bữa ăn tại các trường mầm non hay tiểu học bán trú. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây của Nguyễn Huy, viết về những bữa ăn teo tóp của các trẻ em học sinh ở thành phố Đà Nẵng, qua sự trình bày của Dian.
Giá cả thực phẩm tiếp tục gia tăng trong khi tiền ăn lại giữ nguyên khiến nhiều trường mầm non và tiểu học bán trú ở thành phố Đà Nẵng phải chật vật xoay xở từng bữa để bảo đảm mức dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho các em học sinh.
Mỗi ngày, hơn 300 trẻ em bán trú tại trường mầm non thuộc xã Hòa Khương huyện Hòa Vang được ăn hai bữa trưa và chiều. Tuy nhiên số tiền mà nhà trường thu vào chỉ ở mức 10 ngàn đồng mỗi em mỗi ngày.
Cô Đỗ Thị Thạnh, hiệu trưởng trường, cho biết là mức thu này được tăng thêm 1 ngàn đồng so với năm trước, nhưng cũng không đáng kể vì giá cả liên tục gia tăng. Trường phải xoay xở đủ cách để không tiếp tục tăng học phí vì không muốn ảnh hưởng đến đời sống phụ huynh, mà đa số đều là các gia đình nghèo.
Nhà trường chi 7 ngàn đồng cho bữa chính, số còn lại là tiền ăn bữa phụ. Một đầu bếp nấu ăn cho biết số tiền này chỉ tạm đủ lượng dinh dưỡng. Nếu giá cả tiếp tục gia tăng, chắc chắn bữa ăn học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại trường tiểu học Võ Thị Sáu ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu, đầu năm học này tiền ăn tăng lên 18 ngàn đồng mỗi ngày cho hai bữa chính và phụ. Mức tăng này chủ yếu là vì lạm phát, chứ chưa nhắm đến mục đích cải thiện phẩm chất bữa ăn.
Cô Phan Thị Thu Lan, hiệu trưởng trường, cho biết tỷ lệ học sinh bán trú khá thấp, chỉ có 170 em trong tổng số 500 học sinh, trong khi nhà trường phải trả lương cho nhân công, chi phí trang thiết bị, chiếm đến 20% số tiền ăn uống. Ngoài việc chọn thức ăn giá rẻ, trường cũng tập trung chủ yếu vào bữa chính và thay đổi bữa ăn phụ cho phù hợp, cũng như giảm số lần uống sữa trong tuần.
Tương tự như thế, tại trường mầm non Bình Minh, để bảo đảm bữa ăn cho 110 trẻ em, nhà trường tìm đủ cách nhằm cân bằng thu chi. Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thương cho hay là với 22 ngàn đồng tiền ăn mỗi ngày của mỗi trẻ em, trường rất khó khăn để thuê người nấu nướng hay rửa chén bát. Chưa kể đến 10% tiền thuế do thức ăn mua từ các công ty. Thành thử khẩu phần ăn chẳng còn bao nhiêu. Ngay bữa trưa được coi là bữa chính nhưng chỉ chi ra được 7 ngàn đồng cho mỗi em.
Mới đây, rất nhiều trường mầm non và tiểu học bán trú ở thành phố Đà Nẵng nhận được thông báo sẽ tăng giá của các công ty cung cấp thực phẩm. Theo cô Lan của trường tiểu học Võ Thị Sáu thì càng gần Tết giá cả sẽ tăng mạnh nên việc chi nhiều hơn chi của trường là chuyện rất dễ xảy ra.
Do đời sống ngày càng khó khăn, nhiều phụ huynh đã phải cho con em nghỉ ăn ở các trường bán trú. Trường Võ Thị Sáu vào năm ngoái có hơn 200 học sinh ăn uống tại trường, năm nay giảm gần 50 em. Trường mầm non Hòa Khương có khoảng một phần ba trẻ em không ăn uống tại trường. Hiệu trường trường này cho biết: "Điều đáng lo ngại là đầu mỗi năm học, trường có trên 10% trẻ em suy dinh dưỡng. Đến hết học kỳ I, tỷ lệ này giảm xuống còn 5% do được ăn uống bảo đảm dinh dưỡng. Nếu trẻ tự ăn ở nhà thì khó bảo đảm các chỉ tiêu dinh dưỡng cần thiết".
Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng, trưởng phòng giáo dục quận Hải Châu, thì việc tăng tiền ăn phải có sự đồng ý giữa nhà trường, phụ huynh và giới hữu trách. Nhưng trước mắt, phòng giáo dục yêu cầu các trường không được gia tăng tiền ăn. Nhưng với đà lạm phát này thì nếu không tăng, bữa ăn của các học sinh sẽ mỗi ngày mỗi teo tóp lại, chưa chắc đã có đủ dinh dưỡng.
Nguyễn Huy
No comments:
Post a Comment