Ngày 30.11.2011
Lời dẫn: Vào tuần qua, giới truyền thông và quan chức VN nhảy nhót hò reo trước tin Vịnh Hạ Long được một công ty tư nhân công bố là "kỳ quan" hàng đầu thế giới. Điều đáng buồn là việc bình chọn này không dựa vào tiêu chuẩn nào hết mà chỉ là qua số lượng tin nhắn SMS do đảng cộng sản phát động. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm "Lấy thịt đè người" của LLDTCNTQ, nhận định về hiện tượng kỳ dị này, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Vào tuần qua, cả nước VN, từ báo chí cho đến các quan chức đã hò reo nhảy múa vì vịnh Hạ Long được bầu chọn làm một trong bảy kỳ quan quốc tế.
Điều khôi hài là cuộc bầu chọn này không phải là do một cơ quan hay tổ chức quốc tế nào đứng ra tổ chức, kể cả cơ quan Văn hóa, Khoa học và Nghệ Thuật, hay Quỹ Bảo tồn Di sản Thế giới của Liên Hiệp Quốc. Trái lại, cuộc bình bầu này là do một công ty quảng cáo tư nhân đứng ra tổ chức. Và cuộc bình chọn hoàn toàn dựa trên số phiếu bầu được gửi đến bằng cách nhắn tin qua điện thoại hay thư điện tử, một cách không giới hạn. Có nghĩa là muốn bầu bao nhiêu lần cũng được miễn là có tiền... để nhắn tin!
Với thể thức bình bầu như thế, nếu còn một chút tỉnh táo, người ta sẽ nhận thấy ngay đó là một trò lố bịch. Thế nhưng cả nước gần như lên cơn sốt với những lời hô hào âm ĩ trên báo chí và quan chức, nội dung kêu gọi người dân Việt phải tích cực bỏ phiếu để giật được ngôi vị số một cho VN. Hàng loạt bài báo kể về những người dân trút hết cả số tiền dành dụm của mình để nhắn tin qua điện thoại. Họ còn cho biết ông chúa đảo Tuần Châu, hiện được xem là người giàu nhất VN, đe dọa các nhân viên của mình là nếu không tiếp tay nhắn tin bầu Vịnh Hạ Long sẽ bị cho nghỉ việc.
Báo chí trong nước còn đăng tải hình ảnh ông bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đang đi công tác cũng say mê bấm máy để bỏ phiếu. Điều tệ hại hơn nữa là, trong cơn điên loạn đó, ông bộ trưởng còn cho biết là đứa cháu của ông, chỉ mới được 5 tháng tuổi, cũng tham gia vào chiến dịch nhắn tin.
Nếu như vậy thì đứa bé này phải là thần đồng trong số những thần đồng, đáng được làm rầm rộ và tự hào. Tại sao giới báo chí không khai thác cái tin chấn động về một đứa bé chưa biết nói nhưng đã biết xử dụng điện thoại? Chắc chắn là cả thế giới sẽ đổ xô sang xem mặt đứa bé, đông gấp mấy chục lần du khách đến vịnh Hạ Long, nơi mà các tai nạn chìm tàu hay cướp giật đang khiến cho thắng cảnh này ngày càng bớt thu hút du khách?
Nhưng kết quả của cơn sốt ấy là gì? Các nguồn tin cho biết là hàng chục triệu cú nhắn tin bầu chọn từ VN được gửi đi, với số tiền cước lên đến cả triệu Mỹ kim. Công ty này hưởng khoảng nửa triệu Mỹ kim từ tiền hoa hồng của các công ty điện thoại, trong cuộc bình chọn có tính cách "lấy thịt đè người" đó.
Tuy nhiên các tờ báo và nhiều người Việt đã lấy làm mừng rỡ trước cái gọi là "chiến thắng vẻ vang" đó. Tại sao có chuyện kỳ dị như thế? Phải giải thích như thế nào về tâm lý lạ lùng của người Việt ngày nay?
Không ai chối cãi là vịnh Hạ Long rất xinh đẹp. Nó đã được cả thế giới khen ngợi từ bao nhiêu năm qua chứ không phải mới đây. Nhưng họ cũng xưng tụng rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên khác. Nếu bình chọn theo kiểu bỏ phiếu "lấy thịt đè người" nói trên, người VN liệu có thắng nổi con số hàng tỷ người dân Trung Quốc, Ấn Độ hay hàng trăm triệu dân Nhật, Nam Dương, Ba Tây, Nga, Mỹ hay không?
Nhưng điều đáng nói nhất là, việc biết tận dụng thắng cảnh mà trời ban cho mình thành một nguồn lợi tức cho đất nước mới là điều quan trọng, chứ không cần phải được bầu chọn làm kỳ quan thế giới. Rất nhiều thắng cảnh trên thế giới mặc dù chẳng là kỳ quan nhưng đã thu hút đông đảo du khách, mang lại nguồn lợi tức rất to lớn. Chẳng hạn như đảo Bali của Nam Dương.
Một thắng cảnh dù đẹp đến mấy mà khi du khách đến nơi thì bị chặt chém, dễ bị ngộ độc thức ăn, cảnh ăn xin lê la đầy đường và tai nạn giao thông diễn ra hằng ngày thì hai chữ "kỳ quan" chỉ khiến cho người ta thêm hổ thẹn chứ không phải là điều đáng tự hào.
Chính vì thế sự vui mừng vừa rồi chỉ cho thấy rõ thêm mặc cảm tự ti đang hằn sâu trong đầu óc người Việt vì cảm thấy mình thua kém những dân tộc khác. Nhưng thay vì vươn lên bằng trí óc và tài năng của mình thì chỉ biết trông chờ vào những lời khen ngợi của thế giới, bát kể là đúng hay sai. Chẳng hạn như cái kết quả thăm dò cho thấy "người Việt cảm thấy hạnh phúc nhất thế giới".
Một đất nước sau 36 năm xây dựng mà đích thân ông thủ tướng van xin các định chế tài chánh thế giới là đừng liệt VN vào danh sách có lợi tức trung bình, mà người dân cảm thấy "hạnh phúc nhất thế giới" thì quả là điều kỳ dị, không bút mực nào diễn tả nổi. Một đất nước với hàng chục người chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày, và hàng trăm làng xã bị cô lập trong lũ lụt và có thể chết đói trong vài ngày tới mà chẳng ai quan tâm tới mà lại đua nhau nhắn tin để bầu chọn một thắng cảnh, thì quả là quá bất nhân.
Một đất nước như thế, và một nhà nước như thế, mà vẫn cho rằng đó là nơi đáng sống thì người dân Việt xứng đáng được bầu vào danh sách các dân tộc có "óc khôi hài nhất thế giới". Nếu có công ty nào đứng ra tổ chức cuộc bình chọn này, chắc chắn là sẽ kiếm bộn tiền!
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment