Thursday, November 24, 2011

NHỮNG CON SỐ BỊ ĐIỆN GIỰT!

Ngày 24.11.2011     

Lời dẫn: Sau vụ Vinashin thì đến phiên Tập đoàn Điện lực VN đang gây xôn xao trong dư luận vì con số lỗ lã lên đến 10 ngàn tỷ đồng, chưa kể khoản tiền mà tập đoàn này đang nợ hai tập đoàn khác. Nhưng các số liệu ấy có chính xác hay không, mới là điều đáng bàn. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Lê Phục Văn, nhận định về các con số lỗ lã đó, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Chuyện kinh doanh lỗ lã của các tập đoàn quốc doanh VN là chuyện dài nhiều tập, mà nói theo ngôn ngữ dân gian là "chuyện thường ngày diễn ra ở huyện". Thế nhưng vụ lỗ lã mới nhất, đang gây xôn xao trong dư luận, là chuyện Tập đoàn Điện lực VN, gọi tắt là EVN, đã lỗ đến 10 ngàn tỷ đồng trong năm 2010 và sẽ lỗ nhiều hơn nữa trong năm nay. Đó là chưa tính đến khoản tiền 10 ngàn tỷ mà EVN đang nợ 2 tập đoàn dầu khí và tập đoàn than đá.

Nhưng điều đáng bàn nhất là các con số hạch toán và biện minh do nhà nước VN và tập đoàn EVN đưa ra.
Trong cuộc họp báo vào ngày 21/11 vừa qua, ông thứ trưởng bộ công thương, Hoàng Quốc Vượng, nói rằng tập đoàn điện lực mang công mắc nợ là vì phải bán điện với giá thấp hơn giá thành sản xuất. Ông Vượng cho biết là trong năm 2010, phí tổn sản xuất là 1180 đồng mỗi kilowatt, nhưng tập đoàn EVN lại bán ra với giá 1061 đồng, tức lỗ khoảng 100 đồng cho mỗi ký điện.
Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn trước đó với báo chí thì ông tổng giám đốc Phạm Lê Thanh nói rằng, cứ mỗi ký điện bán ra thì EVN lỗ vào khoảng 300 đồng, tức gấp ba lần con số của ông thứ trưởng Vượng đưa ra. Tại sao là có sự chênh lệch kỳ lạ như thế? Ai là kẻ đã ăn gian nói dối?
Câu trả lời là cả hai đều ăn gian nói dối. Lý do là mặc dù mỗi ông đưa ra mức lỗ của mỗi ký điện khác nhau, nhưng lại có cùng tổng số lỗ trong năm 2010 là hơn 10 ngàn tỷ đồng. Không lẽ máy tính ở bộ công thương bị "điện giựt" nên tính toán mức lỗ của mỗi ký điện khác xa với tập đoàn EVN?
Nhưng điều kỳ dị là, trong một ví dụ để biện minh cho sự lỗ lã của EVN, ông tổng giám đốc Phạm Lệ Thanh nói rằng vào năm ngoái, VN mất 6 tỷ ký thủy điện vì hạn hán, nên phải bù đắp bằng các máy chạy bằng dầu cặn. Mà cứ sản xuất một tỷ ký điện loại này là EVN bị lỗ 3000 tỷ đồng. Như vậy thì chỉ riêng 6 tỷ ký điện chạy bằng dầu đã lỗ đến 18 ngàn tỷ đồng, tại sao chỉ lỗ có 10 ngàn tỷ đồng trong toàn năm 2010?
Và điều kỳ dị hơn nữa là không biết lấy số liệu ở đâu mà ông thứ trưởng Vượng nói rằng nếu cộng mọi lợi tức kinh doanh thì mức lỗ của EVN là 8500 tỷ đồng. Có nghĩa là vào năm ngoái, những kinh doanh ngoài ngành điện của EVN mang về một lợi nhuận hơn 1500 tỷ đồng. Nếu tính lãi xuất là 10% thì như vậy/ số vốn mà EVN bỏ ra để đầu tư ngoài ngành phải ít nhất là 15 ngàn tỷ đồng mới có thể mang lại lợi tức đó.
Chỉ với một tập đoàn quốc doanh mà số liệu mỗi bên đưa ra cũng mờ mờ ảo ảo, "ông nói gà, bà nói vịt" như thế, thì làm sao tin được là nhà nước VN có thể quản trị hàng trăm công ty quốc doanh khác?
Điều bất ngờ hơn nữa là nhờ có chuyện lỗ lã mà dư luận mới biết thêm là mức lương trung bình của công nhân điện lực là 7 triệu rưởi đồng một tháng, tức cao gấp mấy lần giới công nhân đang làm việc trong các hãng xưởng. Thế nhưng ông tổng giám đốc EVN có vẻ như không biết là quốc hội VN đã cãi nhau om sòm về mức lương tối thiểu 1 triệu rưởi đồng vào mấy tuần trước. Ông Thanh than thở là mình cảm thấy xót xa khi trả lương khá thấp cho công nhân mình.
Thật sự thì ông Phạm Lê Thanh cũng không phải là một ngoại lệ trong hệ thống tập đoàn quốc doanh của chế độ. Nếu làm ăn có lời thì họ trích ra làm tiền thưởng để chia chác nhau và tự động tăng lương. Nếu lỗ lã thì kêu gào nhà nước bù lỗ hay cho phép tăng giá. Nói một cách tóm tắt, các tập đoàn quốc doanh giống như những con bò sữa để các quan chức lớn nhỏ đua nhau vắt kiệt ngân quỹ của nhà nước.
Không kiệt quệ sao được khi rờ đâu cũng thấy lỗ. Nhập xăng dầu về bán cũng lỗ. Kinh doanh điện nước cũng lỗ. Sản xuất xi măng hay thép thì bán không ai mua. Đóng tàu thì phá sản. Ngay cả đào quặng bauxite lên bán cũng lỗ nếu như phải bỏ tiền ra làm đường sá vận chuyển. Có nghĩa là các "quả đấm thép", tức các "chủ trương lớn" của đảng, nếu không bị sứt mẻ thì cũng tan vỡ thành từng mảng.
Điều đáng nói là các quan chức lớn nhỏ, kể cả quốc hội, đều có vẻ thản nhiên trước những khoản tiền thất thoát khổng lồ đó. Trong khi đó thì ở nhiều vùng quê nghèo, người dân đang thèm khát có được một chiếc cầu treo hay một ngôi trường tiểu học, mà phí tổn xây dựng không đến 10 tỷ đồng. Vậy mười ngàn tỷ đồng sẽ xây được bao nhiêu chiếc cầu treo hay trường học, hả ông Thanh?
Hy vọng là ông Thanh làm được bài toán chia này. Nhưng hy vọng lớn nhất là ông nhận thức được rằng chính ông, và cái đảng bất lương của ông, đã giết chết những ước mơ nhỏ nhoi đó của người dân nghèo, suốt mấy chục năm qua!
Lê Phục Văn

No comments:

Post a Comment