Ngày 17.11.2011
Lời dẫn: Cho đến hôm nay, bệnh tay chân miệng đã lan tràn trên toàn quốc với tỉnh Ninh Thuận đã tuyên bố đây là dịch, chứ không còn là bệnh thông thường. Thế nhưng bộ y tế VN vẫn thản nhiên, mặc dù đã có 142 trẻ em thiệt mạng, một con số chưa từng có ở nơi nào trên thế giới. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của ông Đào Tuấn, nói về thái độ vô trách nhiệm của bộ y tế VN, qua sự trình bày của Dian.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, người xin chữa bệnh tay chân miệng "miễn phí" cho những đứa trẻ, đã tỏ ra giận dữ với ngành y tế tỉnh Ninh Thuận. Lý do là khi liên lạc để tự nguyện giúp dân dập dịch bệnh này, "ông già Ozon" nhận ngay một gáo nước lạnh khi ông giám đốc sở Y tế lạnh lùng nói rằng đang bận họp.
Tiến sĩ Khải giận dữ nói: "Chẳng lẽ cái cuộc họp của ông ta quan trọng hơn sinh mạng của hàng trăm đứa trẻ hay sao? Nếu ông giám đốc sở y tế tỉnh Ninh Thuận coi việc tôi muốn cứu chữa cho dân như là một kiểu chào hàng thì thật là vô lương tâm".
Và bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi bị báo chí truy dồn bên hành lang quốc hội, vẫn tiếp tục nói cứng rằng: bộ Y tế sẽ công bố dịch nếu có thêm một tỉnh công bố dịch.
Tại sao cứ phải cố chấp và máy móc đến mức cứ phải "thêm một tỉnh", khi mà những khảo sát của Viện Pasteur Nha Trang tại 11 tỉnh miền Trung cho thấy hầu hết các tỉnh đã đủ điều kiện để công bố dịch. Phát biểu trên tờ báo Tuổi trẻ, Viện phó Viên Quang Mai cho rằng: "Khi con số các vụ mắc bệnh gia tăng gấp ba lần các năm trước, và xuất hiện nhiều ca bệnh nặng hay tử vong hơn trước, là có thể công bố dịch ngay lập tức. Chứ cứ chờ đến khi vượt khả năng ứng phó của ngành y tế địa phương thì quá chung chung và quá trừu tượng, khó đánh giá, khó công bố dịch".
"Ông già Ozon" không phải là bộ trưởng, cũng không phải là giám đốc sở y tế. Ông cũng không khoác áo lương y, cũng không bị ràng buộc bởi "Lời thề Hyppocrates", nhưng từ vài tháng nay, ông bỏ tiền túi đi chữa bệnh cho bà con từ Bắc chí Nam. Tiến sĩ Khải từng cam kết nếu không chữa khỏi cho những đứa trẻ, chỉ bằng những chai nước muối điện phân đơn giản, ông sẵn sàng đi ngồi tù. Lý do cũng rất đơn giản là, ngoài sự quan tâm của ông đối với đồng bào, ông sẵn sàng nhận trách nhiệm.
Đúng ra, người cam kết sẽ chặn được dịch và sẽ không để thêm bất kỳ một đứa trẻ nào nữa phải chết, phải là bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kím Tiến, vì đó là trách nhiệm chính của bộ Y tế. Còn nhớ vào ngày 25/10 vừa qua, trong tình trạng toàn quốc có 76 ngàn ca mắc bệnh tay chân miệng và 137 đứa trẻ chết vì bệnh, thì bà bộ trưởng y tế bất ngờ tuyên bố "Đã kiểm soát được dịch Tay Chân Miệng".
Sau lời tuyên bố của bà bộ trưởng thì đúng 10 ngày sau, và hoàn toàn không bất ngờ, tỉnh Ninh Thuận, địa phương đầu tiên của cả nước công bố dịch tay chân miệng.
Cần phải nhắc lại, trong chính cái ngày mà bà Tiến nhậm chức, số ca nhiễm bệnh chỉ là 30 ngàn và cũng mới chỉ có 81 gia đình đau khổ vì mất con. Con số đó giờ đã lên tới 142 ca tử vong. Có kiểm soát được dịch hay không, có vượt khả năng ứng phó hay không, dường như tự những con số này đã nói lên tất cả.
Có bậc từ mẫu nào lại có thể tính toán nhiều ít đối với những cái chết trẻ con? Và phải thêm bao nhiêu đứa trẻ nữa phải chết thì bộ Y tế mới thừa nhận là "vượt khả năng ứng phó"?
Có lẽ không khó để giải thích tại sao ngành y tế và cá nhân bà bộ trưởng lại sợ công bố dịch đến như vậy. Lý do là chính ngành y tế cũng không có thuốc đặc trị cho căn bệnh này, vì thế họ sợ trách nhiệm. Họ thậm chí còn không đủ tính táo để cân nhắc xem điều gì đáng sợ hơn, giữa việc có thêm nhiều đứa trẻ phải chết, và một dòng trong báo cáo cuối năm là đã để xảy ra dịch.
Trong Hải Thượng Y tông Tâm lĩnh, đức Hải Thượng Lãn Ông viết rằng: "Thấy bệnh khó, đáng lý phải nói thật rồi hết sức cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng là không biết thuốc, vả lại, chưa chắc đã thành công, mà đã như vậy thì không được hậu lợi, nên kiên quyết không chịu chữa đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội bất nhân".
Nếu còn sống đến bây giờ, có lẽ đức Hải Thượng Lãn Ông phải thêm một điều trong y huấn cách ngôn: "Không thể mang tính mạng người bệnh để so với bất cứ điều gì, nhất là những thứ chung chung như 'ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội' hay những con số đẹp trong bản thành tích mỗi cuối năm".
Hôm qua ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, hàng trăm người dân đã bao vây Trung tâm Y tế huyện trước cái chết thê thảm của một đứa trẻ 10 tuổi được cho là chỉ "viêm họng". Khi gia đình gọi cấp cứu vào lúc 5 giờ sáng, nhân viên y tế thậm chí còn không ra khỏi phòng trực. Ngay cả khi gia đình xin chuyển viện, còn bị bác sĩ chửi mắng rằng: "Viêm họng thì làm sao phải chuyển?".
Hình như sự tận tụy đối với những lương y, những bậc vẫn vỗ ngực cho mình là "từ mẫu", giờ đây đã trở nên quá xa xỉ, thậm chí là đã tuyệt chủng!
Đào Tuấn
No comments:
Post a Comment