Ngày 22.11.2011
Lời dẫn: Hàng loạt các công trình xây dựng tại VN trong nhiều năm qua đang gây lãng phí quá lớn về tiền bạc và thời gian. Điều tệ hơn nữa là phẩm chất của các công trình rất tồi tệ và có nguy cơ dẫn đến các thảm kịch trong tương lai. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Lê Phục Văn, qua ví dụ điển hình là đài điều khiển không lưu ở phi trường Nội Bài, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Vào tuần qua, một bản tin khá lạ lùng được loan tải trên một số báo chí trong nước. Bản tin cho biết là Cục Hàng không Việt Nam vửa đưa ra lời kết luận về đài điều khiển không lưu của phi trường quốc tế Nội Bài. Theo đó thì đài này đã vi phạm tiêu chuẩn an toàn phi hành vì vượt quá độ cao phép đến 7 thước khiến máy bay gặp khó khăn khi đáp xuống phi trường này.
Bản tin cho biết đài điều khiển không lưu Nội Bài lần đầu tiên được giao cho các công ty nội địa thiết kế và xây dựng chứ không mời gọi nhà thầu ngoại quốc như các phi trường khác. Theo thiết kế thì đài này sẽ cao 88 thước, theo thỏa thuận giữa bộ giao thông vận tải và bộ tổng tham mưu quân đội VN. Thế nhưng khi hoàn tất thì lại cao đến 95 thước, khiến các máy bay phải lượn thêm vài vòng mới có thể đáp xuống được.
Nhưng tại sao lại có chuyện buồn cười như thế? Không lẽ nhà thầu chơi trội, muốn biến đài này thành đài điều khiển không lưu cao nhất Đông Nam Á nên xây cao thêm 7 thước nữa?
Câu trả lời của nhà thầu là vì độ cao của cột radar trên sân thượng đã vượt quá dự tính ban đầu. Có nghĩa là khi thiết kế họ chẳng hề tính đến chiều cao của cột radar, nhưng cũng có thể là đã đi thay một cây radar khác vào giờ chót vì có giá rẻ hơn. Giả thuyết sau có vẻ đúng hơn vì cục hàng không chỉ mở cuộc điều tra về công trình này sau khi có hàng loạt đơn tố cáo gửi báo chí và các cấp chính quyền. Kết quả cho thấy là phẩm chất công trình khá thấp, hệ thống thang máy không phải là loại được ghi trong thiết kế và các máy điện toán cũng thế.
Nhưng buồn cười hơn nữa là cục Hàng không VN cho rằng, việc hạ độ cao của đài này sẽ rất tốn kém nên đề nghị là bộ giao thông và bộ tổng tham mưu nên chấp nhận độ cao này và yêu cầu các hãng máy bay phải thay đổi cách thức tiếp cận phi trường.
Trời đất quỷ thần ơi, một chế độ tự xưng là ưu việt gấp vạn lần tư bản mà lại đưa ra những giải pháp ngớ ngẩn đến như thế hay sao?
Trừ phi đó là một phi trường năm khi mười họa mới có một chuyến bay lên xuống thì không nói làm gì. Đằng này đã gọi là phi trường quốc tế thì sẽ có hàng trăm máy bay lên xuống mỗi ngày. Chỉ cần thay đổi cách thức tiếp cận, tức phải bay lượn vài vòng, thì sẽ tốn kém thêm bao nhiêu nhiên liệu mỗi ngày?
Nhưng điều đáng nói nhất vẫn là vấn đề an phi. Đây là tiêu chuẩn hàng đầu về hàng không vì tính thảm khốc của nó mỗi khi xảy ra các tai nạn. Bất cứ một yếu tố nào gây nguy hiểm cho các máy bay đều phải được loại bỏ và ngăn chận trước. Chẳng hạn như các đàn chim làm tổ ở gần phi trường cũng bắt buộc phải tìm cách di dời chúng đi nơi khác.
Thế nhưng không biết các quan chức cục hàng không có được học về chuyện đó hay không, mà đi đến giải pháp ép buộc các phi công thay đổi đường bay, hơn là việc cắt bỏ độ cao của đài điều khiển không lưu? Họ có biết là trong thời tiết xấu thì dù máy bay có hiện đại và tối tân đến đâu thì tầm nhìn vẫn bị hạn chế và có thể dẫn đến những tai nạn thảm khốc hay không?
Điều ghê rợn hơn nữa là kết quả điều tra cho thấy là công trình này xây dựng chậm trễ đến 5 năm, nhưng phẩm chất rất tồi. Nếu như thế thì cũng nên đập phá toàn bộ và mướn một công ty ngoại quốc xây lại, nếu không muốn trong nay mai sẽ xảy ra một thảm kịch tại một phi trường được xem là hiện đại nhất nước.
Nhưng đối với những con người có tư duy lạc hậu và chỉ biết trút trách nhiệm cho người khác thì chuyện đập bỏ và xây dựng lại là chuyện khó xảy ra. Vì thế mới có chuyện là phân người trào lênh láng trên phi đạo Nội Bài sau một cơn mưa. Và đại lộ Thăng Long thì biến thành sông, hay đại lộ Đông – Tây xe chưa chạy đã lún.
Và đó là điều bất hạnh cho đất nước VN và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu hiện nay. Hàng trăm tỷ Mỹ kim được trút vào những công trình xây dựng cơ cấu hạ tầng lẽ ra đã đẩy đất nước đi lên, nhưng tai nạn giao thông càng ngày càng thêm thảm khốc. Không một công trình nào là không có vấn đề sau khi xây xong, mà chuyện khắc phục hay tu bổ còn tốn kém gấp nhiều lần phí tổn xây dựng. Chẳng hạn như cái gọi là viện Bảo tàng Hà Nội hễ cứ mưa xuống là dột khắp nơi.
Chỉ xây có một đài điều khiển không lưu mà cũng mất đến 5 năm thì biết chừng nào mới đuổi kịp các nước láng giềng? Đúng là làm trò cười cho cả thế giới!
Lê Phục Văn
No comments:
Post a Comment