Ngày 29.11.2011
Lời dẫn: Giới công an thành phố Thanh Hóa vừa áp dụng một biện pháp mà họ gọi là sáng kiến để chận bắt những người lái xe gắn máy vi phạm giao thông nhưng không ngừng lại khi bị thổi còi. Biện pháp này là dùng lưới đánh cá để quăng vào chiếc xe đang chạy. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Lê Phục Văn, nói về biện pháp vô nhân đạo này, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Lực lượng công an thành phố Thanh Hóa vừa áp dụng một sáng kiến chận bắt những người vi phạm giao thông nhưng không chịu dừng xe lại sau khi bị thổi còi. Cách thức hoạt động là thành lập một tổ 6 người, gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động cùng với dân phòng, được trang bị thêm các tấm lưới cước sợi nhỏ, một đầu lưới được cột một cục gạch. Khi công an phất tay ra lệnh thì tên dân phòng sẽ quăng tấm lưới ra để chận chiếc xe gắn máy. Bánh xe sẽ bị cuốn tấm lưới nên khó có thể chạy thoát được.
Sáng kiến này thoạt đầu được đưa ra nhằm bắt giữ giới thanh thiếu niên tổ chức đua xe, gây náo loạn trong thành phố vào ban đêm. Nhưng bây giờ thì được áp dụng rộng rài kể từ ngày 23/10 vừa qua ở mọi con đường và giữa ban ngày ban mặt có đông người qua lại, đặc biệt là tại các ngả ba ngả tư của thành phố Thanh Hóa.
Bài phóng sự trên tờ Pháp Luật không nói rõ là người bị chặn xe có bị buộc trả thêm tiền mua tấm lưới, ngoài số tiền phạt vạ hay không, mà chỉ cho biết là nếu vi phạm nhẹ thì chỉ đóng tiền xong là chạy tiếp, và nếu nặng thì bị giải cả người lẫn xe về đồn công an để xử phạt. Điều này cho thấy là nếu xe dừng lại kịp lúc thì việc tháo gỡ tấm lưới là điều dễ dàng. Nếu cố chạy tới thì sau khi ngừng lại, chỉ còn có nước cắt từng khoảng lưới thì mới mong "giải phóng" được cái bánh xe. Nhưng điều chắc chắn là cái lưới cuốn vào cái bánh xe trước, chứ không thể nào ở cái bánh xe sau như lời ông thượng tá Lê Văn Ngọc, có chức vụ phó phòng của cái gọi là "công tác chính trị và công tác quần chúng" thuộc sở công an tỉnh Thanh Hóa.
Lý do là bài phóng sự trích lời một phụ nữ nói rằng, nếu lưới cuốn vào bánh sau thì chiếc xe còn có thể giữ thăng bằng nên khó té ngã, nhưng nếu cuốn vào bánh trước thì khó tránh được chuyện té ngã xuống đường. Nhưng ông thượng tá Ngọc khẳng định là nếu quăng lưới vào bánh trước thì nguy hiểm, nhưng "quăng vào bánh sau thì không sao".
Trời đất ơi, ông Ngọc xuất thân từ trường nào vậy cà? Lý do là muốn chận một chiếc xe đang chạy tới mà ông cho rằng quăng lưới hay quăng dây ở đằng sau cũng bắt được thì chắc là chỉ có trong các phim siêu nhân như Spiderman. Nhưng cứ cho là làm được điều đó thì cũng không thể chắc chắn là không có té ngã. Ngay cả khi cán một chiếc đinh bị xì lốp mà chiếc xe còn chao đảo, huống hồ gì díng nguyên một chùm lưới vào bánh xe.
Thế nhưng theo bài phóng sự thì bọn dân phòng không ném tấm lưới từ đằng sau, mà là ngay trước mặt chiếc xe vi phạm giao thông như chơi trò "tạt lon" trên đường phố. Như thế thì một nguời lái xe gắn máy, cho dù khả năng lái vững đến đâu, cũng dễ dàng lạc tay lái khi có một con chó bất ngờ phóng vụt qua đường, huống hồ gì một tấm lưới gắn cục gạch đột nhiên văng qua trước mặt. Nguy hiểm hơn nữa là không những khổ chủ mà có thể vài chiếc xe chạy đằng sau cũng dễ lao vào lưới và té rạp hàng loạt.
Nói một cách tóm tắt, đó là một sáng kiến man rợ của những kẻ xem mạng người như rơm rác, chứ không thể là một sáng kiến "hữu hiệu" mà ông thượng tá Ngọc khoe khoang với báo chí. Nếu không tin thì cứ hỏi các phái đoàn cảnh sát quốc tế vừa sang tham dự hội nghị Interpol ở Hà Nội vào mấy tuần trước để xem họ nhận xét ra sao. Hy vọng là bài phóng sự của tờ Pháp Luật không có ai dịch ra các ngoại ngữ, nếu không thì cả thế giới sẽ rùng mình vì cái sáng kiến dã man đó.
Không dã man sao được khi số tiền phạt vạ chỉ từ vài chục ngàn đồng cho đến vài trăm ngàn đồng, trong khi một cú té ngã có thể làm hư hỏng xe cộ, phải đi bệnh viện để chữa trị thương tích, với phí tổn còn gấp nhiều lần số tiền bị phạt?
Nhưng điều đáng nói là tại sao mỗi xe gắn máy đều có bảng số, được đăng bạ với địa chỉ đàng hoàng, mà không dùng máy chụp hình khi họ vi phạm, sau đó cử công an đến tận nhà để phạt vạ mà phải áp dụng biện pháp quăng lưới bắt người như bắt thú rừng ngay trên đường phố? Chuyện tìm đến nhà để phạt đâu phải là quá khó, nhất là khi chế độ đang có cả triệu công an cả chìm lẫn nổi, cộng với vài triệu dân phòng đang được tuyển mộ làm tay sai, để chuyên theo dõi, đàn áp và sách nhiểu những người đối kháng.
Với một lực lượng đông đảo và hùng hậu như thế thì chuyện ép buộc người dân phải chấp hành giao thông chỉ là chuyện nhỏ đối với đảng cộng sản. Suốt 66 năm qua, dân tộc Việt là những "con cá nằm trên thớt" mà công an muốn bắt muốn mổ lúc nào cũng được. Cần gì phải dùng đến biện pháp vô nhân đạo đó, hỡi lực lượng "còn đảng còn... tiền"?
Lê Phục Văn
No comments:
Post a Comment